“KHÓC” VÌ SỔ ĐỎ
Năm 1991, gia đình ông Hoàng Văn Lê từ tỉnh Bắc Kạn vào Bình Phước định cư tại ấp Tân Phước, xã Tân Tiến (Bù Đốp). Tại đây, gia đình ông khai hoang hơn 5 ha đất rừng để làm rẫy. Gần 25 năm qua, gia đình ông đã đổ không ít công sức vào mảnh đất để có được như ngày hôm nay. Cả đời làm nông, ông Lê chỉ mong mảnh đất của gia đình được cấp GCNQSDĐ như bao hộ khác. Nhưng cách đây 3 tháng, gia đình ông được UBND xã Tân Tiến thông báo thực hiện nghĩa vụ tài chính để được cấp GCNQSDĐ thì ông lại từ chối. Ông Lê lý giải “Cùng thửa đất với nhau nhưng gia đình ông Hoàng Văn Thái thì được giao đất còn hộ tôi lại thuê đất. Đất thuê thì không vay được vốn ngân hàng, mỗi năm còn phải đóng tiền thuê đất, lấy làm gì?”.
Bà Nông Thị Vường, ấp Sóc Nê tỏ thái độ bức xúc khi nhận được 2 cuốn sổ đỏ nhưng không thể thế chấp để vay vốn ngân hàng (ảnh lớn). GCNQSDĐ tồn đọng tại Phòng Tài nguyên và môi trường huyện Bù Gia Mập (ảnh nhỏ)
Khác với gia đình ông Lê, gia đình bà Nông Thúy Vường ở ấp Sóc Nê, xã Tân Tiến đã được cấp GCNQSDĐ cách đây 3 tháng. Gia đình bà đã đóng hơn 7 triệu đồng để lấy 2 cuốn sổ đỏ với tổng diện tích 27.572,1m2 đất nông nghiệp. Cả hai cuốn sổ đều được cấp dưới hình thức cho thuê. Cầm cuốn sổ đỏ trên tay, gia đình bà đến Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện Bù Đốp vay vốn đầu tư cho 2.200 nọc tiêu. Nhưng ngân hàng từ chối cho vay với lý do đất cho thuê. “Với giá tiêu hiện nay, 2.200 nọc tiêu của gia đình tôi trị giá cả tỷ đồng. Vậy mà muốn vay vài trăm triệu đồng để đầu tư phân bón, thuốc bảo vệ thực vật cho vườn tiêu lại không được. Tôi thật sai lầm vì phải đóng tiền để nhận 2 cuốn sổ này” - bà Vường bức xúc.
Được biết, xã Tân Tiến hiện có khoảng 1.000 ha đất nông nghiệp sau khi phân 3 loại rừng được ra sổ đỏ nhưng người dân từ chối không nhận.
HÀNG NGÀN HỘ DÂN THỜ Ơ VỚI CHỨNG NHẬN SỞ HỮU
Sau khi phân 3 loại rừng, huyện Bù Đốp được giao về 8.877,5 ha đất nông nghiệp để cấp GCNQSDĐ. Trong đó, cấp cho tổ chức diện tích hơn 4.060 ha; cấp cho cá nhân, hộ gia đình 3.916 ha. Còn lại là diện tích sông suối, đường giao thông nông thôn... Để hoàn thành tiến độ cấp sổ đỏ cho người dân, năm 2009, huyện Bù Đốp đã đo đạc chính quy và thông báo rộng rãi để người dân kê khai, đăng ký, làm thủ tục cấp GCNQSDĐ. Hết năm 2014, toàn huyện đã đo đạc và hoàn thành thủ tục cấp sổ đỏ cho người dân với tổng diện tích 3.525 ha. Tuy nhiên, chỉ có 1.014 ha được người dân đến nhận với 742 GCNQSDĐ. Trong số 1.014 ha người dân đến nhận sổ thì có 382,4 ha tương đương với 279 GCNQSDĐ được cấp dưới hình thức giao đất. Phần lớn diện tích đất được giao dưới hình thức cho thuê thì không được người dân đón nhận.
Cùng một thửa đất nhưng ông Hoàng Văn Lê (ảnh) ở ấp Tân Phước được giao dưới hình thức cho thuê còn diện tích đất bên cạnh được giao dưới hình thức không thu tiền sử dụng đất
Tương tự như Bù Đốp, năm 2014, huyện Bù Gia Mập đã hoàn thành thủ tục 3.982 GCNQSDĐ. Trong đó, 937 giấy chứng nhận giao đất, 3.045 giấy giao dưới hình thức cho thuê. Đến hết 31-12, toàn huyện còn tồn đọng tới 3.267 GCNQSDĐ do người dân không đến nhận. Trong 937 giấy được giao dưới hình thức giao đất không thu tiền sử dụng có 633 giấy người dân đến nhận. Đặc biệt, trong tổng số 3.045 giấy được giao dưới hình thức cho thuê chỉ có 82 giấy được người dân đến nhận, còn lại 2.963 giấy đang nằm ở Phòng Tài nguyên và môi trường huyện.
Cá biệt như huyện Lộc Ninh, sau khi nhận, có hộ đã mang GCNQSDĐ trả lại cho Phòng Tài nguyên và môi trường.
NHIỀU VƯỚNG MẮC CẦN THÁO GỠ
Phần lớn người dân đến nhận GCNQSDĐ chủ yếu là cần bán, sang nhượng mới đến lấy sổ để hoàn tất thủ tục mua bán. Ông Lê Thanh Bình, Trưởng phòng Tài nguyên và môi trường huyện Lộc Ninh |
Trưởng phòng Tài nguyên và môi trường huyện Bù Đốp Vũ Văn Hiếu cho biết: Nguyên nhân dẫn đến tình trạng người dân không mặn mà với GCNQSDĐ là do giấy không được thế chấp, cầm cố ngân hàng. Bởi theo luật, tất cả GCNQSDĐ được giao dưới hình thức cho thuê đều không được sang nhượng, cầm cố hay thế chấp dưới bất kỳ hình thức nào. Nếu được thế chấp, người dân chỉ được quyền thế chấp tài sản trên đất. Trong khi đó, tài sản trên đất nông nghiệp lại không thể hiện trên GCNQSDĐ.
Còn Trưởng phòng Tài nguyên và môi trường Lộc Ninh Lê Thanh Bình thì cho rằng: Tài sản trên đất nông nghiệp chủ yếu là cây trồng nên giá trị không cao. Trong khi đó, ngân hàng chỉ cho vay 50% trị giá tài sản trên đất nông nghiệp. Do vậy, khi người dân mang sổ đỏ thế chấp ngân hàng thì vốn vay chẳng đáng là bao.
Trưởng phòng Tài nguyên và môi trường huyện Bù Gia Mập Huỳnh Văn Bửu cho biết: Tùy vị trí đất mà giá cho thuê khác nhau. Tuy nhiên, mức thuê trung bình hiện nay khoảng 1,6 triệu đồng/ha/năm. Với mức cho thuê trên, phần lớn gia đình sống dựa vào nghề nông. Mặt khác, sau khi UBND tỉnh chuyển đổi chính sách từ hình thức giao đất theo định mức hạn điền sang cho thuê đất vô tình làm nảy sinh tư tưởng so bì trong dân. Chính từ lý do này mà người dân không mặn mà với sổ đỏ, mặc dù đó là niềm mơ ước của mọi người.
Đông Kiểm
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065