Theo tờ trình, những năm qua, nền kinh tế nước ta phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức. Quốc hội, Chính phủ đã có nhiều giải pháp ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Đến nay, nền kinh tế vĩ mô đã ổn định. Vì vậy, để tiếp tục phục hồi đà tăng trưởng trong thời gian tới, tạo điều kiện cho doanh nghiệp Việt Nam trong hội nhập kinh tế quốc tế và cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực quản lý thuế, minh bạch hóa các hoạt động kinh tế, Chính phủ đã chuẩn bị nội dung dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế giá trị gia tăng (GTGT), Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) và Luật Quản lý thuế theo đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng trình bày Tờ trình dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật về thuế. |
Đa số ý kiến trong Ủy ban TCNS nhất trí với Tờ trình của Chính phủ về sự cần thiết ban hành Luật sửa đổi, bổ sung 3 luật về thuế, trong đó sửa đổi bổ sung Luật Thuế GTGT (gồm 2 nội dung), Luật Thuế TTĐB (gồm 3 nội dung) và Luật Quản lý thuế (gồm 3 nội dung) và thực hiện theo quy trình thông qua tại một kỳ họp của Quốc hội. Việc nhiều ý kiến nhất trí theo Tờ trình là vì sẽ: Tiếp tục thực hiện chính sách, cải thiện môi trường kinh doanh, đảm bảo cạnh tranh lành mạnh và khuyến khích nội địa hóa, phát triển công nghiệp hỗ trợ... xây dựng, hoàn thiện đồng bộ hệ thống pháp luật liên quan, góp phần thực hiện tốt mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội trong những năm tới. Tăng cường công tác quản lý thuế, khắc phục tình trạng gian lận trong hoàn thuế GTGT, cải cách thủ tục hành chính; thực hiện công khai, minh bạch, bình đẳng; cạnh tranh lành mạnh, khuyến khích đầu tư, phát triển sản xuất kinh doanh.
Tuy nhiên, một số ý kiến trong Ủy ban TCNS cho rằng, Luật Thuế GTGT và Luật Quản lý thuế mới được Quốc hội sửa đổi, bổ sung tại Luật số 71/2014/QH13, hiệu lực thi hành ngày 1-1-2015 và Luật Thuế TTĐB sửa đổi hiện nay chưa đến thời điểm hiệu lực thi hành (1-1-2016), nay Chính phủ tiếp tục đề nghị sửa đổi là chưa thực sự hợp lý, dẫn đến thiếu ổn định trong chính sách về thu ngân sách. Do vậy, đề nghị Chính phủ cần đánh giá tổng thể các luật về thuế và sửa đổi toàn diện các nội dung của từng luật thuế trình Quốc hội xem xét khi đủ điều kiện.
Trên cơ sở Báo cáo thẩm tra của Ủy ban TCNS và ý kiến của Ủy ban TVQH, Chính phủ đã tiếp thu nhiều nội dung và chỉnh sửa trong Dự thảo luật. Ủy ban TCNS cơ bản nhất trí với nhiều nội dung trong Tờ trình của Chính phủ nhưng cho biết vẫn còn có một số ý kiến khác nhau. Cụ thể:
Trong sửa đổi, bổ sung Luật Thuế GTGT (Điều 1) có một số vấn đề: Về sản phẩm trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản nuôi trồng, đánh bắt chưa chế biến thành các sản phẩm khác (khoản 1); Về quy định: “Trường hợp trong quá trình đầu tư, dự án đầu tư sản xuất kinh doanh được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép chuyển đổi mục tiêu thành đầu tư trường học, bệnh viện, vệ sinh, môi trường thì không điều chỉnh lại số thuế GTGT đã hoàn cho dự án đầu tư” (khoản 3); Về hoàn thuế GTGT đối với Dự án đầu tư (khoản 3); Về hoàn thuế GTGT đối với hàng hóa xuất khẩu (khoản 3). Trong những vấn đề này, quy định: “Trường hợp trong quá trình đầu tư, dự án đầu tư sản xuất kinh doanh được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép chuyển đổi mục tiêu thành đầu tư trường học, bệnh viện, vệ sinh, môi trường thì không điều chỉnh lại số thuế GTGT đã hoàn cho dự án đầu tư” (khoản 3); đa số ý kiến trong Ủy ban TCNS thấy rằng, việc thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào các lĩnh vực mà Nhà nước đang thực hiện xã hội hóa, khuyến khích đầu tư là cần thiết. Do đó, nhất trí với Tờ trình của Chính phủ cho phép không điều chỉnh lại số thuế GTGT đã hoàn nếu các dự án chuyển đổi mục đích đầu tư sang các lĩnh vực mà Nhà nước đang khuyến khích, thực hiện chính sách xã hội hóa như bệnh viện, trường học, vệ sinh, môi trường.
