Các công dân vào khu cách ly tập trung theo dõi COVID-19 tại Trung đoàn 814, Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh Hòa Bình. (Ảnh: Trọng Đạt/TTXVN)
Lần đầu tiên trong lịch sử thành lập và phát triền của mình, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) tổ chức hàng loạt hội nghị theo hình thức trực tuyến.
Đây là một trong những dẫn chứng nổi bật cho thấy sự thích ứng, chủ động và linh hoạt phòng, chống đại dịch COVID-19 của Cộng đồng ASEAN với vai trò dẫn dắt của Việt Nam - Chủ tịch ASEAN 2020.
Khi “bóng ma” đại dịch phủ bóng
Ngày 13-1-2020, Thái Lan đã ghi nhận bệnh nhân đầu tiên bị mắc COVID-19, là một phụ nữ Trung Quốc 61 tuổi đến từ thành phố Vũ Hán (Trung Quốc).
Cùng ngày, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) xác nhận đây là ca mắc COVID-19 đầu tiên bên ngoài Trung Quốc.
Đây cũng là cột mốc đáng ghi nhớ, đánh dấu cuộc chiến của các nước ASEAN chống lại cuộc khủng hoảng y tế ở tầm mức một trăm năm qua mới xảy ra một lần.
Tiếp sau Thái Lan, các nước láng giềng: Philippines, Singapore, Campuchia, Việt Nam và Malaysia đã thông báo các ca mắc COVID-19 trong tháng Một và kể từ đó các ca bệnh ở những nước này ngày càng tăng.
Indonesia, quốc gia có 273 triệu người, thông báo ca bệnh đầu tiên vào tháng Ba, khá muộn so với các nước láng giềng, nhưng hiện là quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất trong khu vực (tính đến ngày 10-11, có hơn 440.000 ca nhiễm, 14.689 ca tử vong).
Cũng trong tháng Ba, các nước còn lại trong Hiệp hội là Brunei (9-3), Myanmar (23-3) và Lào (24-3) lần lượt thông báo các ca mắc COVID-19 đầu tiên.
Ngày 2-2-2020, Philippines xác nhận một người đàn ông 44 tuổi tới từ Vũ Hán, Trung Quốc, vào tháng 1 là trường hợp tử vong đầu tiên do COVID-19 tại nước này.
Theo Bộ Y tế Philippines, nạn nhân đã tử vong vào ngày 1-2. Khi nhập viện, bệnh nhân bị viêm phổi nặng.
Đại diện của WHO tại Philippines, Rabindra Abeyasinghe xác nhận đây là trường hợp tử vong đầu tiên do COVID-19 ngoài Trung Quốc.
Như vậy, tính từ thời điểm WHO ra tuyên bố xác nhận SARS-CoV-2 là một chủng virus mới gây ra bệnh viêm đường hô hấp ở một nhóm người ở Vũ Hán, Đông Nam Á trở thành một trong những khu vực đầu tiên trên thế giới bị ảnh hưởng bởi đại dịch.
Theo thống kê của trang worldometers.info, tính tới 23 giờ 59 phút ngày 11-11, các nước thuộc ASEAN ghi nhận thêm 7.524 ca mắc bệnh COVID-19 so với 1 ngày trước, trong khi tổng số ca tử vong tăng lên trên 24.454 người.
Tình hình phức tạp và nguy hiểm của COVID-19 đã và đang đặt ra những thách thức lớn, chưa từng có với ASEAN, đòi hỏi tổ chức khu vực này cần phải nhanh chóng, quyết đoán đưa ra những chính sách để cùng nhau vượt qua đại dịch.
Thích ứng, chủ động và linh hoạt
Trước sự tàn phá nghiêm trọng, bất ngờ của đại dịch COVID-19 đối với khu vực, vai trò Chủ tịch ASEAN 2020 của Việt Nam thực sự bị thử thách, làm đảo lộn toàn bộ những công việc chuẩn bị trong hai năm 2018-2019 dành cho năm 2020.
