Với chủ trương "sẵn sàng là bạn, là đối tác tin cậy của các nước trong cộng đồng quốc tế, phấn đấu vì hòa bình, độc lập, hợp tác và phát triển", Việt Nam đã tăng cường đối thoại, mở rộng giao lưu và hợp tác quốc tế, trên cơ sở bình đẳng, xây dựng, tôn trọng và hiểu biết lẫn nhau. Trên tinh thần đó, Việt Nam đã chủ động tham gia vào nhiều lĩnh vực hợp tác, trong đó có hợp tác về quyền con người, trên các diễn đàn đa phương cũng như trong khuôn khổ quan hệ song phương, khẳng định cam kết, quyết tâm và trách nhiệm của Việt Nam trong việc bảo đảm thực thi quyền con người.
* Thực hiện tốt nghĩa vụ quốc tế
Lễ công bố Báo cáo Quốc gia 2013 theo Cơ chế kiểm điểm định kỳ phổ quát chu kỳ 2 của Hội đồng Nhân quyền LHQ |
Theo Báo cáo quốc gia của Việt Nam về việc thực hiện quyền con người theo cơ chế kiểm điểm định kỳ phổ cập (UPR) của Hội đồng nhân quyền Liên hợp quốc mà Việt Nam là thành viên, Việt Nam đã nộp và trình bày một số Báo cáo quốc gia về thực hiện các Công ước: Xóa bỏ mọi hình thức Phân biệt chủng tộc (ICERD) giai đoạn 2000-2009; Quyền của Trẻ em (CRC) giai đoạn 2008-2011; Xóa bỏ các hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ (CEDAW)…Việt Nam đang tích cực triển khai xây dựng Báo cáo quốc gia thực thi Công ước quốc tế về các Quyền dân sự, chính trị (ICCPR). Về cơ bản, Việt Nam hoàn thành tốt nghĩa vụ báo cáo đối với các công ước mà Việt Nam là thành viên.
Trong lộ trình thực thi các công ước quốc tế về nhân quyền, Việt Nam đã tiến hành rà soát các quy định của luật pháp quốc gia về các quyền dân sự, chính trị. Kết quả rà soát được tiến hành ở khoảng 80% các cơ quan trung ương và địa phương cho thấy các quyền dân sự, chính trị được nêu trong các công ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên đã được thể hiện xuyên suốt, thống nhất trong Hiến pháp và được thể hiện tại nhiều văn bản luật quan trọng. Nguyên tắc bình đẳng, không phân biệt đối xử là nền tảng xuyên suốt các văn bản pháp luật Việt Nam, tạo tiền đề cho việc đảm bảo và phát huy các quyền của người dân trên từng lĩnh vực cụ thể. Thời gian tới, Việt Nam tiếp tục rà soát các quy định của pháp luật quốc gia về các quyền kinh tế, văn hóa, xã hội và quyền của các nhóm dễ bị tổn thương.
Gần đây, trả lời phỏng vấn của phóng viên TTXVN, bà Pratibha Mehta, Điều phối viên Liên hợp quốc tại Việt Nam cho biết: Trong những năm vừa qua, Chính phủ Việt Nam đã tăng cường tham gia vào các cơ chế nhân quyền quốc tế, các cơ chế này nhằm giám sát các trường hợp liên quan đến nhân quyền trên khắp thế giới, bao gồm cả sự phù hợp của các Chính phủ với các hiệp ước cốt lõi về nhân quyền. Việt Nam đã được chấp nhận bởi 93 trong tổng số 123 khuyến nghị được thực hiện bởi các nước khác về việc cải thiện tình trạng nhân quyền. Việt Nam đã không ngừng cải thiện hệ thống pháp luật và tư pháp, xây dựng một nhà nước pháp quyền, tăng cường các thể chế quốc gia bảo vệ quyền con người; ngoài ra còn có một số diễn biến tích cực gần đây như chủ động tham khảo ý kiến về dự thảo luật với các bên liên quan...
Việt Nam cũng đã tích cực đối thoại, hợp tác với các cơ chế của Liên hợp quốc về nhân quyền, thực hiện các khuyến nghị theo cơ chế kiểm điểm định kỳ phổ cập. Thời gian qua, Việt Nam đã đón một số báo cáo viên đặc biệt của Hội đồng Nhân quyền (về các vấn đề người thiểu số, đói nghèo cùng cực và nhân quyền, tác động của nợ nước ngoài đối với nhân quyền...) đến tìm hiểu tình hình thực tế tại các địa phương. Qua khảo sát thực tế, các báo cáo viên đặc biệt đều đánh giá cao tinh thần hợp tác, quyết tâm chính trị, các chính sách và biện pháp mà Việt Nam thực hiện, đồng thời chỉ ra các thách thức Việt Nam cần giải quyết nhằm đảm bảo tốt hơn các quyền con người.