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, ngân sách Phùng Quốc Hiển trình bày Báo cáo thẩm tra về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật về thuế. |
Tuy nhiên, một số ý kiến trong Ủy ban TCNS không nhất trí với Tờ trình của Chính phủ vì: Quy định như Dự thảo luật sẽ dẫn đến tình trạng các doanh nghiệp, nhà đầu tư cố tình không thực hiện đúng mục tiêu ban đầu của dự án, lập dự án đầu tư, triển khai xây dựng để nhận tiền hoàn thuế từ NSNN, sau đó xin chuyển đổi mục tiêu dự án từ đầu tư kinh doanh sang lĩnh vực giáo dục, đào tạo, y tế, vệ sinh, môi trường để được giữ lại số thuế đã được NSNN hoàn, dẫn đến thất thoát NSNN và không đảm bảo công bằng.
Đối với trường hợp “Dự án đầu tư mở rộng tại cùng tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương với cơ sở kinh doanh đang hoạt động và doanh nghiệp được kê khai, khấu trừ thuế giá trị gia tăng đầu vào của dự án đầu tư mở rộng bù trừ với số thuế giá trị gia tăng phải nộp của hoạt động đang kinh doanh”, Ủy ban TCNS không đồng tình với quy định trên và đề nghị cần cân nhắc việc không cho hoàn thuế trong trường hợp trên vì:Việc quy định như Dự thảo luật là không công bằng và không khuyến khích các doanh nghiệp ở vùng sâu, vùng xa trong cùng tỉnh nhưng địa bàn đi lại khó khăn, khoảng cách lớn đầu tư mở rộng quy mô, mở rộng dự án, trong khi đầu tư ở ngoài tỉnh nhưng địa bàn thuận lợi lại được hoàn thuế.
Về sửa đổi, bổ sung Luật Thuế TTĐB (Điều 2) có các ý kiến về: Giá tính thuế TTĐB đối với hàng hoá nhập khẩu (khoản 1); giá tính thuế TTĐB khi bán hàng cho cơ sở kinh doanh thương mại (khoản 1) và về thuế suất thuế TTĐB đối với ô tô (khoản 2). Đa số ý kiến trong Ủy ban TCNS cơ bản nhất trí với phương án sửa đổi thuế suất thuế TTĐB đối với ô tô dưới 24 chỗ ngồi như Dự thảo luật, theo đó điều chỉnh giảm thuế suất đối với các dòng xe có dung tích xi lanh dưới 2000cm3 và điều chỉnh tăng đối với dòng xe có dung tích xi lanh trên 2500cm3. Tuy nhiên, có ý kiến trong Ủy ban TCNS chưa nhất trí với phương án giảm thuế và phân loại quá chi tiết đối với các loại xe ô tô chở người từ 9 chỗ trở xuống có dung tích xi lanh dưới 2.000cm3 như Dự thảo luật. (Xem nội dung sửa đổi về Thuế suất Tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng ô tô tại đây).
Về nội dung sửa đổi, bổ sung Luật Quản lý thuế (Điều 3) có 3 nội dung còn có ý kiến khác nhau: Đó là: Về quy định hộ gia đình, cá nhân có số thuế sử dụng đất phi nông nghiệp phải nộp hằng năm dưới 50.000 đồng thì được miễn kê khai, nộp thuế (khoản 1); về xóa nợ thuế đối với doanh nghiệp Nhà nước (khoản 2) và về tỷ lệ tính tiền chậm nộp (khoản 3, khoản 4). Đặc biệt, tại nội dung về khoản 3, khoản 4 về tỷ lệ tính tiền chậm nộp, đa số ý kiến trong Ủy ban TCNS cho rằng, mức phạt tiền chậm nộp 0,05%/ngày (tương đương với khoảng 18,25%/năm) theo quy định hiện hành là quá cao, gây khó khăn cho doanh nghiệp, do đó nhất trí với Dự thảo luật điều chỉnh giảm mức phạt tiền chậm nộp thuế từ 0,05%/ngày xuống còn 0,03%/ngày (tương đương với khoảng 10,95%/năm). Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng, với mức phạt tiền chậm nộp như Dự thảo là thấp (thấp hơn mức lãi suất quá hạn mà các ngân hàng thương mại đang áp dụng), không đủ sức răn đe đối với các trường hợp doanh nghiệp cố tình chây ì, không chịu nộp thuế cho Nhà nước...
Trong buổi sáng, Quốc hội cũng nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra dự thảo Nghị quyết của Quốc hội ban hành Nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi); Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Tố tụng hành chính (sửa đổi).
Nguồn QĐND
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065