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Tổng Thư ký Ủy ban Quốc gia ASEAN 2020 Nguyễn Quốc Dũng cho biết Việt Nam đã có những điều chỉnh kịp thời, thúc đẩy nỗ lực hợp tác chung của khu vực chống dịch COVID-19. Những nỗ lực này được khái quát thành 3 từ khóa quan trọng, đó là: thích ứng, chủ động và linh hoạt.
Thích ứng thể hiện ở khía cạnh trong tình hình khẩn cấp xảy ra, Việt Nam nhanh chóng xác định cần chuyển trọng tâm hoạt động trong ASEAN. Theo đó, Việt Nam phối hợp với các nước ASEAN tập trung vào hợp tác ứng phó dịch bệnh, coi đây là ưu tiên hàng đầu của ASEAN trong giai đoạn hiện nay.
Đánh giá về ưu tiên này của Việt Nam, Tiến sỹ Balaz Szanto công tác tại Bộ môn Quan hệ quốc tế của Đại học Webster Thái Lan cho rằng Việt Nam và ASEAN đã đặt đúng ưu tiên hàng đầu vào việc đối phó với đại dịch COVID-19. ASEAN cần có cách tiếp cận chung để các bên đều chấp nhận được, trong đó lưu ý đến lợi ích của tất cả các nước thành viên.
Ngày 19-2, Hội nghị hẹp Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN (ADMM hẹp) đã diễn ra tại Hà Nội. Đây là một trong những hoạt động quân sự quốc phòng quan trọng trong năm Việt Nam đảm nhiệm vai trò Chủ tịch ASEAN 2020.
Diễn ra ngay trong thời điểm dịch bệnh bùng phát dữ dội tại khu vực, ở Hội nghị ADMM hẹp, các nước đánh giá cao Việt Nam đã trao đổi, đề xuất, chủ động đưa ra sáng kiến xây dựng Tuyên bố chung của Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN về hợp tác quốc phòng trong ứng phó dịch bệnh.
Trung tướng Vũ Chiến Thắng, Cục trưởng Cục Đối ngoại (Bộ Quốc phòng), cho rằng: “Điều này thể hiện sự chủ động thích ứng trước các thách thức mới nổi và phù hợp với chủ đề mà Việt Nam đưa ra trong năm ASEAN 2020.”
Theo Tổng Thư ký ASEAN Lim Jock Hoi, Tuyên bố chung của Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN về hợp tác quốc phòng trong ứng phó dịch bệnh là một trong những tuyên bố có kỷ lục ra đời nhanh nhất trong vòng chưa đầy hai ngày.
Bên cạnh đó, Việt Nam chủ động đề xuất và điều phối các nỗ lực hợp tác trong ASEAN và với các đối tác.
Trong nội bộ ASEAN, trước khi WHO tuyên bố COVID-19 là đại dịch, Việt Nam chủ động và kịp thời ra Tuyên bố Chủ tịch về ứng phó của ASEAN với dịch COVID-19, sớm triệu tập Hội nghị Hội đồng Điều phối ASEAN, đề xuất thành lập và họp Nhóm Công tác liên ngành (cấp Thứ trưởng) của Hội đồng Điều phối ASEAN về ứng phó với các tình huống y tế công cộng khẩn cấp.
Nhóm công tác đã họp và đề xuất các khuyến nghị trình lên các Bộ trưởng và Hội nghị cấp cao Đặc biệt ASEAN và ASEAN+3 ngày 14-4.
Việt Nam đã rất nỗ lực dự thảo, điều phối, điều hòa để đạt được 2 Tuyên bố chung của hai hội nghị cấp cao này.
Hơn nữa, Việt Nam chủ động đẩy mạnh hợp tác của ASEAN với các nước và tổ chức quốc tế nhằm nâng cao hiệu quả phòng, chống dịch. Việt Nam đã phối hợp tổ chức nhiều cuộc họp của ASEAN với các đối tác như Trung Quốc, Liên minh châu Âu, Hoa Kỳ và WHO.
