Hội An đã về nhì trong cuộc bình chọn 10 thành phố du lịch được yêu thích nhất châu Á, do tạp chí du lịch uy tín của Mỹ Condé Nast Traveler tổ chức, thu hút gần 80.000 người tham gia...
Du khách châu Âu trải nghiệm ngày du lịch làm nông dân ở Hội An |
Đêm Hội An lung linh bên dòng sông Hoài
|
Trước đó, tạp chí Huffington Post (Mỹ) đã chọn Hội An là một trong bảy điểm đến đặc sắc và thu hút khách du lịch nhất khi tới VN.
“Như đang đi trong phim”
Theo khảo sát thường niên của tạp chí Condé Nast Traveller (Mỹ), vốn được xem là khảo sát danh giá nhất của ngành công nghiệp du lịch toàn cầu, Hội An được độc giả của tạp chí này bình chọn trở thành thành phố du lịch được yêu thích thứ hai ở châu Á, chỉ xếp sau Kyoto (Nhật Bản). “Hội An được độc giả yêu mến bởi những ngôi nhà đầy màu sắc và những dinh thự cổ kính, chúng tạo cho họ cảm giác như đang đi trong phim”. Các tiêu chí để Hội An được độc giả của tạp chí Condé Nast Traveller đánh giá với tổng điểm là 79,9 bao gồm: văn hóa 87,3; thân thiện 84,3; bầu không khí 90,9, nhà hàng 73,1, lưu trú 80,3 và mua sắm 68,4. |
Phần lớn các bình chọn của tạp chí Condé Nast Traveller cho biết họ chọn Hội An vì những ký ức lung linh, tươi đẹp khi đến nơi này. “Du khách như phải lòng những ngôi nhà đầy màu sắc và những dinh thự cổ kính, chúng tạo cho du khách cảm giác như đang đi trong phim”. Họ đã chấm điểm cho đặc trưng văn hóa ở Hội An với 87,3 điểm, thân thiện 84,3 điểm, bầu không khí 90,9 điểm, nhà hàng 73,1 điểm, lưu trú 80,3 điểm và mua sắm 68,4 điểm. Tổng cộng điểm trung bình của Hội An là 79,9 điểm trong khi Kyoto là 81,6 điểm.
Các chuyên gia du lịch quốc tế cho rằng đây là một thành tích đáng ghi nhận của một thành phố nhỏ như Hội An so với các “đối thủ” nặng ký khác. Đặc biệt hơn khi mới năm ngoái, lần đầu tiên Hội An được lọt vào danh sách 10 thành phố châu Á nổi tiếng.
Đây là cuộc bình chọn lần thứ 26 của tạp chí Condé Nast Traveller, một trong những tạp chí danh giá trong ngành công nghiệp du lịch quốc tế, thực hiện mỗi năm. Theo tạp chí này, năm nay lượng người tham gia bình chọn cho các tiêu chí của cuộc thi này đã tăng lên gần 80.000 độc giả quốc tế, gần gấp đôi so với cuộc bình chọn năm ngoái. 10 thành phố nằm trong danh sách này gồm Kyoto, Tokyo (Nhật Bản), Hội An, Ubub (Indonesia), Luang Prabang (Lào), Singapore, Chiang Mai, Bangkok (Thái Lan), Hong Kong (Trung Quốc) và Siem Reap (Campuchia).
Ngoài bình chọn này, tạp chí Condé Nast Traveller còn có các bình chọn khác: Top 10 thành phố ở châu Phi và Trung Đông, Top 5 thành phố ở Úc và Thái Bình Dương, Top 10 thành phố ở châu Âu, Top 5 thành phố ở Caribê, Top 5 thành phố Canada...