* Góp phần tích cực vào các nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế
Nhân quyền là vấn đề toàn cầu, nhưng bảo vệ, thúc đẩy quyền con người là trách nhiệm trước hết thuộc về mỗi quốc gia và cần có nỗ lực hợp tác chung của cộng đồng quốc tế. Chính vì vậy, Việt Nam đã chủ động tham gia vào các nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế nhằm thúc đẩy và bảo vệ quyền con người. Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ X của Đảng đã chỉ rõ “Chủ động tham gia cuộc đấu tranh chung vì quyền con người. Sẵn sàng đối thoại với các nước, các tổ chức quốc tế và khu vực có liên quan về vấn đề nhân quyền”.
Trong phạm vi khu vực, cùng các nước thành viên ASEAN, Việt Nam đã có những đóng góp tích cực trong việc thành lập Ủy ban liên Chính phủ ASEAN về nhân quyền (AICHR), Ủy ban ASEAN về bảo vệ và thúc đẩy các quyền của phụ nữ và trẻ em (ACWC) và việc Tuyên bố Nhân quyền ASEAN đã được lãnh đạo cấp cao các nước ASEAN thông qua tháng 11/2012. Việt Nam đã tích cực tham gia Sáng kiến cấp Bộ trưởng các nước tiểu vùng sông Mê kông về phòng, chống nạn buôn bán người (COMMIT), phối hợp chặt chẽ với các tổ chức của Liên hợp quốc như Qũy Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF), Cơ quan phòng chống ma túy và tội phạm Liên hợp quốc (UNODC), Tổ chức di dân ( IOM), Các Tổ chức Liên hợp quốc về Phòng chống Buôn bán người (UNIAP) và ký nhiều thỏa thuận, hiệp định hợp tác song phương với các nước Lào, Campuchia, Trung Quốc, Malaysia… nhằm tăng cường hiệu quả hoạt động phòng, chống buôn bán người trong khu vực. Hiện nay, Việt Nam cũng đang hợp tác chặt chẽ với Cơ quan phòng chống ma túy và tội phạm Liên hợp quốc nhằm tăng cường công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm du lịch tình dục trẻ em trong khu vực.
Với chủ trương sẵn sàng đối thoại và hợp tác về quyền con người, coi đó là cơ hội để trao đổi thẳng thắn, xây dựng về những vấn đề nhân quyền cùng quan tâm, Việt Nam đã thiết lập các cơ chế đối thoại song phương thường kỳ về nhân quyền với một số nước và đối tác như Mỹ, EU, Australia, Na Uy, Thụy Sỹ. Các cơ chế đối thoại này đã phát huy kết quả tích cực, không chỉ góp phần tăng cường hiểu biết và thúc đẩy quan hệ giữa Việt Nam và các đối tác, mà còn là kênh trao đổi các kinh nghiệm tốt nhất của mỗi bên và giải quyết được nhiều vấn đề nhân quyền hai bên cùng quan tâm. Việt Nam cũng đã nhận được sự hỗ trợ từ Chương trình phát triển của Liên hợp quốc và nhiều nước đối tác thông qua việc triển khai Dự án tăng cường năng lực thực thi các công ước quốc tế về nhân quyền tại Việt Nam (giai đoạn 2008-2011 và 2012-2016) và nhiều chương trình hợp tác kỹ thuật khác trong lĩnh vực bảo vệ và thúc đầy quyền con người.
Trong những năm qua, Việt Nam là thành viên của 8 công ước quốc tế quan trọng về nhân quyền. Ngoài ra, Việt Nam đã tham gia 18 công ước của Tổ chức Lao động Quốc tế, đồng thời luôn tôn trọng và nghiêm túc thực hiện các công ước quốc tế về nhân quyền mà Việt Nam là quốc gia thành viên. Việt Nam đã tham gia hoặc phê chuẩn Công ước về quyền của người khuyết tật (CRPD), Công ước về chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia và Nghị định thư về ngăn chặn, trấn áp và trừng phạt tội buôn bán người; gia nhập Công ước số 122 của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) về Chính sách việc làm… Bên cạnh đó, Việt Nam cũng đang xem xét khả năng gia nhập một số Công ước khác, Chính phủ Việt Nam đã và đang rà soát hệ thống pháp luật quốc gia và điều kiện đặc thù của đất nước; triển khai nhiều chính sách cụ thể và thúc đẩy hợp tác quốc tế nhằm đảm bảo quyền của các nhóm người liên quan.
Xác định con người là mục tiêu và động lực của sự nghiệp xây dựng đất nước, là trung tâm của mọi chính sách phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời luôn nhất quán trong việc đảm bảo và thúc đẩy quyền con người, Việt Nam tiếp tục tăng cường hợp tác với tất cả các quốc gia, các cơ chế và tổ chức chuyên môn của Liên hợp quốc có liên quan đến quyền con người; tham gia tích cực và có trách nhiệm vào công việc của Hội đồng Nhân quyền, hợp tác đầy đủ và xây dựng với các thủ tục đặc biệt, tăng cường hiệu quả các cơ chế đối thoại song phương thường kỳ về quyền con người...
(Theo TTXVN)
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065