BP - Theo Bộ Giáo dục - Đào tạo, Dự án Mô hình trường học mới tại Việt Nam (Dự án GPE-VNEN, Global Partnership for Education - Viet Nam Escuela Nueva) là dự án về sư phạm nhằm xây dựng và nhân rộng một kiểu mô hình nhà trường tiên tiến, hiện đại, phù hợp với mục tiêu phát triển và đặc điểm của giáo dục Việt Nam.
Mô hình trường học mới khởi nguồn từ Colombia vào năm 1995-2000 để dạy học trong những lớp ghép ở vùng miền núi khó khăn, theo nguyên tắc lấy học sinh làm trung tâm. Mô hình này vừa kế thừa những mặt tích cực của mô hình trường học truyền thống vừa có sự đổi mới căn bản về mục tiêu đào tạo, nội dung chương trình, tài liệu học tập, phương pháp dạy - học, cách đánh giá, cách tổ chức quản lý lớp học, cơ sở vật chất phục vụ dạy - học.
Điểm nổi bật của mô hình này là đổi mới về các hoạt động sư phạm, một trong những hoạt động đó là đổi mới về cách thức tổ chức lớp học. Theo mô hình của trường học mới, quản lý lớp học là “Hội đồng tự quản học sinh”, các “ban” trong lớp, do học sinh tự nguyện xung phong và được các bạn tín nhiệm. Sự thành lập cũng như hiệu quả hoạt động của “Hội đồng tự quản học sinh”, các “ban” rất cần sự tư vấn, khích lệ, giám sát của giáo viên, phụ huynh, sự tích cực, trách nhiệm của học sinh. “Hội đồng tự quản học sinh” là biện pháp giúp học sinh phát huy quyền làm chủ trong quá trình học tập, giáo dục. Học sinh có điều kiện hiểu rõ quyền và trách nhiệm trong môi trường giáo dục, được rèn các kỹ năng lãnh đạo và tham gia hợp tác trong các hoạt động.
Học sinh lớp 2/2, Trường tiểu học Tân Bình B (Đồng Xoài) phát biểu xây dựng bài theo mô hình VNEN - Ảnh: T.Nga
Theo đánh giá của Bộ Giáo dục - Đào tạo, VNEN là mô hình học mới, trong đó, lấy người học làm trung tâm, giáo viên chỉ có nhiệm vụ định hướng, chỉ dẫn học sinh thu nhận kiến thức và hoàn thiện kỹ năng của mình. Mô hình này chia lớp ra nhiều nhóm nhỏ, mỗi nhóm có từ 3-4 em. Trưởng nhóm đứng đầu sẽ tự đọc sách theo hướng dẫn của giáo viên, sau đó giảng lại cho các bạn thành viên. Phương pháp dạy học mới đã tạo cho học sinh thói quen tự học, tự tiếp thu kiến thức và tự tin ngay ở lớp học. Vì vậy, mô hình này được kỳ vọng là giải pháp sư phạm tích cực nhằm phát triển phẩm chất, năng lực người học. Nhưng hiện nay, việc tiến tới triển khai đại trà gặp nhiều khó khăn bởi nhiều địa phương lại bất ngờ dừng triển khai đại trà mô hình này. Qua trao đổi với các hiệu trưởng ở một số trường tiểu học trong tỉnh và được biết, nguyên nhân dẫn đến mô hình VNEN bị nhiều trường học và nhiều tỉnh, thành phố từ chối triển khai đại trà là do:
Một là bộ sách giáo khoa hiện nay vẫn có lượng kiến thức nặng nề, nhiều phụ huynh than không thể hướng dẫn con vì nội dung quá khó. Trong khi giáo viên cũng rất vất vả trong quản lý lớp học, lên kế hoạch dạy học, tình huống để thảo luận. Hơn nữa, ở Bình Phước không phải trường nào cũng có đủ điều kiện để tổ chức áp dụng thí điểm theo mô hình VNEN. Bên cạnh đó, nội dung sách được thiết kế sẵn, học sinh chỉ cần đọc và bắt chước một cách máy móc nên gây nhàm chán. Chỉ có một số nội dung về tổ chức lớp học, về trang trí khá ổn.
Hai là với sĩ số các lớp đông như ở những thành phố lớn mà áp dụng mô hình này thì vô cùng vất vả cho việc giảng dạy của giáo viên và tiếp thu kiến thức của học sinh. Học sinh đông đồng nghĩa với nhóm đông, làm việc không hiệu quả, sức học không đồng đều sẽ có người tự tin và tự ti. Với sĩ số lớp thưa thớt như các lớp ở vùng sâu, xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và biên giới như tỉnh Bình Phước thì mô hình này hoàn toàn không phù hợp. Các em nói tiếng phổ thông chưa rành nên khả năng diễn đạt, trình bày, hợp tác theo nhóm là rất khó khăn.
Ba là hội đồng tự quản do học sinh tự bầu, tự quản các hoạt động của lớp mang nặng tính hình thức, không phát huy được hiệu quả của hội đồng khiến học sinh thụ động, không tiếp thu được kiến thức. Chủ tịch hội đồng hay trưởng ban học tập là học sinh, nhưng không phải học sinh nào cũng có khả năng tự tìm tòi chiếm lĩnh kiến thức hay chia sẻ. Vì thế mô hình này phát sinh rất nhiều bất cập, không phù hợp với Việt Nam.
Bốn là việc trang trí lớp học tiêu tốn không ít tiền. Trong khi đó, học sinh đã phải đóng khá nhiều khoản trong một năm học.
Năm là học sinh ở bậc tiểu học có tư duy và khả năng làm việc độc lập không cao, trong khi giáo viên chỉ là người hỗ trợ dẫn đến chất lượng học tập của các em không như giáo viên đặt ra. Đối với học sinh giỏi thì rất tự giác, tích cực trong học tập, nhưng với những học sinh kém thì ngược lại.
Sáu là khi được cấp trên giao một tiết chuyên đề dạy theo mô hình VNEN, thường một lớp 44 em sẽ chọn ra 24 em, chia thành bốn nhóm. Suốt hai tuần, các em sẽ được tập diễn, nào là giới thiệu tên, tập các trò chơi, tự học nhóm. Cả thầy và trò đều rất căng thẳng và mệt mỏi sau một giờ học.
K.T
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065