Ở cả tuần không chán
Ông Ngô Thiên Phong, hướng dẫn viên Công ty dịch vụ lữ hành Saigontourist, cho biết nhiều năm đưa khách nước ngoài đến Hội An, lần nào ông cũng cảm nhận được sự thích thú của du khách sau khi chuyến đi kết thúc. Theo ông Phong, du khách đặc biệt thích nơi này vì Hội An vẫn là một thành phố sống động nhưng bên trong lại tồn tại một khu phố cổ tĩnh lặng với những ngôi nhà cổ còn lưu giữ tốt nét kiến trúc đặc trưng, hòa hợp giữa Việt-Nhật-Hoa.
“Nhiều khách nói với tôi dường như họ đang đi trong khung cảnh yên tĩnh, nhẹ nhàng của thế kỷ 17 mà họ từng đọc trong các tác phẩm văn học, nghệ thuật - ông Phong kể lại - Du khách kháo nhau về nét quyến rũ của Hội An nhiều lắm nên mỗi khi nghe tôi thông báo không thể vào tham quan Hội An vì ảnh hưởng mưa bão, lụt lội, đoàn nào cũng đều tiếc ngẩn ngơ”.
Cô Sivan Askayyo, phóng viên ảnh chuyên về du lịch của một tờ báo ở New York (Mỹ), từng viết rằng với cô Hội An giống như Venice (Ý) nhưng nơi này không có các gondola (thuyền chèo đặc trưng ở Venice) và các con kênh. “Có cái gì đó rất kỳ ảo, lung linh khi đi dọc các con phố nhỏ ở Hội An, thành phố nhỏ được bao bọc bởi những căn nhà cổ xinh xắn, với những bức tường vàng, những ngọn lồng đèn màu sắc treo trên cao. Hội An vào đêm trăng tròn còn tuyệt vời hơn, toàn khu phố cổ biến đổi hoàn toàn, nó dường như khoác lên mình một sắc thái khác, càng lung linh, huyền ảo” - cô Sivan Askayyo nói
Với người có 18 năm gắn liền với Hội An như ông Louk Lennaerts, giám đốc chiến lược của Công ty tư vấn Serenity Holding, nơi sáng tạo ra hàng loạt dự án cao cấp du lịch tại đây, thì “Hội An như một người đẹp vẫn còn đang say ngủ”. Ông Louk Lennaerts cho rằng thành phố vẫn thay đổi nhưng với tốc độ chậm, điều này làm cho du khách như cảm thấy cuộc sống đang chậm lại khi lang thang trên các con phố cổ, “cuộc sống náo nhiệt, ồn ào chỉ cách họ có vài con phố ngoài kia mà thôi!”.
Du khách được tiếp cận ở mức độ gần nhất, thật nhất với cuộc sống đời thường của người dân địa phương khi lang thang trên các con phố cổ và chính quyền địa phương đã bảo tồn và gìn giữ rất cẩn thận nét đặc trưng riêng của Hội An: sự kết hợp hài hòa giữa văn hóa Nhật Bản, Trung Quốc và đặc trưng của văn hóa VN.
Ông Huỳnh Văn Minh, giám đốc khu vực miền Trung Công ty du lịch Asian Trails, cho rằng trong khu vực châu Á, những thành phố nhỏ đã được UNESCO công nhận là di sản thế giới như Hội An không nhiều. Đến đây nghỉ dưỡng, du khách có nhiều lựa chọn từ các khu nghỉ dưỡng cực kỳ cao cấp đến bình dân, Hội An cũng có nhiều sản phẩm du lịch như tắm biển, du lịch trên sông, làng nghề, du khách có cơ hội cùng sinh hoạt với người dân địa phương. Từ Hội An cũng dễ dàng đến tham quan hai di sản thế giới khác gần đó và có thể đi về trong ngày: Mỹ Sơn và Huế. “Đây chính là nét quyến rũ rất riêng của Hội An nên dù có ở Hội An cả tuần du khách vẫn không cảm thấy chán”.
