Một trong những nội dung của chỉ thị rất được chú ý là sẽ thực hiện tinh giản biên chế đối với những cán bộ, công chức, viên chức không hoàn thành nhiệm vụ, không đạt tiêu chuẩn quy định (phẩm chất, năng lực, sức khỏe), những người dôi dư do xác định vị trí việc làm và sắp xếp tổ chức. Trong chỉ thị, Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu các bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chỉ đạo người đứng đầu các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc và trực thuộc thực hiện nghiêm túc việc đánh giá, phân loại công chức, viên chức hằng năm; thực hiện tinh giản biên chế phải bảo đảm đúng nguyên tắc, đối tượng, trình tự, thời hạn giải quyết tinh giản biên chế.
Một thực tế không thể phủ nhận là trong bộ máy các cơ quan nhà nước cũng như cơ quan đảng, đoàn thể của nước ta đang tồn tại một bộ phận công chức, viên chức chất lượng kém. Biểu hiện cụ thể là hiệu suất làm việc thấp, trì trệ trong guồng máy, thiếu trách nhiệm... Hậu quả do đội ngũ công chức, viên chức chất lượng kém không chỉ là nhân dân bị “hành”, là lấy mất việc làm của người khác, mà có khi còn khiến người có lòng tự trọng, người tận tụy, người có năng lực phải “cắp nón ra đi”.
Gần đây, cả xã hội như được tiếp thêm sức mạnh khi Thủ tướng, các thành viên Chính phủ truyền đi thông điệp quyết tâm xây dựng bộ máy hành chính nhà nước các cấp liêm chính, trong sạch, hiệu quả, kỷ luật, kỷ cương; tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức “cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư”; kiên quyết xử lý nghiêm những cán bộ, công chức tiêu cực, nhũng nhiễu. Trước Quốc hội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đã bày tỏ quyết tâm kiên quyết loại bỏ khỏi bộ máy những cán bộ, công chức năng lực yếu kém, nhũng nhiễu người dân và doanh nghiệp.
Để làm được những điều đó, phải có sự đồng lòng quyết tâm của cả xã hội, từ doanh nghiệp đến từng người dân, đặc biệt là sự quyết tâm, đồng lòng của chính đồng nghiệp, cộng sự, cấp trên, cấp dưới của cán bộ, công chức, viên chức kém chất lượng kia. Bởi lẽ, hơn ai hết, đồng nghiệp, cộng sự, cấp trên, cấp dưới là người hiểu rõ nhất công chức, viên chức nào chất lượng kém. Lâu nay, việc đánh giá, nhận xét cán bộ, công chức, viên chức ở nhiều cơ quan, đơn vị thiếu trung thực, khách quan, không phản ánh đúng tình hình. Tỷ lệ công chức, viên chức không hoàn thành nhiệm vụ rất ít (theo thống kê chưa đầy đủ của Bộ Nội vụ 10 năm qua không có năm nào tới 1%). Thế nhưng, trong thực tế, số công chức, viên chức chất lượng kém, công chức “tầm gửi” thì nhiều vô cùng.
Vẫn biết rằng còn quá nhiều rào cản hữu hình và vô hình trong bộ máy, trong văn hóa người Việt. Nhưng phải thẳng thắn nhìn nhận rằng, một con sâu có thể làm rầu cả nồi canh. Sự dễ dãi, xuề xòa trong đánh giá cán bộ, công chức, viên chức cần phải được thay thế và thực hiện một cách chặt chẽ, minh bạch, thống nhất. Với quyết tâm mạnh mẽ của Thủ tướng, của Chính phủ, với tỷ lệ cụ thể mà Chỉ thị số 02/CT-TTg đã nêu lên, hy vọng thời gian tới ở Bình Phước, trong từng cơ quan cụ thể ở Bình Phước cũng như các địa phương khác trong cả nước, những cây tầm gửi, những con sâu mọt, những công chức, viên chức chất lượng kém sẽ nhanh chóng bị loại khỏi bộ máy của Đảng, Nhà nước và đoàn thể của chúng ta.
Trần Phương
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065