Nguyên nhân dẫn đến những con số đáng buồn nêu trên thì có nhiều, song theo đánh giá của các cơ quan chức năng và nhiều tổ chức quốc tế, nguyên nhân chính khiến số người chết và bị thương hằng ngày ở Việt Nam còn cao chủ yếu do ý thức chấp hành Luật Giao thông đường bộ của người tham gia giao thông còn quá kém. Hằng ngày, khi tham gia giao thông dù bất cứ trên tuyến đường nào, từ quốc lộ hay tỉnh lộ và tuyến liên xã, thậm chí ngay cả trên các tuyến cao tốc, chúng ta vẫn thường gặp các trường hợp vi phạm Luật Giao thông đường bộ. Những ngày qua, dư luận không khỏi bất bình trước việc các clip, hình ảnh về đoàn người ở Hà Nội có hành vi dắt xe máy đi ngược chiều “qua mặt” cảnh sát giao thông. Ai cũng biết rõ đây là hành vi mang tính đối phó khi có mặt cảnh sát giao thông. Khi không thấy bóng dáng cảnh sát thì chắc chắn đoàn người kia sẽ chẳng có ai chịu dắt xe đi bộ dưới trời nắng hoặc trời mưa.
Người tham gia giao thông vô tư đi ngược chiều, điều khiển xe 1 tay chở trẻ em không đội mũ bảo hiểm trên đường ĐT741, đoạn qua xã Tân Lập (Đồng Phú) - Ảnh: K.B
Vấn đề đặt ra ở đây là người tham gia giao thông đã thiếu ý thức chấp hành Luật Giao thông đường bộ nhưng những người giám sát việc thực thi pháp luật (cụ thể là lực lượng cảnh sát giao thông, Công an Hà Nội) vẫn cứ “vô tư” để người dân vi phạm. Trong khi đó, pháp luật đã có những quy định rất cụ thể về các chế tài điều chỉnh những hành vi này. Cụ thể, tại Khoản 1, Điều 9 Luật Giao thông đường bộ năm 2008 quy định: Người tham gia giao thông phải đi về bên phải theo chiều đi của mình, đi đúng làn đường, phần đường quy định và phải chấp hành hệ thống đèn, biển báo hiệu đường bộ. Đồng thời, tại Điểm g, Khoản 4, Điều 6 Nghị định số 46/2016/NĐ-CP của Chính phủ có quy định về mức xử phạt 300-400 ngàn đồng đối với hành vi: Điều khiển xe không đi bên phải theo chiều đi của mình; đi không đúng phần đường, làn đường quy định hoặc điều khiển xe đi trên hè phố, trừ trường hợp điều khiển xe đi qua hè phố để vào nhà.
Như vậy, đối với trường hợp như trong các clip trên mạng xã hội, để xử phạt hành vi vi phạm của những người này, lực lượng cảnh sát giao thông phải chứng minh hành vi vi phạm khi có người đang tham gia giao thông nhưng không đội mũ bảo hiểm, đi ngược chiều... trước khi họ xuống dắt xe. Nếu người vi phạm không thừa nhận thì cảnh sát giao thông có thể chứng minh bằng camera hình ảnh, người làm chứng... Hơn nữa, nếu với trường hợp dắt xe máy mà gây cản trở giao thông như dắt xe giữa đường, băng qua đường, gây ùn ứ cục bộ trên hè phố, lề đường,... thì cảnh sát giao thông có thể nhắc nhở, tuyên truyền hoặc có thể xử phạt về hành vi vi phạm quả tang.
Tuy nhiên, trong những clip được đưa lên mạng xã hội cho thấy, từng đoàn người vi phạm pháp luật giao thông ngay trước mặt cảnh sát giao thông nhưng chẳng ai bị nhắc nhở, cũng không ai bị xử phạt. Chính điều này đã làm không ít người tham gia giao thông “nhờn luật” và nhiều lần như vậy sẽ hình thành thói quen cố tình vi phạm pháp luật. Vì vậy, cuộc chiến nhằm giảm cả 3 tiêu chí về tai nạn giao thông chưa biết bao giờ mới có hồi kết.
N.V
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065