“Tôi chỉ sợ Hội An đang mất đi những nét đẹp của riêng mình khi có quá nhiều du khách đến đây, những ngôi nhà đặc trưng dần dần biến thành nhà hàng, quán cà phê, quán bar, điều này sẽ phá vỡ môi trường, cảnh quan đặc trưng của nơi này. Tất nhiên phải có chỗ để khách giải trí, mua sắm khi đến đây nhưng dứt khoát phải kiểm soát về số lượng nhà hàng, quán bar, cửa hàng ở đây” - ông Louk Lennaerts lo lắng.
Tấm lòng hồn hậu của người Hội An
Hội An không phải là một địa chỉ du lịch xa lạ, chí ít là với gia đình tôi, khi đã có không dưới năm lần đến vùng đất này. Hội An có gì hay thì có lẽ nhiều người cũng đã biết rồi, khi đó là nơi giao thương với quốc tế từ thời xa xưa. Ở đó, có chùa Cầu, có những đền thờ xưa cổ, có những món ăn nổi tiếng... Hội An không lớn, chỉ cần vài ngày là tìm hiểu hết vùng đất này, thậm chí cả mở rộng sang thăm thú Cửa Đại, làng rau Trà Quế... Vậy nhưng chúng tôi luôn thích đến với Hội An. Vì sao vậy? Theo suy nghĩ chủ quan của tôi, cũng như đã lắng nghe sự chia sẻ của nhiều bạn bè thân quen thích đi du lịch, đều cho rằng đến với vùng đất này dễ tìm thấy sự thư giãn nhờ tấm lòng hiếu khách, bình dị của người dân nơi đây. Xin kể một chuyến đi gần nhất đến Hội An hồi dịp hè mới đây: Đại gia đình chúng tôi lên đến hơn chục người già trẻ lớn bé đã làm một chuyến đi từ Huế vào đến Hội An. Tuy chúng tôi là dân gốc Huế, về thăm quê nhân dịp hè, nhưng thú thật là đã gặp phải quá nhiều chuyện không vui ở vùng đất chôn nhau cắt rốn. Ví dụ, khi gia đình tôi đến thăm lăng Khải Định, chỉ mới bước vào bậc tam cấp đầu tiên đã có ngay một anh bảo vệ hùng hùng hổ hổ lao đến lôi tuột xuống và nói với giọng gay gắt yêu cầu mua vé. Bực mình, chúng tôi bảo chỉ cần đứng chụp hình thôi chứ không vào. Nào ngờ anh đốp luôn: “Không mua vé thì cũng không được chụp hình”! Những phiền toái nho nhỏ nhưng gây ấn tượng xấu rất lớn đó không hề gặp phải ở các nơi thăm thú tại Hội An. Nhưng thú vị hơn cả đối với chúng tôi, đó là trong dịp đến ăn tại một nhà hàng rất hoành tráng (nhà hàng Lê Bá Truyền), một người bạn dân Hội An đã gọi điện nói rằng gần đấy có một bà cụ bán bánh hoa hồng rất ngon. Tôi bày tỏ sự lo ngại vì đang ngồi trong nhà hàng lớn, làm sao mua vào. Chị bạn bảo: “Yên tâm đi, ở Hội An mình cam đoan không có quán ăn, nhà hàng nào câu nệ về chuyện mang đồ ăn nơi khác vào”. Nghe lời bạn, tôi đi mua bánh hoa hồng, và chỉ mới cầm hộp bánh vào thì cô phục vụ nhà hàng đã đon đả đi lấy đĩa, chén để phục vụ món ăn mua từ ngoài vào mà không hề tính tiền phục vụ. Tôi nghĩ du lịch đôi khi chỉ cần những điều nho nhỏ thế thôi nhưng khiến du khách luôn phải nhớ. Chứ cảnh dù đẹp đến mấy thì cũng chỉ “một lần thôi nhé”, nếu người địa phương chỉ chăm chăm “chặt chém”. NGUYỄN TƯỜNG (khách du lịch) |
(Theo TTO)
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065