Trước việc không thể áp dụng phương thức truyền thống là gặp gỡ và họp trực tiếp do dịch bệnh, Việt Nam đã tổ chức nhiều cuộc điện đàm giữa các nhà Lãnh đạo và tận dụng nền tảng công nghệ thông tin, linh hoạt thúc đẩy tổ chức nhiều cuộc họp bằng hình thức trực tuyến trong ASEAN cũng như với các đối tác, góp phần duy trì kết nối, phối hợp chặt chẽ, đồng bộ, phản ứng nhanh và kịp thời để giải quyết vấn đề cấp thiết chung của khu vực.
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng, Trưởng SOM ASEAN Việt Nam chủ trì cuộc họp. (Ảnh: Văn Điệp/TTXVN)
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng nhấn mạnh Việt Nam, trong cương vị Chủ tịch ASEAN 2020, đã linh hoạt chuyển hướng, đồng thời có những điều chỉnh cần thiết và kịp thời đối với kế hoạch tổ chức các hoạt động nói trên.
“Phải nói rằng, việc điều chỉnh này là quyết định hết sức khó khăn, nhưng Việt Nam quyết tâm làm và được các nước ủng hộ,” Thứ trưởng chia sẻ.
Ông Jonathan Berkshire Miller, Giám đốc Hội đồng chính sách quốc tế, chuyên gia cao cấp của Quỹ châu Á-Thái Bình Dương của Canada nhận định, Việt Nam đảm nhận cương vị Chủ tịch ASEAN vào đúng giai đoạn nhiều thách thức, khi thế giới phải đối mặt với cuộc tấn công của đại dịch COVID-19, trong khi những căng thẳng về địa chính trị tại khu vực tiếp tục leo thang.
Đại dịch đã khiến Việt Nam phải chuyển đổi cách thức tổ chức hầu hết các cuộc đối thoại, các hội nghị quan trọng.
Ông Miller cho rằng Việt Nam đã tận dụng được cơ hội là Chủ tịch ASEAN để trở thành cầu nối gắn kết với ASEAN, cũng như với các đối tác đối thoại của khối này.
Khắc phục hậu quả của đại dịch, đi đến phục hồi
Phát biểu tại Hội nghị cấp cao đặc biệt về ứng phó với dịch bệnh COVID-19 vào ngày 14/4, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh ASEAN cần phối hợp bảo đảm an toàn, hỗ trợ công dân bị tác động của dịch bệnh. ASEAN có những bước đi chung giảm thiểu, khắc phục tác động tiêu cực của dịch bệnh với phát triển kinh tế-xã hội, xây dựng kế hoạch và đề xuất các biện pháp phục hồi kinh tế sau dịch bệnh. Cụ thể như chia sẻ các bài học kinh nghiệm, khôi phục kết nối tái thiết du lịch và các hoạt động kinh doanh và xã hội.
Kết thúc Hội nghị, các nhà lãnh đạo thông qua Tuyên bố của Hội nghị cấp cao đặc biệt ASEAN về ứng phó dịch COVID-19; tái khẳng định quyết tâm và cam kết trên tinh thần một ASEAN “Gắn kết và chủ động thích ứng,” duy trì đoàn kết và cùng nhau hành động một cách quyết liệt nhằm kiểm soát sự lây lan, cũng như giảm thiểu tác động tiêu cực của dịch bệnh đối với đời sống của người dân, nền kinh tế và xã hội khu vực.
Tiến sỹ Balaz Szanto cho biết: “Chúng tôi đánh giá sự gắn kết nội khối là một bộ phận quan trọng trong chương trình nghị sự của Việt Nam năm nay. Mặc dù bị tác động không nhỏ từ đại dịch COVID-19 nhưng cuối cùng ASEAN vẫn thể hiện được sức mạnh đoàn kết.”
