Viêm da tiếp xúc do côn trùng
Kiến ba khoang
Mùa mưa năm nay, kiến ba khoang và một số côn trùng khác không rõ loại xuất hiện nhiều ở các khu dân cư. Da người vô tình tiếp xúc với các côn trùng này sẽ bị tổn thương do độc chất gây bỏng da.
Tổn thương da ở nhiều nơi trên cơ thể
Viêm da tiếp xúc do côn trùng xảy ra ở những vị trí da tiếp xúc với các chất tiết của côn trùng đang sống hoặc đã chết.
Tổn thương da có thể xuất hiện cùng lúc ở nhiều vị trí trên cơ thể và không có triệu chứng báo trước, khác với bệnh zona chỉ có một bên, phải hay trái. Bệnh có thể gây khó chịu, lo lắng và rất dễ lan thành dịch ở những người chung sống trong cùng môi trường.
Những côn trùng gây viêm da tiếp xúc thường là bướm, bù mắt, sâu ban miêu (Meloidae), giời, rết(Myriapoda), kiến ba khoang (Paederus fuscipes Curtis)...
Người làm việc hoặc ngủ, tắm dưới ánh đèn; người làm vườn, chăm sóc cây kiểng có thể bị côn trùng bám vào khăn lau, vào cổ, mặt hay vùng da hở tứ chi, thân mình.
Phản xạ tự nhiên dùng tay quệt, đập... sẽ làm các độc chất gây bỏng da như pederin của kiến ba khoang, cantharidin của sâu ban miêu hay phosphor của con giời tiết ra gây viêm da tại vị trí tiếp xúc.
Bệnh nhân lúc đầu có cảm giác ngứa rát, nổi hồng ban nơi vùng da tiếp xúc với côn trùng. Sau 6-12 giờ, da sẽ sưng phù và thường kéo thành vệt dài như vết cào gãi, trên có nhiều mụn nước kích thước 1-5mm không đều, biến thành mụn mủ 2-3 ngày sau.
Tổn thương da dễ lan rộng do động tác gãi làm phát tán dịch tiết ra vùng da xung quanh. Cảm giác ngứa, rát tăng dần nhưng không đau nhức; có thể kèm theo sốt nhẹ, nổi hạch vùng cổ, nách, bẹn tương ứng với vị trí tổn thương.
Ngoài kiến ba khoang, bù mắt là côn trùng thuộc bộ hai cánh Diptera, lớp Insecta, tuy không nguy hiểm nhưng cũng rất thường gây viêm da tiếp xúc cho bà con vùng nông thôn. Bù mắt thường xuất hiện nhiều vào ban đêm...
Điều trị
Các mụn mủ nơi da tiếp xúc với côn trùng tiến triển 5-7 ngày thì đóng vẩy tiết, khô dần mà không cần điều trị. Tuy nhiên, ở một số người, phản ứng dị ứng lại có thể kéo dài 1-3 tuần và dễ bị bội nhiễm vi khuẩn.
Ðể hạn chế tình trạng viêm dị ứng, bà con nên rửa sạch vùng da tiếp xúc côn trùng với nước và xà phòng; tạm sử dụng các thuốc bôi sát khuẩn ngoài da như milian, eosine; nếu ngứa nhiều có thể dùng thêm cezil, chlorpheniramine.
Khi lành, các sang thương viêm da dị ứng do tiếp xúc với dịch tiết côn trùng sẽ bong vảy và để lại vết sẹo thâm đen. Ít nhất từ 1-2 tháng sau, các vết thâm này mới từ từ phai mờ dần rồi sẽ mất hẳn mà không cần dùng thuốc.
Bà con nên chú ý điều trị tích cực ngay từ đầu, không gãi hoặc chà xát vùng da bị tổn thương vì có thể gây bội nhiễm và để lại sẹo xấu khó hồi phục sau này.
Người có các triệu chứng ngoài da giống như bị viêm da tiếp xúc do côn trùng nhưng không có dấu hiệu thuyên giảm sau 72 giờ nên đến bác sĩ chuyên khoa da liễu khám ngay để được chẩn đoán phân biệt với zona và các bệnh ngoài da khác.
Việc chỉ định điều trị sớm và phù hợp sẽ giúp hạn chế các biến chứng không mong muốn xảy ra. Bà con không nên tự mua thuốc sử dụng vì nguyên nhân gây bệnh và cách điều trị các loại bệnh này hoàn toàn khác nhau.
Phòng ngừa
Ðể phòng bệnh, bà con cần mắc màn khi ngủ, kể cả ban ngày; cho trẻ nằm trong nôi có màn che chống ruồi, muỗi và các loại côn trùng khác. Những người thường làm việc vào buổi tối dưới ánh đèn cần đóng cửa sổ hoặc lắp lưới ngăn côn trùng bay vào, nhất là vào mùa mưa bão.
Nhớ đóng các cửa lại trước khi mở đèn để ngăn côn trùng bay vào phòng theo ánh sáng; chú ý kiểm tra phát hiện côn trùng trong bồn tắm, bể chứa nước, khăn mặt, quần áo trước khi sử dụng.
Không phơi quần áo, khăn mặt bên ngoài vào buổi chiều tối. Nên dùng các loại thuốc bôi ngoài da để chống muỗi và các côn trùng khác.
Môi trường sống xung quanh phải thật sạch sẽ, thông thoáng. Cần dọn dẹp, phát quang kỹ những nơi có nhiều cây cỏ, bụi rậm; gom đốt xác cây mục, cỏ khô để xua đuổi côn trùng; phun thuốc diệt côn trùng những nơi um tùm, rậm rạp cạnh khu dân cư.
Có thể dùng đèn huỳnh quang để ngoài cửa, dẫn dụ côn trùng bay đến và tiêu diệt vì chúng thường có khuynh hướng tụ tập ở những nơi có ánh sáng này.
Bệnh zona (giời leo)
Biểu hiện của bệnh zona Người bị bệnh zona (giời leo) có vùng da tổn thương là mảng hồng ban - chùm bóng nước kèm cảm giác nóng rát, đau nhức nhiều, thường chỉ xuất hiện ở một bên cơ thể. Zona do virút thủy đậu varicella - zoster gây ra, chỉ xảy ra ở người từng bị thủy đậu. Dân gian lầm tưởng các triệu chứng này là do con giời (cùng nhóm Myriapoda với con rết) tiếp xúc với da gây ra nên còn gọi đây là bệnh “giời leo”. Tổn thương do zona thường chỉ kéo dài khoảng một tháng nhưng cảm giác đau thần kinh sau zona có thể kéo dài vài tháng cho đến vài năm sau. Bệnh zona xuất hiện có tính cách riêng lẻ, không thể thành dịch, thường chỉ bị một lần trong đời và rất hiếm khi tái phát. |
Nguồn TTO
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065