LTS: Ngày 12-11-2013, với 184/193 phiếu thuận, Việt Nam trúng cử với số phiếu cao nhất trong số 14 nước thành viên mới (nhiệm kỳ 2014-2016) và lần đầu tiên trở thành thành viên Hội đồng Nhân quyền của Liên hợp quốc (LHQ). Với sự kiện này, một lần nữa đã khẳng định vị thế và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế. Đồng thời là bằng chứng hùng hồn bác bỏ luận điệu của những thế lực thù địch từ trước đến nay vẫn cho rằng nhân quyền ở Việt Nam bị hạn chế. Nhân dịp này, xin giới thiệu cùng bạn đọc đôi nét về tổ chức, hoạt động của Ủy ban Nhân quyền LHQ và ý nghĩa của sự kiện Việt Nam được trúng cử vào hội đồng này.
ỦY BAN NHÂN QUYỀN LHQ
Ủy ban Nhân quyền LHQ gồm 18 chuyên gia độc lập, có nhiệm vụ thẩm tra các báo cáo định kỳ 4 năm một lần của 193 nước thành viên LHQ đối với vấn đề thực hiện Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị; giải quyết các khiếu nại nhân quyền của các cá nhân là công dân của 112 nước tham gia ký Nghị định thư.
Ủy ban họp mỗi năm 3 lần, mỗi lần kéo dài 4 tuần. Ngày 15-3-2006, Hội đồng Nhân quyền ra đời theo Nghị quyết A/RES/60/251 sau khi Đại hội đồng LHQ thông qua nghị quyết thành lập một tổ chức nhân quyền mới, thay thế Ủy ban Nhân quyền LHQ (CHR) bị nhiều chỉ trích rằng đã để những quốc gia có nhiều hành động phi nhân quyền làm thành viên và những quốc gia thành viên này có nhiều hoạt động thao túng đối với Ủy ban Nhân quyền của LHQ.
NHÂN QUYỀN LÀ NHỮNG GIÁ TRỊ VĨNH HẰNG
Nhân quyền: Nói ngắn gọn, dễ hiểu là quyền con người. Ở các chế độ nô lệ, phong kiến thì quyền con người bị hạn chế do bị tước bỏ. Tuy nhiên, khi chế độ tư bản chủ nghĩa xuất hiện thì khái niệm nhân quyền từ đây cũng mới xuất hiện rõ. Kể từ đây, mọi chế độ chính trị, đặc biệt là từ khi chế độ xã hội xã hội chủ nghĩa xuất hiện thì vấn đề nhân quyền càng được nhân loại quan tâm, phấn đấu cho mục tiêu vì con người.
Hội đồng nhân quyền của LHQ ra đời ngày 15-3-2006 trên cơ sở kế thừa Ủy ban Nhân quyền của tổ chức này vào ngày 10-12-1948, khi Đại hội đồng LHQ thông qua Tuyên ngôn Nhân quyền toàn cầu. Tuyên ngôn này khẳng định cách thức các nhà nước đối xử với công dân họ là vấn đề quốc tế chính đáng cần quan tâm và phải tuân theo các chuẩn mực quốc tế. Kể từ đó đến nay, Hội đồng Nhân quyền LHQ tích cực hoạt động vì mục đích cao cả là giám sát tính thực thi của các Chính phủ trên thế giới ở một lĩnh vực thiêng liêng, vì quyền con người.
NHÂN LOẠI LUÔN PHẤN ĐẤU CHO NHỮNG GIÁ TRỊ CỦA NHÂN QUYỀN
Nếu như hình tượng những người anh hùng đấu tranh cho quyền tự do, quyền bình đẳng, bác ái giữa con người với con người mà ở đó không phân biệt màu da, sắc tộc, đẳng cấp như Anh hùng Che Guevara (châu Mỹ), NelsonMandenla (châu Phi), hay Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại của dân tộc Việt Nam là biểu tượng của ý chí đấu tranh vì tự do, độc lập dân tộc, hạnh phúc của nhân dân thì ngược lại tàn quân Pôn-Pốt (Campuchia) hay Taliban (Afghanistan) lại vi phạm trắng trợn về nhân quyền.
