* Thời gian vừa qua, cử tri ở các huyện: Bù Đăng, Bù Đốp, Bù Gia Mập, Hớn Quản đã phản ảnh về việc có nhiều thôn, ấp ở những xã vùng sâu, vùng xa chưa có điện hoặc có nhưng chất lượng truyền tải điện chưa đảm bảo. Là cơ quan tham mưu cho UBND tỉnh quản lý trong lĩnh vực này, ông có ý kiến gì về phản ảnh nêu trên?
Sau khi rà xét, Sở Công Thương nhận thấy thông tin phản ảnh nêu trên của cử tri cần được kiểm tra lại. Vì theo báo cáo của các huyện và số liệu của ngành công thương thì trên địa bàn Bình Phước không còn thôn, ấp nào chưa được cấp điện từ lưới điện quốc gia.
Tuy nhiên, tình trạng còn một số cụm dân cư nhỏ xa khu dân cư tập trung và không nằm trong quy hoạch dân cư của các xã nên vẫn chưa được cấp điện từ lưới điện quốc gia. Đối với các hộ này chưa thể đáp ứng nhu cầu trong tương lai gần, vì suất đầu tư kéo lưới điện rất cao (có thể lên tới 100-300 triệu đồng/hộ). Vì vậy, trong thời gian tới, Sở Công Thương sẽ phối hợp với các sở, ngành liên quan và các địa phương để tham mưu UBND tỉnh, HĐND tỉnh giải quyết bằng nhiều giải pháp đồng bộ như: bố trí, hỗ trợ sắp xếp lại nơi ở cho các hộ theo quy hoạch; tăng cường đầu tư bổ sung lưới phân phối bằng nhiều nguồn vốn; hỗ trợ các hộ đầu tư, sử dụng các nguồn điện khác (điện mặt trời, thủy điện nhỏ...).
Ngoài ra, trong thời gian gần đây, tình trạng một số hộ còn phải sử dụng điện theo hình thức đấu nối sau điện kế. Nguyên nhân chủ yếu do việc tách hộ nhưng chưa làm thủ tục ký hợp đồng với Công ty Điện lực Bình Phước. Trong thời gian tới, Sở Công Thương sẽ cùng Công ty Điện lực Bình Phước xây dựng tìm giải pháp để giảm thiểu tình trạng này.
Về ý kiến cho rằng, chất lượng cung ứng điện chưa đảm bảo là vì: trong các tháng cuối năm 2019 và đầu năm 2020, do phụ tải tại các trạm 220/110kV Trị An và Bình Long 2 luôn hoạt động đầy tải hoặc quá tải ngắn hạn. Ngoài ra, các nhà máy thủy điện trên địa bàn vận hành trong điều kiện mực nước dự trữ luôn thấp hơn bình quân nhiều năm, nên vào giờ cao điểm có nhu cầu sử dụng điện cao thì điện áp tại các trạm 110/22kV bị suy giảm, từ đó làm ảnh hưởng đến chất lượng cung cấp điện cho các hộ sử dụng. Trong đó, ảnh hưởng nhiều nhất tại các khu vực trung tâm hành chính tỉnh và các khu công nghiệp. Đặc biệt, đối với huyện Bù Gia Mập, do không có trạm biến áp 110kV và phải nhận điện từ trạm 110kV Phước Long nên điện áp cuối nguồn rất thấp, có lúc giảm hơn 8kV so với điện áp định mức.
Để khắc phục tình trạng nêu trên, Sở Công Thương sẽ phối hợp với Điện lực Bình Phước kiến nghị Tổng Công ty Điện lực miền Nam, Tập đoàn Điện lực Việt Nam đẩy nhanh tiến độ đưa vào vận hành trạm biến áp 500/220/110kV Chơn Thành và đường dây đấu nối. Đồng thời, triển khai sớm các dự án đường dây và trạm biến áp 110kV trên địa bàn Bình Phước theo danh mục quy hoạch lưới trạm 110kV được duyệt. Đặc biệt là các trạm biến áp 110kV Bù Gia Mập, Phú Riềng, Đức Liễu và Đồng Xoài II để đảm bảo điện áp vận hành trên lưới điện 110kV ổn định trong khu vực.
* Theo phản ánh của nhiều hộ gia đình trên địa bàn tỉnh cho rằng, việc khung giá điện chia thành 6 bậc như hiện nay có nhiều bất cập, bất lợi cho người sử dụng điện chỉ với mục đích phục vụ sinh hoạt. Lý do giá điện phải chia làm nhiều bậc như vậy là vì sao và giải pháp khắc phục bất cập này như thế nào, thưa ông?
Việc phân chia giá tiêu thụ điện thành nhiều bậc sẽ khó khăn cho ngành điện nhưng không hề khó khăn, bất cập đối với người sử dụng điện. Thực hiện chính sách hỗ trợ giá nên các hộ có thu nhập thấp, hộ nghèo, cận nghèo có mức điện tiêu dùng thấp (ở bậc 1 và 2) được hưởng giá điện thấp hơn giá bán bình quân (1.864,44 đồng/kWh). Điều này đã gây ra hiểu nhầm, khi có sự so sánh của các hộ tiêu dùng khác.
Với mục đích khuyến khích tiết kiệm điện trong tiêu dùng nên giá điện được chia thành nhiều bậc. Tuy nhiên, khung giá này không còn phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội hiện nay. Với bất cập này, Sở Công Thương đã phản ánh và tiếp tục kiến nghị với Bộ Công Thương để có chính sách điều hành giá điện cho phù hợp.
* Từ nhiều năm nay, ngành điện đã và đang khuyến khích người dân lắp đặt thiết bị điện mặt trời trên mái nhà, thế nhưng việc phát triển điện áp mái ở Bình Phước còn rất chậm. Nguyên nhân của những vướng mắc, tồn tại này là do đâu, thưa ông?
Tính đến nay, trên địa bàn Bình Phước đã phát triển 747 khách hàng lắp điện mặt trời trên mái nhà, với tổng công suất 27,736MWp. Trong đó, 602 khách hàng là gia đình sử dụng cho sinh hoạt với công suất 7,034MWp.
Những vướng mắc hiện nay của các hộ dân, doanh nghiệp đầu tư điện mặt trời trên mái nhà là do các văn bản của Chính phủ chưa đồng bộ. Cụ thể, Quyết định số 11/2017/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ chỉ có hiệu lực đến ngày 30-6-2019 nhưng đến ngày 6-4-2020, Thủ tướng Chính phủ mới ban hành Quyết định số 13/2020/QĐ-TTg. Vì vậy, các khách hàng đầu tư trong khoảng thời gian trống nêu trên sẽ không có giá mua bán để thực hiện hợp đồng.
Ngoài ra, về thủ tục mua bán hóa đơn thanh toán chưa được hướng dẫn cụ thể nên khó khăn trong thực hiện. Đến nay, cơ bản những vướng mắc này đã được Sở Công Thương phối hợp với Công ty Điện lực Bình Phước tháo gỡ.
* Trân trọng cảm ơn ông!
Quang Minh (thực hiện)
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065