Theo Tiến sỹ Balaz Szanto, cuộc khủng hoảng hiện nay sẽ là cơ hội để ASEAN chứng minh vai trò trung tâm và thể hiện được những giá trị thực của mình trong các vấn đề hợp tác, phát triển của khu vực.
Tại cuộc họp báo quốc tế về Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 37 và các Hội nghị cấp cao liên quan, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng cho biết chủ đề của Năm ASEAN 2020 là: "Gắn kết và chủ động thích ứng," rất phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh hiện nay. ASEAN trong năm bùng nổ dịch COVID-19 đã gắn bó hơn với nhau.
Các nước đã cùng nhau đặt ra các sáng kiến phối hợp trong phòng, chống COVID-19, cũng như những kế hoạch tiếp tục triển khai các chương trình kết nối tổng thể của ASEAN.
Khi dịch bệnh bùng phát, các nước ASEAN nhanh chóng nhận thức được rằng, với một tác động rất sâu đậm của đại dịch, không có một nước nào có thể tự mình giải quyết, khắc phục được những hậu quả của đại dịch và đi đến phục hồi.
Các nước ASEAN nhận thấy cần có một sự liên kết, gắn bó với nhau. Với tư cách là Chủ tịch ASEAN, Việt Nam đã nhanh chóng dự thảo đưa ra những tuyên bố của nước Chủ tịch về ứng phó với COVID-19, trong đó đặc biệt nêu rõ sự cần thiết phải gắn kết, phối hợp chặt chẽ giữa các nước ASEAN với nhau.
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng cho hay các nhà lãnh đạo ASEAN quyết định thành lập, cử ra Hội đồng điều phối ASEAN phụ trách vấn đề phòng, chống COVID-19.
Các Bộ trưởng Ngoại giao của các nước cũng thành lập ngay nhóm công tác của Hội đồng điều phối, chuyên về các vấn đề y tế khẩn cấp.
Chính nhờ sự phối hợp chặt chẽ đó, cho đến nay ASEAN đạt rất nhiều kết quả trong công tác phòng, chống COVID-19 và được các nước trong khu vực cũng như thế giới đánh giá cao.
Trong những kết quả đó có việc các nước thống nhất lập Kho dự trữ vật tư y tế khu vực ASEAN, Quỹ ASEAN ứng phó dịch COVID-19 và xây dựng Khung chiến lược ASEAN về các tình huống y tế công cộng khẩn cấp (SOP) cũng như thiết lập các trung tâm phòng, chống dịch bệnh.
Thông tin thêm về sáng kiến thiết lập Trung tâm ứng phó với các tình huống y tế công cộng khẩn cấp và bệnh truyền nhiễm mới để điều phối các hoạt động cũng như hỗ trợ tất cả các nước trong những tình huống y tế khẩn cấp, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng cho biết khi ý tưởng này được đưa ra, Nhật Bản thể hiện mong muốn sẵn sàng hỗ trợ việc thành lập trung tâm. Các nước cũng tích cực đàm phán để xây dựng, thống nhất về một dự án tiền khả thi đối với trung tâm này.
Với sự nhất trí cao, các nhà lãnh đạo tuyên bố thành lập Trung tâm ASEAN ứng phó với các tình huống y tế công cộng khẩn cấp và bệnh truyền nhiễm mới (AC-PHEED).
Theo chương trình, tại Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 37 và các Hội nghị cấp cao liên quan, các nhà lãnh đạo cho ý kiến về tiến độ xây dựng Khung phục hồi tổng thể ASEAN và các kế hoạch triển khai, Khung chiến lược ASEAN về các tình huống y tế công cộng khẩn cấp.
Để khởi động tiến trình phục hồi, các nhà lãnh đạo cũng xem xét, thông qua Tuyên bố về xây dựng Hành lang đi lại ASEAN.
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065