LTS: Câu chuyện dưới đây là kinh nghiệm của người bị viêm xoang mãn tính suốt 4 năm đã tự chữa cho mình khỏi bệnh nhờ hàng ngày chịu khó xịt rửa mũi bằng nước muối sinh lý.
Xét thấy, đây là kinh nghiệm được đúc rút ra từ thực tế, hơn nữa cũng là một biện pháp hỗ trợ có lợi cho người bị bệnh viêm xoang và không có tác dụng phụ gì, nên chúng tôi giới thiệu để bạn đọc tham khảo.
Viêm xoang là tình trạng niêm mạc xoang bị viêm, tổn thương do nhiều nguyên nhân khác nhau khiến cho niêm mạc xoang không hoạt động bình thường được.
Tình trạng tổn thương lâu ngày sẽ dẫn đến ứ đọng các dịch nhầy bẩn. Chất dịch này lại bám vào thành hốc xoang, lấp đầy hốc xoang, làm hẹp, tắc lỗ thông xoang, dẫn đến viêm nhiễm nhiễm tạo mủ.
Ở Việt Nam, do đặc điểm khí hậu, thời tiết cộng với tình trạng ô nhiễm không khí nặng khiến cho rất nhiều người mắc căn bệnh khó chịu này.
Tuy không phải là bệnh nguy hiểm nhưng viêm xoang đem lại nhiều phiền toái cho người bệnh. Thậm chí, căn bệnh này gây hành hạ đau đớn khiến cho người bệnh rất khổ sở. Làm sao để thoát khỏi căn bệnh này là một câu hỏi nhiều người muốn tìm lời giải.
Câu chuyện của người 4 năm bị bệnh viêm xoang hành hạ
Chị Diệp S, một nhà báo ở Hà Nội, gần đây đã vui mừng chia sẻ chuyện mình tự chữa khỏi căn bệnh viêm xoang mãn tính từng đeo đuổi chị 4 năm.
Chị Diệp S. cho hay, tình trạng của chị khi mang căn bệnh này là vô cùng kinh khủng.
"Khi xoang mãn tính chuyển sang đợt cấp hoặc bị xoang cấp thì khổ sở vô cùng, khỏi diễn tả. Tôi đã từng phải ngủ ngồi cả đêm, thở bằng miệng, từng sốt giật.
Sau khi sinh con, bị một đợt, sốt mất mấy ngày mà mẹ chồng giật mình thon thót mỗi khi bất chợt chạm da vào trán. Giấc ngủ không say, miệng đắng ngắt, mất khứu giác, li bì...", chị S. chia sẻ.
Những đau đớn, khó chịu của căn bệnh viêm xoang đến mức độ nào thì chị có những người mắc bệnh xoang mãn tính như chị S mới có thể hiểu được.
"Và cũng đừng nói ai nhẹ hơn ai, ai nặng hơn ai vì đã bị xoang mà lên cấp thì giống nhau cả, chỉ so sức chịu đựng của mỗi người tới đâu mà thôi"
Cũng theo chị S. trong năm đầu bị xoang, do thiếu kinh nghiệm và đau quá nên chị đi khám và sử dụng nhiều biện pháp nhưng bệnh không khỏi hẳn mà bùng phát liên tục.
Sang năm thứ 2 không chịu nổi, chị quyết tâm tập thể dục, chạy bộ và tập aerobic để đẩy lùi bệnh. Đồng thời, thực hiện biện pháp cấy chỉ. Tuy nhiên, bệnh vẫn không khỏi.
Và kinh nghiệm "vàng" tự chữa khỏi viêm xoang nhờ nước muối sinh lý
Trong 4 năm, chị đã áp dụng đủ mọi phương pháp điều trị từ nội soi, hút chọc xoang, xông thuốc đến cấy chỉ nhưng bệnh của chị vẫn được bác sỹ chuẩn đoán là viêm xoang mãn tính.
Cuối cùng, chị đã tự mày mò tìm hiểu và tìm tra phương pháp điều trị xoang bằng cách rửa mũi xoang bằng nước muối sinh lý do một chuyên gia phục hồi chức năng nổi tiếng người Pháp hướng dẫn.
"Và thực sự tôi đã thành công bằng phương pháp này. Bác sỹ sau khi khám đã kết luận, tôi không còn dấu hiệu của xoang...", chị S bày tỏ.
Chị S cho biết thêm, xoang mũi rất nhiều hốc, cấu tạo phức tạp nên khi nó bị viêm mưng mủ, các thể loại mủ tích tụ trong những ngăn nhỏ một rất khó trị dứt điểm toàn bộ.
Vì vậy, việc của chúng ta là làm mọi cách cho dịch sổ hết và rửa sạch vết thương, làm se miệng chúng.
Khác với vết thương ngoài da, vết thương trong xoang sẽ rất khó điều trị vì môi trường ẩm ướt, vết thương không có cơ hội khô, se.
"Đó là lý do vì sao nước muối sinh lý chính là liều thuốc thần cho bệnh xoang", chị S nói.
