Ngoài ra, đối với mỗi hành vi vi phạm hành chính về ATTP, cá nhân, tổ chức vi phạm phải chịu một trong các hình thức xử phạt chính là cảnh cáo hoặc phạt tiền. Tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm hành chính về ATTP còn có thể bị áp dụng một hoặc nhiều hình thức xử phạt bổ sung như tước quyền sử dụng giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn; Tịch thu tang vật vi phạm hành chính, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính về ATTP. Đồng thời còn có thể bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả sau: Buộc thực hiện kiểm tra vệ sinh thú y đối với sản phẩm động vật trên cạn chưa qua kiểm tra vệ sinh thú y trước khi sản xuất, chế biến thực phẩm; Buộc chuyển đổi mục đích sử dụng hàng hóa vi phạm; Buộc hủy bỏ kết quả kiểm nghiệm được thực hiện từ mẫu thực phẩm bị đánh tráo hoặc giả mạo hoặc phiếu kết quả kiểm nghiệm được cấp sai quy định; Buộc tiêu hủy giấy tờ giả; Buộc chịu mọi chi phí cho việc xử lý ngộ độc thực phẩm, khám, điều trị người bị ngộ độc thực phẩm trong trường hợp xảy ra ngộ độc thực phẩm.
Lực lượng chức năng kiểm tra vệ sinh ATTP tại chợ Đồng Xoài - Ảnh: K.Phụng
Luật pháp quy định là vậy, nhưng hành vi vi phạm về an toàn vệ sinh thực phẩm chẳng những không giảm mà còn tăng cao. Cụ thể là từ năm 2011 đến 2016, cơ quan chức năng kiểm tra tại 3.350.035 cơ sở, phát hiện 678.755 cơ sở vi phạm, mới chỉ xử lý 136.545 cơ sở, chiếm 20%. Số cơ sở bị xử lý tăng từ 17,6% trong năm 2015 lên 23,4% trong năm 2016, tỷ lệ cơ sở bị phạt tiền tăng từ 50,5% lên 67%, số tiền phạt trung bình một cơ sở tăng từ 3,59 triệu lên 3,73 triệu đồng. Đặc biệt là trong những năm qua, số vụ vi phạm gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra nhiều nhưng cơ quan điều tra các cấp chỉ khởi tố 1 vụ, 3 bị can về tội vi phạm các quy định về vệ sinh ATTP. Đó là thông tin được nêu tại báo cáo của Chính phủ về tình hình thực thi chính sách, pháp luật về quản lý ATTP giai đoạn 2011-2016.
Vậy nguyên nhân của tình trạng trên là do đâu? Qua trao đổi với đại diện của cơ quan quản lý thị trường tỉnh và được biết, nguyên nhân chính là do sự bất cập của các quy phạm pháp luật. Cụ thể là trong Bộ luật Hình sự hiện hành chỉ quy định hành vi sản xuất, buôn bán hàng cấm hoặc sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh, chứ không có quy định về hành vi sử dụng nên khi phát hiện các đối tượng có sử dụng chất cấm trong trồng trọt, chăn nuôi, sản xuất, chế biến thực phẩm thì không thể khởi tố, điều tra về tội danh này. Cụ thể, tại Điều 157 quy định về tội sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh có nội dung như sau: Người nào sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ năm năm đến mười hai năm: Có tổ chức; Có tính chất chuyên nghiệp; Tái phạm nguy hiểm; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn; Lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức; Gây hậu quả nghiêm trọng. Phạm tội gây hậu quả rất nghiêm trọng thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm. Phạm tội gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt tù hai mươi năm, tù chung thân hoặc tử hình. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.
Bên cạnh đó, tại Điều 244 là những quy định về tội vi phạm các quy định về vệ sinh ATTP, nhưng cho đến nay chưa có văn bản hướng dẫn như thế nào là tình tiết “gây thiệt hại nghiêm trọng”, “gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng”. Cụ thể, Điều 244 có nội dung như sau: Người nào chế biến, cung cấp hoặc bán thực phẩm mà biết rõ là thực phẩm không bảo đảm tiêu chuẩn vệ sinh an toàn gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khỏe của người tiêu dùng, thì bị phạt tù từ một năm đến năm năm. Phạm tội gây hậu quả rất nghiêm trọng thì bị phạt tù từ ba năm đến mười năm. Phạm tội gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.
Từ phân tích trên đây cho thấy, các chế tài đối với hành vi vi phạm về ATTP hiện nay không còn phù hợp và cần được sửa đổi, bổ sung để việc răn đe, ngăn chặn có hiệu quả hơn. Và hiện nay, việc sửa đổi, bổ sung Bộ luật Hình sự năm 2015 đang được tiến hành, rất mong các cơ quan chức năng tham mưu Chính phủ trình Quốc hội xem xét và sửa đổi các quy định nêu trên.
N.V
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065