CHỦ ĐỘNG PHÒNG NGỪA
Quản lý, vận hành lưới điện là công việc đặc thù, công nhân phải làm việc trong môi trường độc hại, nguy cơ tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp cao. Chỉ sơ suất nhỏ rất dễ dẫn đến tai nạn lao động, thậm chí gây chết người. Do vậy, các đơn vị trong ngành điện luôn đặc biệt coi trọng công tác huấn luyện, kiểm tra, giám sát, phòng ngừa.
Anh Phạm Văn Xuân, Phòng An toàn, Công ty Điện lực Bình Phước cho biết, công ty đang quản lý vận hành hơn 388km đường dây cao áp, 3.751km đường dây trung áp và 3.593km đường dây hạ áp với 822 lao động. Trong đó, có 200 người làm việc trong điều kiện nặng nhọc, độc hại và nguy hiểm. Do địa hình Bình Phước nhiều đồi núi, sông, hồ nên công tác quản lý vận hành hệ thống điện gặp nhiều khó khăn. Xác định đảm bảo vận hành an toàn hệ thống điện phải gắn với đảm bảo an toàn cho người lao động nên những năm qua, Công ty Điện lực Bình Phước đã tập trung nhiều giải pháp và đầu tư hàng chục tỷ đồng cho công tác đảm bảo an toàn trong lao động. Nhờ đó, từ ngày thành lập công ty đến nay chưa xảy ra vụ tai nạn lao động nào.
Ngành điện luôn giám sát chặt chẽ việc chấp hành quy định tại hiện trường làm việc
Công ty Điện lực Bình Phước luôn chú trọng tuyên truyền, tập huấn, tăng cường kiểm tra, đánh giá rủi ro để định hướng, khuyến cáo người lao động. Tháng 10 hằng năm, công ty yêu cầu các đơn vị lập kế hoạch an toàn, vệ sinh lao động cho năm sau, đồng thời tăng cường giám sát việc triển khai, thực hiện. Đối với công ty, định kỳ 6 tháng hoặc 1 quý tổ chức kiểm điểm việc thực hiện 1 lần, cấp cơ sở kiểm điểm 1 lần/quý. Ngoài ra, công ty còn tăng cường kiểm tra đột xuất về chấp hành quy định tại hiện trường làm việc và công tác quản lý của các cơ sở. Công việc này được thực hiện tối thiểu 1 lần/tháng/cơ sở. Đặc biệt, để đảm bảo an toàn cho người lao động, công ty còn thực hiện giám sát bằng hình ảnh. Từ hiện trường làm việc, công ty yêu cầu các tổ sửa chữa, bảo dưỡng đường dây... phải chụp hình gửi về Phòng An toàn, đảm bảo người lao động thực hiện đúng quy trình, quy định của ngành nhằm hạn chế rủi ro và phòng ngừa tai nạn. Năm 2018, bên cạnh định kỳ kiểm tra, phân loại sức khỏe người lao động, công ty còn tăng cường kiểm định, kiểm tra máy, thiết bị, vật tư có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn, vệ sinh lao động đang sử dụng; thực hiện đầy đủ chế độ bồi dưỡng chống độc hại bằng hiện vật cho người lao động. Công ty đã chi gần 3,3 tỷ đồng mua phương tiện bảo vệ cá nhân; chăm sóc sức khỏe người lao động hết 1 tỷ 296 triệu đồng và tổ chức tuyên truyền, huấn huyện về an toàn, vệ sinh lao động...
Theo đánh giá của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, bên cạnh một số đơn vị làm tốt, vẫn còn nhiều doanh nghiệp chưa quan tâm đến công tác an toàn, vệ sinh lao động nên chưa đầu tư cải tiến và phòng ngừa tai nạn, bệnh nghề nghiệp cho người lao động. Theo thống kê, năm 2016, trên địa bàn tỉnh xảy ra 85 vụ tai nạn lao động, trong đó có 2 vụ làm chết người, 1 vụ tai nạn nặng. Năm 2017, toàn tỉnh xảy ra 79 vụ tai nạn lao động, tuy không xảy ra chết người nhưng có 1 vụ tai nạn nặng. Năm 2018, Bình Phước xảy ra 103 vụ tai nạn lao động, trong đó 6 vụ tai nạn chết người và 97 vụ tai nạn nhẹ.
VÌ SỰ AN TOÀN CỦA NGƯỜI LAO ĐỘNG
Tháng hành động này, các ngành chức năng tập trung thông tin, tuyên truyền các biện pháp phòng ngừa, kiểm soát yếu tố nguy hiểm, có hại tại nơi làm việc nhằm tạo chuyển biến tích cực về nhận thức và hành động của doanh nghiệp, người lao động trong cải thiện điều kiện làm việc, chăm lo sức khỏe, bảo đảm tính mạng. Bên cạnh đó, các ngành chức năng và doanh nghiệp, người sử dụng lao động còn phát động phong trào thi đua sáng kiến cải tiến kỹ thuật, cải thiện điều kiện làm việc cho người lao động. Tăng cường xây dựng văn hóa an toàn lao động và các biện pháp phòng ngừa tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp tại nơi làm việc. Tập trung đẩy mạnh các hoạt động huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động; kiểm định máy móc, thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động; kiểm tra môi trường lao động; khám và chăm sóc sức khỏe cho người lao động...
Ông Lê Văn Mãi, Phó giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, để bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động, không chỉ dừng lại ở tháng hành động mà phải được thực hiện thường xuyên, liên tục theo đúng quy định pháp luật. Trong đó, tập trung làm tốt tuyên truyền nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm của người sử dụng lao động và tạo thói quen tuân thủ các quy định về an toàn, vệ sinh lao động cho người lao động. Để hạn chế đến mức thấp nhất hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh phải tăng cường triển khai công tác an toàn, vệ sinh lao động. Trong đó chú trọng việc tự kiểm tra, chủ động kiểm soát phòng ngừa. Ngoài tổ chức huấn luyện, doanh nghiệp cần trang bị đầy đủ phương tiện bảo hộ cá nhân và tổ chức khám, phân loại sức khỏe định kỳ cho người lao động...
Thực tế cho thấy, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp đến từ nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân chủ quan và sự thờ ơ của người lao động. Do vậy, bên cạnh công tác chăm lo sức khỏe người lao động, định kỳ đánh giá nguy cơ rủi ro tại nơi làm việc, doanh nghiệp cần xử lý nghiêm người lao động không tuân thủ các quy định, quy trình của ngành. Người lao động cần chủ động, tích cực, tự giác thực hiện và giám sát việc thực hiện các quy định, biện pháp phòng ngừa tại nơi làm việc nhằm đảm bảo môi trường làm việc an toàn về sức khỏe và tính mạng.
Minh Luận
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065