Trên các diễn đàn cũng như phản hồi của bạn đọc về những thông tin tăng tuổi nghỉ hưu, hầu hết đều cho thấy người lao động không thích tăng tuổi nghỉ hưu, đặc biệt là công nhân, người làm công trong các đơn vị sự nghiệp như công nhân trong các công ty cao su, giáo viên, công nhân quốc phòng hay công nhân trong khu công nghiệp... Bởi họ không muốn kéo dài thời gian lao động trước khi được nghỉ hưu và hưởng chế độ bảo hiểm xã hội. Thực trạng này nói lên khá nhiều điều.
Tuổi nghỉ hưu chính thức cả nam và nữ là 65, nhưng Chính phủ Nhật Bản khuyến khích người dân đến 70 tuổi hãy nghỉ hưu. Hàn Quốc có tuổi nghỉ hưu 60 với cả nam và nữ và Chính phủ cũng khuyến khích người lao động nghỉ hưu khi 65-70 tuổi. Ở Singapore, từ năm 1999, tuổi hưu là 62, khuyến khích đến 65. Ở Đài Loan từ năm 2008, người lao động đến 65 tuổi mới được nghỉ hưu... Tại châu Âu, người Pháp nghỉ hưu khá sớm, nhưng cũng phải sang tuổi 63 với cả nam và nữ. Đức, Hà Lan nghỉ hưu khi tròn 67 tuổi kể từ những người sinh năm 1955 trở đi... Ở Mỹ, sinh từ năm 1943 đến 1954 tuổi hưu là 66, từ 1955 đến 1959 mỗi năm tăng lên 2 tháng tuổi hưu, sinh sau năm 1960 đến 67 tuổi mới được hưởng lương hưu trọn vẹn... Số người từ 65 đến 69 tuổi vẫn còn làm việc ở Mỹ chiếm 20%, Anh 10%, Đan Mạch 9%, Na Uy và Thụy Sĩ 7%, Đức và Hà Lan 3%... Đặc biệt, có đến 19% người Mỹ từ 70 đến 74 tuổi vẫn làm việc.
Vẫn biết mỗi quốc gia có nền văn hóa, chế độ chính trị - xã hội, tuổi thọ, nền tảng thể lực... khác nhau. Thế nhưng, từ thống kê này cho thấy, các quốc gia phát triển, giàu có đều là những nước có tuổi nghỉ hưu cao; càng giàu, càng phát triển tuổi nghỉ hưu càng cao. Điểm chung lớn nhất của các nước có tuổi nghỉ hưu cao là trách nhiệm công dân của họ cao hơn các quốc gia khác. Họ quan niệm được lao động, tạo ra của cải cho xã hội còn là niềm vui, là thấy cuộc sống có ý nghĩa, có giá trị hơn.
Người Việt cũng đã đúc kết được “Có làm thì mới có ăn”, hay “Tay làm hàm nhai, tay quai miệng trễ”. Rất tiếc, quan điểm này ngày càng bị lu mờ trước lối sống, nếp nghĩ ăn sâu vào tâm thức muốn “việc nhẹ lương cao”, thích không phải lao động vất vả mà vẫn có cuộc sống đầy đủ, sung túc do được thừa hưởng lộc trời như trúng số, trúng đất, thừa kế, lấy vợ hoặc chồng giàu... Có không ít người dùng mọi cách chạy chọt cho mình hoặc cho người thân vào các cơ quan nhà nước để được thảnh thơi ngồi chơi xơi nước, uống trà, uống cà phê, buôn chuyện, chơi games... nhưng vẫn có lương hằng tháng, thậm chí nhăm nhăm trục lợi.
“Bóc ngắn, cắn dài”, làm ra của cải, đóng góp cho xã hội ít mà mong được hưởng thụ nhiều, mong sớm được an nhàn... thì không biết đến bao giờ chúng ta mới đuổi kịp những nước phát triển! Nữ 55, nam 60, tuổi hưu nước ta hiện nay còn thấp hơn cả Lào và Campuchia khi họ đã nâng cả nam và nữ lên 60. Việt Nam rất cần nâng tuổi nghỉ hưu, càng sớm càng tốt.
h.Nguyên
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065