Công cụ và nguyên liệu, theo chị S thì chúng ta cần có một xi lanh 20cc, nước muối sinh lý ấm, nước cốt tỏi nếu cần.
Nếu đang trong đợt viêm cấp nặng, mủ đặc, xanh, có mùi, nên dùng nước muối cất để đảm bảo vô trùng tốt. Phải dùng nước muối ấm để làm các hốc xoang rỗ mủ nhanh, hơn nữa, bệnh này rất kị lạnh.
Tần suất rửa, tùy tình trạng nặng nhẹ, chữa trị hay phòng tránh nhưng khi bị nặng nhất, đau nhất thì cứ tầm 2 tiếng 1 lần, mỗi lần gần hết 1 lọ 500ml nước muối ấm.
Khi nặng, có thể ép ra 3 giọt nước cốt tỏi tươi pha vào 1 chai nước muối đó để rửa cùng, tăng kháng sinh tự nhiên sẽ khỏi nhanh.
Cách rửa theo chị S, hút đầy xilanh nước muối ấm (có thể có pha loãng cốt tỏi), nghiêng mặt 45 độ, nín thở rồi bơm nước 1 mạch và mạnh từ bên mũi cao, nước sẽ tự động chảy xuống bên mũi thấp.
Sau đó xì nhẹ cho nước ra ngoài. Bơm thông mỗi bên 2 lần rồi đổi bên.
Nếu tình trạng mũi xoang tắc quá mà bơm không thông được ngay từ phát đầu tiên thì cũng chớ vội nản nhé, cứ bơm và đổi bên, xì nhẹ, dần sẽ thông.
Để hỗ trợ, chị S cho biết thêm, có thể dùng xịt coldiB trước khi thông rửa mũi. Xịt ColdiB theo đúng liều lượng, khi cảm thấy thuốc có tác dụng, mạch trong mũi đã co lại thông thoáng thì đi rửa.
"Tuy nhiên cái xịt này chỉ là hỗ trợ nên chỉ nên dùng trong tối đa 3 ngày đầu bị tắc nặng nhất thôi", chị S khuyên.
Chị S nhấn mạnh, khi làm cần bình tĩnh, chịu đau và kiên trì "Chắc chắn sau 4 ngày sẽ đỡ và khỏi sau 7-10 ngày"
Ngoài ra, để phòng bệnh cần giữ ấm tai, mũi, họng. Đeo khẩu trang khi ra đường và thi thoảng ăn phở, ăn bún, hãy thêm vài lát tỏi ngâm giấm.
"Chỉ rửa muối tới khi bệnh giảm hẳn và gần khỏi sau đó để cơ thể tự đề kháng và tự khỏi. Sẽ không bao giờ khỏi dứt nếu rửa nước muối tới ngày cuối cùng.
Bởi bạn phải để thời gian cho vết thương tự lành và se miệng, không nên xối nước vào nữa nhé", chị S chia sẻ thêm.
Chỉ là phương pháp hỗ trợ
Trao đổi với chúng tôi, PGS.TS Lương Thị Minh Hương, Chủ nhiệm Bộ môn Tai – Mũi – Họng, Trường ĐH Y Hà Nội, cán bộ BV Tai – Mũi – Họng TW cho rằng đây chỉ là phương pháp hỗ trợ.
"Người bị viêm xoang có thể cải thiện bệnh bằng cách rửa nước muối sinh lý nhưng đây chỉ là phương pháp hỗ trợ còn không thể chữa trị dứt điểm bệnh này", PGS Hương nói.
Theo PGS Hương, trong bệnh lý mũi xoang mãn tính, rửa mũi giúp làm sạch hố mũi, các khe thông mũi xoang và các xoang, tránh sự ứ đọng dịch nhầy, đàm mủ.
Đồng thời, giúp hồi phục chức năng vận chuyển của niêm mạc mũi xoang, giúp làm nhẹ các triệu chứng chảy mũi, nghẹt mũi, chảy mũi sau, nhức đầu, hơi thở hôi.
PGS Hương cũng cho hay, viêm xoang được phân loại theo cấp tính và mãn tính.
Viêm xoang cấp thường gặp là viêm xoang hàm, xoang sàng, xoang trán, xoang bướm. Đôi khi xảy ra viêm nhiều xoang cùng một lúc.
Nguyên nhân phổ biến của viêm xoang do môi trường ô nhiễm, ăn ở kém vệ sinh… là điều kiện thuận lợi cho vi sinh vật gây viêm xoang phát triển.
Ngoài ra nguyên nhân còn do do viêm mũi, cảm, viêm họng biến chứng thành viêm xoang.
"Ở mỗi loại viêm xoang lại có những phương pháp điều trị cụ thể vì vậy bệnh nhân cần đi khám để các bác sỹ đưa ra được phác đồ điều trị chính xác, hiệu quả nhất", PGS Hương nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, để phòng bệnh viêm xoang, người bệnh cũng cần chú ý đến môi trường sống lành mạnh và chế độ ăn uống khoa học.
Nguồn Soha
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065