BP - Từ nhiều năm nay, trong cả nước nói chung và ở Bình Phước nói riêng, các vụ vi phạm về an toàn thực phẩm liên tiếp được phát hiện ngày càng nhiều và tính chất vi phạm ngày càng nghiêm trọng. Ngoài hình thức phạt chính, các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đã xử lý phạt bổ sung bằng hình thức đình chỉ hoạt động, đình chỉ lưu hành sản phẩm, tiêu hủy sản phẩm vi phạm, chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra để xử lý các cơ sở có dấu hiệu tội phạm... nhưng do chưa có chế tài xử lý đủ sức răn đe nên tình trạng vi phạm vẫn không giảm, thậm chí tính chất vi phạm của từng vụ có dấu hiệu tăng lên.
CHẾ TÀI CHƯA NGHIÊM
Ngày 8-11-2012, trước tình trạng vi phạm về vệ sinh an toàn thực phẩm và thực phẩm bẩn được lưu thông trên thị trường đến mức báo động, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 91/2012/NĐ-CP quy định về hành vi vi phạm, hình thức và mức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả và thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm. Theo đó, mọi tổ chức, cá nhân vi phạm một cách cố ý hoặc vô ý quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm mà không phải là tội phạm đều phải bị xử phạt vi phạm hành chính. Cụ thể tại Điều 3 của nghị định này là những quy định về các hình thức xử phạt vi phạm hành chính và biện pháp khắc phục hậu quả, với nội dung như sau:
Người tiêu dùng rất khó phát hiện bằng mắt thường thực phẩm có nguồn gốc, an toàn vệ sinh khi được đưa lên bàn ăn và trình bày đẹp mắt. Trong ảnh, một nhà hàng chuẩn bị thực phẩm tại buổi tiệc ở Đồng Xoài - Ảnh: K.B
Mức tiền phạt tối đa đối với một hành vi vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm là 100.000.000 đồng. Tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, tổ chức, cá nhân vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm còn có thể bị áp dụng một hoặc các hình thức xử phạt bổ sung sau đây: Tước quyền sử dụng: Giấy Chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm; Giấy Tiếp nhận bản công bố hợp quy; Giấy Xác nhận công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm; Giấy Xác nhận nội dung quảng cáo; Tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm, trong đó bao gồm cả giấy tờ, tài liệu bị sửa chữa, tẩy xóa hoặc giả mạo hoặc do cấp sai quy định. Ngoài các hình thức xử phạt trên, tổ chức, cá nhân vi phạm hành chính còn có thể bị áp dụng một hoặc nhiều biện pháp khắc phục hậu quả sau đây: Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu đã bị thay đổi do vi phạm hành chính gây ra; Buộc thực hiện các biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường,...
Quy định về xử phạt hành chính đối với các hành vi vi phạm trong lĩnh vực này là vậy, còn quy định trong Bộ luật Hình sự hiện hành thì chỉ khi nào người tiêu dùng do sử dụng thực phẩm không đảm bảo vệ sinh an toàn bị tử vong hoặc bị thiệt hại nghiêm trọng về sức khỏe thì những người chế biến, cung cấp hoặc bán thực phẩm mới bị xử lý hình sự. Cụ thể, tại Điều 157 của Bộ luật Hình sự hiện hành (năm 1999) có quy định như sau: Người nào sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ năm năm đến mười hai năm: Có tổ chức; Có tính chất chuyên nghiệp; Tái phạm nguy hiểm; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn; Lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức; Gây hậu quả nghiêm trọng. Phạm tội gây hậu quả rất nghiêm trọng thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm. Phạm tội gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt tù hai mươi năm, tù chung thân hoặc tử hình...
Giết mổ gia súc không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm tại một cơ sở ở huyện Đồng Phú - Ảnh: L.P
Bên cạnh đó, vì luật chưa cụ thể hóa một cách rõ ràng, minh bạch nên trong thời gian qua có khá nhiều vụ sản xuất, buôn bán bột ngọt giả bị phanh phui, nhưng các cơ quan chức năng còn lúng túng trong xử phạt những hành vi làm giả phụ gia thực phẩm. Thậm chí cùng một hành vi làm giả bột ngọt nhưng có nơi xử lý hình sự về tội sản xuất hàng giả là lương thực, thực phẩm theo Điều 157 Bộ luật Hình sự, với mức phạt tù từ 2-7 năm. Đồng thời, có nơi lại xử lý hình sự về tội sản xuất hàng giả theo quy định tại Điều 156 Bộ luật Hình sự, với mức phạt nhẹ hơn từ 6 tháng đến 5 năm tù và chỉ áp dụng với giá trị hàng hóa đủ lớn. Lý do mà các cơ quan chức năng đưa ra vì bột ngọt chỉ là chất phụ gia thực phẩm chứ không phải thực phẩm. Và chính vì Luật Xử lý vi phạm hành chính cũng như Luật Hình sự xử lý hành vi sản xuất, tiêu thụ thực phẩm bẩn chưa đủ sức răn đe đã khiến nạn thực phẩm bẩn vẫn hoành hành.
