Thật may, cuối tuần hai đứa con thằng cậu về chơi. Chị lấy hộp bánh đưa cho đứa lớn thì đứa bé giằng lấy. Nó hì hục bóc bánh ra, bẻ một miếng ăn rồi nói với chị, bánh ngon lắm bác ạ. Chị cười, bảo bánh Sài Gòn sao không ngon! Con bé liền bẻ một miếng đút cho chị, bảo bác ăn đi, ăn đi. Nể con bé, chị ăn miếng bánh. Nó lại hỏi ngon không bác? Chị trả lời: Ngon! Thực tình, chị nói ngon là để làm vui lòng con bé, còn cảm nhận vị ngon đặc biệt của bánh trung thu, với chị chỉ một lần duy nhất.
Hồi ấy còn chiến tranh, hàng hóa khan hiếm, đặc biệt là các mặt hàng lương thực, thực phẩm. Cả tỉnh chỉ có một Hợp tác xã bánh kẹo Toàn Thành ở tận thị xã, cách nhà chị gần 9 cây số. Trung thu năm ấy, chả biết vì sao Chi đoàn thanh niên của thôn lại “bày trò” đi vận động quyên góp mỗi nhà vài bơ gạo, góp lại đem bán lấy tiền rồi lên Hợp tác xã bánh kẹo Toàn Thành mua bánh trung thu (thực ra là bánh nướng) cho thiếu nhi. Ngoài phần vận động mua bánh thì gia đình nào có gì góp nấy. Nhà thì góp cây mía, nhà góp vài trái ổi, trái bưởi, có nhà rang đậu phộng, thậm chí có nhà quạt cả bánh tráng mang ra sân hợp tác xã.
Từ chiều, thằng Tứ là em của chị bí thư chi đoàn đã chạy đến báo cho chị một tin quan trọng: bánh trung thu đã về rồi, chị nó đang gửi trong nhà kho của hợp tác xã. Cái tin đó được truyền đi rất nhanh nên mới chập tối, đám con nít đã nhao nhao ngoài sân chờ cái phần nghi thức trang trọng nhất là phá cỗ. Nhưng trước khi phá cỗ là màn xếp cỗ. Bác giữ kho trịnh trọng mở cửa nhà kho. Nhưng kỳ lạ chưa, cái bao bánh lúc chiều còn kê lên chiếc ghế đẩu để đây kia mà, giờ đâu mất rồi? Bác ngửa cổ nhìn lên, ba viên ngói đã được giở, để lộ một khoảng trống trên mái nhà. Tên trộm ranh ma đã đột nhập bằng đường này. Bác giữ kho hốt hoảng thông báo: Có trộm đột nhập kho hợp tác bà con ơi! Tức thì, người lớn, trẻ con nháo nhác quây kín lấy cửa kho. Có người kêu bác thủ kho kiểm tra xem ngoài bánh còn mất gì nữa không, nhưng bác bảo trong kho chỉ có mấy chiếc cuốc, bừa bị hỏng nên không mất gì. Có người nhanh chân gọi công an xã. Chú công an tỏ ra là người vững nghiệp vụ, yêu cầu mọi người tản ra để kiểm tra hiện trường. Chú lom khom nhìn xuống nền nhà kho. Lúc này mọi người mới để ý thấy dấu giày ba ta lấm bùn để lại trên mặt sàn. Chú phán: Tên trộm này mang giày cỡ ba tám, cao khoảng mét năm tám! Thế là mất trung thu rồi. Khổ thân bọn trẻ!
Câu nói của chú công an như đưa mọi người trở về thực tại. Tức thì cả đám con nít đồng thanh khóc rống lên. Chị cũng ngồi bệt xuống sân kho và khóc. Lạ thật, cái bao bánh bị kẻ gian lấy đi rồi, nhưng mùi thơm của nó vẫn lẩn khuất đâu đây. Bất chợt, chị nhìn thấy một miếng bánh, to chừng bằng trái táo rơi ở chân tường, kiến bâu đầy. Chị nhìn miếng bánh rồi đoán chắc tên trộm mò vào kho, đói quá nên tranh thủ ăn bánh trước khi tẩu thoát và làm rơi miếng bánh này. Chị nhặt thật nhanh miếng bánh, thổi đánh phù cho những con kiến văng ra rồi bỏ tọt vô miệng.
Thằng Tứ phát hiện ra việc ấy. Nó dán mắt xuống sàn kho để tìm. Nhưng vận may đã không đến với nó. Bây giờ, mỗi khi nghe nhắc đến bánh trung thu, chị lại nhớ miếng bánh bám đầy kiến nhưng béo ngậy, thơm lừng mà chị nhặt được ở chân tường nhà kho hợp tác xã năm ấy!
Thảo Nguyên
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065