Với việc Việt Nam trở thành thành viên Hội đồng Nhân quyền của LHQ là sự kiện có ý nghĩa quan trọng, đánh dấu bước tiến mới trong nỗ lực triển khai chính sách đối ngoại độc lập, tự chủ, tích cực, chủ động hội nhập quốc tế theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XI và Nghị quyết 22 của Bộ Chính trị về hội nhập quốc tế. Đây cũng là sự ghi nhận của cộng đồng quốc tế đối với những thành tựu của Việt Nam trong việc bảo đảm ngày càng tốt hơn các quyền của người dân trên tất cả các lĩnh vực chính trị, xã hội, kinh tế, văn hóa, giáo dục, tôn giáo, tín ngưỡng...
VIỆT NAM LUÔN ĐỀ CAO NHỮNG GIÁ TRỊ VỀ QUYỀN CON NGƯỜI
Ngay ngày đầu đất nước được độc lập, ngày 2-9-1945, trong bản Tuyên ngôn độc lập, Bác Hồ đã trịnh trọng tuyên bố với thế giới rằng: “Tất cả mọi người sinh ra đều có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”. Và nhân quyền cũng được khẳng định trong bản Tuyên ngôn Độc lập năm 1776 của nước Mỹ. Suy rộng ra, nhân quyền có ý nghĩa là: Tất cả các dân tộc trên thế giới sinh ra đều bình đẳng, dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do. Bản Tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền của nước Pháp năm 1791 cũng nói: Người ta sinh ra tự do và bình đẳng về quyền lợi; và phải luôn luôn được tự do và bình đẳng về quyền lợi. Đó là những lẽ phải không ai chối cãi được”.
Việc Việt Nam trúng cử với số phiếu cao đã thể hiện vị thế và uy tín của đất nước Việt Nam trên trường quốc tế. Đây là cơ hội để Việt Nam đóng góp trực tiếp một cách xây dựng và trách nhiệm vào công cuộc bảo vệ, thúc đẩy các giá trị quyền con người trên phạm vi toàn thế giới, cũng như có điều kiện chia sẻ và học hỏi những kinh nghiệm tốt từ bạn bè quốc tế nhằm bảo đảm sự thụ hưởng ngày càng tốt hơn các quyền của mỗi người dân Việt Nam.
Nhiệm kỳ 3 năm của Việt Nam tại Hội đồng Nhân quyền LHQ bắt đầu từ tháng 1-2014. Trong 3 năm tới, bên cạnh niềm tự hào chúng ta là một trong 14 nước thành viên trong Hội đồng Nhân quyền của LHQ là trách nhiệm lớn lao, cao cả đang đón đợi phía trước. Việt Nam sẽ nỗ lực đấu tranh, bảo vệ các quyền con người trên toàn thế giới mà trước hết là bảo vệ các giá trị nhân văn về quyền được sống, quyền tự do, quyền mưu cầu hạnh phúc của chính người dân Việt Nam.
QUỐC TẾ ĐÁNH GIÁ CAO VIỆC VIỆT NAM ĐƯỢC BẦU VÀO HỘI ĐỒNG NHÂN QUYỀN
Trưởng phái đoàn Pakistan tại LHQ, Masood Khan nói: “Đây là một thành công kỳ diệu. Tôi xin được chúc mừng Chính phủ và nhân dân Việt Nam... Kết quả bầu chọn rất ấn tượng, cho thấy uy tín và sức mạnh của Việt Nam trong vai trò một quốc gia đã có những đóng góp vào quá trình thúc đẩy và bảo vệ nhân quyền trên thế giới... Việc Việt Nam tham gia Hội đồng Nhân quyền LHQ sẽ góp phần thúc đẩy và bảo vệ quyền con người, đồng thời tạo ra chất xúc tác đối với cả khu vực”. Trưởng phái đoàn Saudi Arabia tại LHQ, Abdallah Al-Muallimi nói: “Tôi cho rằng Việt Nam hoàn toàn xứng đáng trở thành thành viên của Hội đồng Nhân quyền LHQ. Chúng tôi đánh giá cao những thành tựu của nhân dân Việt Nam và hy vọng sự tham gia của Việt Nam sẽ góp phần tăng cường và thúc đẩy những giá trị cũng như hoạt động của Hội đồng Nhân quyền...”. Ông Roland Gomez thuộc Văn phòng Cao ủy Nhân quyền LHQ: “Việt Nam có thể chia sẻ rất nhiều kinh nghiệm với các nước khác... Việt Nam đã cho thấy việc thực hiện các mục tiêu thiên niên kỷ, xóa đói giảm nghèo... thực sự chính là các vấn đề về quyền con người”...
|
Tiến Thuận
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065