Bài cuối: Nhiều khó khăn, bất cập cần giải quyết
BP - Theo ghi nhận của chúng tôi tại huyện Bù Đăng, những khu vực có điều kiện kinh tế - xã hội phát triển hay gần các cơ sở y tế thì tỷ lệ HSSV tham gia BHYT cao. Ngược lại những khu vực vùng sâu, xa việc tham gia BHYT rất thấp, thậm chí chỉ mang tính hình thức. Đây cũng là bất cập mà các ngành, các cấp cần nhìn nhận và có hướng giải quyết.
Trường Tiểu học Đăng Hà chỉ có 2,45% học sinh tham gia BHYT
Theo thống kê của BHXH huyện Bù Đăng, năm học 2013-2014, toàn huyện có 12.866/30.221 học sinh tham gia BHYT, đạt 42,6%. Một số trường có tỷ lệ học sinh tham gia BHYT cao như: Phổ thông Dân tộc nội trú Điểu Ong (100%); THPT Bù Đăng (92,42%); THCS Phan Bội Châu (83,06%). Tuy nhiên một số trường có tỷ lệ học sinh tham gia BHYT thấp như: Tiểu học Đăng Hà (2,45%), Tiểu học Lý Tự Trọng (5,48%), Phổ thông cấp 2-3 Đăng Hà (3,2%).
Không tham gia BHYT do... trái tuyến
Năm học vừa qua, trường Tiểu học Đăng Hà có 368 học sinh, song chỉ 9 em tham gia BHYT, thấp nhất huyện. Theo Hiệu trưởng Phan Công Hiếu có nhiều nguyên nhân dẫn đến học sinh không tham gia BHYT nhưng nguyên nhân chính vẫn là do trái tuyến. Trường nằm cách trung tâm huyện Bù Đăng khoảng 54km, đường dốc sâu, lầy lội, quanh co rất khó đi và theo quy định trong thẻ BHYT thì nơi khám bệnh ban đầu lại là Bệnh viện Đa khoa huyện Bù Đăng. Trong khi đó, trường chỉ cách Bệnh viện đa khoa huyện Cát Tiên, tỉnh Lâm Đồng 11km, đường nhựa thông thoáng lại không được đăng ký khám bệnh ban đầu. “Nếu khám bệnh thông thường bằng thẻ BHYT tại Bệnh viện đa khoa huyện Bù Đăng thì giảm được một ít tiền thuốc nhưng “tiền cưa to hơn tiền gỗ”. Nếu bệnh nhân cấp cứu chắc không giữ được tính mạng vì bệnh viện quá xa” - thầy Hiếu nói.
Thầy Hiếu cho biết thêm, trường đã nhiều lần kiến nghị vấn đề này đến ngành BHXH. Song đến nay mới chỉ giải quyết cho giáo viên, còn học sinh vẫn ở cơ sở y tế cũ. Bên cạnh đó, cuộc sống người dân nơi đây còn nhiều khó khăn, sống rải rác nên khó tập hợp, vận động. Việc mua BHYT là bắt buộc đối với học sinh, mang tính sẻ chia cộng đồng nhưng vẫn chưa có chế tài. Và với những bất cập đó thì việc tham gia BHYT ở trường chỉ là hình thức tự nguyện, nếu ép buộc học sinh sẽ bỏ học.
Đồng tình với ý kiến của thầy Hiếu, thầy Bùi Anh Tuấn, Hiệu trưởng trường Phổ thông cấp 2-3 Đăng Hà cho rằng, với những khó khăn về địa lý, kinh tế và quy định nơi đăng ký khám chữa bệnh ban đầu thì việc vận động được học sinh tham gia BHYT đạt tỷ lệ cao là rất khó. Luật BHYT bắt buộc học sinh phải tham gia và trường đã vận động bằng nhiều hình thức để học sinh thực hiện, nhưng thực tế các em tham gia cho có chứ chưa phát huy hiệu quả sử dụng của thẻ BHYT. Năm học vừa qua, trường Phổ thông cấp 2-3 Đăng Hà chỉ có 24/750 học sinh tham gia BHYT, chiếm 3,2%.
Những giải pháp
Ngoài các trường thuộc khu vực vùng sâu, xa như xã Đăng Hà có tỷ lệ tham gia BHYT đạt thấp do trái tuyến, số trường còn lại mặc dù đã cố gắng vận động nhưng học sinh tham gia vẫn thấp. Trao đổi vấn đề này, thầy Nguyễn Tuấn Anh, Trưởng phòng Giáo dục - Đào tạo huyện Bù Đăng cho rằng, việc triển khai và thực hiện Luật BHYT đối với học sinh hiện có nhiều thuận lợi hơn trước. Đó là các cơ sở y tế được phủ kín toàn huyện; các trường học đều có y tế học đường chăm sóc sức khỏe ban đầu cho học sinh; Luật BHYT triển khai thống nhất từ trên xuống và được sự quan tâm vào cuộc của các cấp, ngành. Tuy nhiên phần lớn phụ huynh học sinh không muốn cho con mình tham gia BHYT vì theo thói quen. Khi con đau ốm, họ đến quầy thuốc tư nhân, mô tả bệnh rồi mua thuốc.
Một số phụ huynh cho biết, họ chấp nhận mua BHYT cho con vì bắt buộc, và ít khi sử dụng thẻ do thủ tục khám BHYT rườm rà, mất thời gian chờ đợi. Mặt khác, Luật BHYT hiện đang “làm khó” học sinh vì chỉ khám bệnh trong giờ hành chính, trong khi học sinh phải học cả ngày.
Thầy Tuấn cho rằng, để nâng cao tỷ lệ học sinh tham gia BHYT thì công tác tuyên truyền, vận động rất quan trọng. Tuyên truyền chính sách BHYT không chỉ giúp phụ huynh, học sinh thấy được tính chất ưu việt của BHYT là hỗ trợ tài chính khi HSSV ốm đau, bệnh tật và sâu xa hơn là chăm sóc sức khỏe cho nguồn nhân lực tương lai. Và để làm được điều này, việc triển khai Luật BHYT đến cộng đồng phải được thực hiện thường xuyên, liên tục thông qua nhiều kênh mà quan trọng nhất là qua đại diện hội phụ huynh học sinh. Bên cạnh đó, cần nhân rộng những điển hình cơ sở y tế, y tế trường học thực hiện tốt, có hiệu quả công tác khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe ban đầu cho HSSV. Từ đó nâng cao ý thức tự giác, tự nguyện của HSSV khi mua BHYT.
Thuyên Dung
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065