BỘ LUẬT HÌNH SỰ MỚI VÀ NHỮNG KỲ VỌNG
Ngày 27-11-2015, Quốc hội khóa XIII, kỳ họp thứ 10 đã thông qua toàn văn Bộ luật Hình sự và sẽ có hiệu lực từ ngày 1-7-2016. Bộ luật này đã bổ sung, sửa đổi nhiều quy định mới nhằm khắc phục những điểm bất cập trên. Cụ thể là tại Điều 317 đã quy định rất chi tiết về tội vi phạm quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm, với nội dung như sau: Người nào thực hiện một trong các hành vi vi phạm các quy định về an toàn thực phẩm thì bị phạt tiền từ 50 triệu đồng đến 200 triệu đồng hoặc phạt tù từ 1 năm đến 5 năm: Sử dụng chất cấm trong sản xuất, sơ chế, chế biến, bảo quản thực phẩm hoặc bán, cung cấp thực phẩm mà biết rõ là thực phẩm có sử dụng chất cấm; Chế biến, cung cấp hoặc bán thực phẩm mà biết rõ là thực phẩm không bảo đảm quy chuẩn kỹ thuật, quy định về an toàn thực phẩm; sử dụng hóa chất, phụ gia, chất hỗ trợ chế biến ngoài danh mục được phép sử dụng hoặc không rõ nguồn gốc xuất xứ trong sản xuất, sơ chế, chế biến, bảo quản thực phẩm: gây tổn hại cho sức khỏe của 1 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60% hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 2 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 31% đến 60% hoặc thu lợi bất chính từ 50 triệu đồng đến 100 triệu đồng. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm: Làm chết 3 người trở lên; Gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên; Gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương của những người này 201% trở lên;...
Lực lượng chức năng kiểm tra thực phẩm đông lạnh tại Đồng Xoài - Ảnh: K. Phụng
Đồng thời, tại Điều 193 của bộ luật này cũng đã quy định chi tiết hơn về tội sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm. Cụ thể: Người nào sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm, thì bị phạt tù từ 2 năm đến 5 năm. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 5 năm đến 10 năm: Có tổ chức; Có tính chất chuyên nghiệp; Tái phạm nguy hiểm; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn; Lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;... Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 15 năm: Hàng giả có giá bán, giá niêm yết, giá ghi trong hóa đơn 200 triệu đồng trở lên; Hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật trị giá 500 triệu đồng trở lên trong trường hợp không xác định được giá thành sản xuất, giá bán, giá niêm yết, giá ghi trong hóa đơn; Làm chết người; Gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên; Gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;...
Theo quy định trên thì chỉ cần có hành vi sử dụng chất cấm trong sản xuất, sơ chế, chế biến, bảo quản thực phẩm đều sẽ bị xử lý hình sự với hình phạt cao nhất tới 20 năm tù mà không cần phải có hậu quả xảy ra như chết người hay gây tổn hại nghiêm trọng đến sức khỏe người tiêu dùng như luật cũ quy định. Và quy định như trên sẽ giúp cơ quan chức năng có biện pháp mạnh tay hơn trong việc xử lý hành vi sử dụng chất cấm trong sản xuất, sơ chế, chế biến, bảo quản thực phẩm hoặc bán, cung cấp thực phẩm mà biết rõ là thực phẩm có sử dụng chất cấm hoặc hành vi sản xuất, kinh doanh thực phẩm bẩn, thực phẩm có hại cho người tiêu dùng. Và với mức xử phạt nghiêm khắc như trên thì bột ngọt giả, thực phẩm bẩn, những sản phẩm tiêu dùng có chứa hóa chất độc hại có thể gây ung thư... sẽ không còn đất sống.
N.V
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065