BP - Xây dựng đảng trong sạch vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, làm cho Đảng ta thực sự trong sạch vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức, giữ vững bản chất, vai trò sự lãnh đạo của Đảng đối với toàn bộ hệ thống chính trị cũng như toàn xã hội là nhiệm vụ then chốt có ý nghĩa sống còn đối với Đảng. Để thực hiện tốt nhiệm vụ này, Nghị quyết Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về tăng cường công tác kiểm tra, giám sát của Đảng đề ra 6 chủ trương và giải pháp lớn để thực hiện. Trong suốt thời gian qua, công tác kiểm tra, giám sát của Đảng ngày một khẳng định vị trí, tầm quan trọng, tạo được sự tin tưởng đối với tổ chức đảng, đảng viên và quần chúng. Nhân kỷ niệm 100 năm Cách mạng tháng Mười Nga (7-11-1917 - 7-11-2017), xin nêu một số vấn đề V.I. Lênin đề cập về công tác kiểm tra của Đảng còn nguyên giá trị cho đến ngày nay.
Sau khi Nhà nước Xô Viết non trẻ được thành lập, từ thực trạng bộ máy nhà nước Xô Viết, việc cải tiến bộ máy nhà nước ấy là “cực kỳ cấp bách” [1], nhằm đáp ứng yêu cầu xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc. Đây là nhiệm vụ hết sức khó khăn, song không vì thế mà không thể không tiến hành. Lênin đã chỉ ra những phương thức để tiến hành cải cách bộ máy nhà nước Xô Viết và Người đặc biệt chú ý đến việc cải cách bộ máy thanh tra, kiểm tra, trong đó có nhiều vấn đề liên quan đến bộ máy kiểm tra của Đảng. Người nhấn mạnh: “Thế mà ở ta, những cái gì tốt trong tổ chức xã hội của ta đều được lĩnh hội một cách vội vàng, quá ít nghiền ngẫm, hiểu biết, thông cảm, kiểm tra, thử thách, xác định bằng kinh nghiệm, củng cố,...”[2], phải loại bỏ, bất tín nhiệm, phải rút kinh nghiệm từ lối “cứ khinh suất muốn lao bừa lên”[3] và như vậy, không còn cách nào khác là “phải nghĩ đến chuyện kiểm tra lại những chủ trương mà chúng ta tuyên bố hàng giờ, quyết định hàng phút, rồi từng giây chứng minh tính chất không vững chắc, không kiên định và khó hiểu của những chủ trương đó”[4].
V.I. Lênin - Ảnh: Tư liệu
Đối với cơ cấu tổ chức và hoạt động, qua cách đánh giá về Bộ Dân ủy thanh tra công nông, Người cho rằng “có thể hợp nhất một cách độc đáo bộ máy kiểm tra của Đảng với bộ máy kiểm tra của chính quyền”[5], đó là sự kết hợp một cách linh hoạt của yếu tố đảng với yếu tố chính quyền và điều này sẽ tạo được “nguồn sức mạnh phi thường trong chính sách của chúng ta”[6]. Việc hợp nhất này sẽ làm cho Bộ Dân ủy thanh tra công nông có uy tín cao và khi đó, Ban Chấp hành Trung ương cùng với Ban Kiểm tra Trung ương trở thành hội nghị “tối cao” của Đảng. Điều này đã được chứng minh trong thực tiễn chính sách đối ngoại và trong nhận thức của quá trình xây dựng Nhà nước Xô Viết.
Tuy nhiên, trước khi tiến hành hợp nhất thì phải cải tổ Bộ Dân ủy thanh tra công nông với việc giảm số lượng nhân viên của bộ này. Đồng thời, các nhân viên này phải được kiểm tra, sát hạch thật nghiêm ngặt, phải đảm bảo tiêu chuẩn: trung thực, hiểu biết về bộ máy nhà nước, thông hiểu những nguyên tắc tổ chức khoa học về lao động nói chung, nhất là về công tác quản lý, công tác văn phòng. Ủy viên Ủy ban Kiểm tra do đại hội bầu và “Ban Kiểm tra Trung ương, cơ quan chỉ chịu trách nhiệm trước Đại hội Đảng mà thôi”[7], ủy viên của ủy ban kiểm tra là những thành viên chuyên trách, họ “tuyệt đối khỏi phải kiêm nhiệm thêm chức vụ của bất cứ bộ dân ủy nào, cơ quan hành chính nào và cơ quan nào của chính quyền Xô Viết”[8].
Tiêu chuẩn cán bộ làm công tác kiểm tra nói chung, tiêu chuẩn của Ủy viên Ủy ban Kiểm tra là “tất cả những gì thật sự ưu tú trong xã hội”[9], những người đó trước hết là những công nhân tiên tiến rồi đến những người có trình độ, học thức trong xã hội. Những người này phải có phẩm chất đạo đức nổi trội, dám nói dám làm, “không nói một lời nào trái với lương tâm họ”, “Những công nhân mà chúng ta chỉ định là Ủy viên Ban Kiểm tra Trung ương là những người cộng sản không thể chê trách được”[10], không lùi bước trước những khó khăn, thử thách để nhằm đạt được mục đích công việc mà Đảng đã giao phó. Họ phải là những người có bản lĩnh chính trị vững vàng trước mọi thử thách, chí công vô tư, tiền bạc không làm họ chuyển lay, uy vũ không làm họ khuất phục, họ phải là một nhóm “cố kết”, “không được vị nể cá nhân”, phải giữ gìn sao cho không một quyền uy nào của Tổng bí thư hay của một ủy viên nào trong Ban Chấp hành Trung ương có thể ngăn cản mình chất vấn, kiểm tra các hồ sơ”[11]. Những người này muốn vào làm công tác kiểm tra phải hội đủ những điều kiện sau đây: Một là, họ được nhiều đảng viên cộng sản giới thiệu; hai là, họ qua được một kỳ sát hạch chứng nhận rằng họ hiểu biết bộ máy nhà nước của chúng ta; ba là, họ qua được một kỳ sát hạch chứng nhận rằng họ hiểu biết lý luận thường thức về bộ máy nhà nước của chúng ta, những nguyên tắc của khoa học quản lý, những giấy tờ sổ sách...; bốn là, họ phải phối hợp tốt với những ủy viên Ban Kiểm tra Trung ương...”[12].
Muốn làm được những vấn đề này phải cử ra một tiểu ban chịu trách nhiệm soạn thảo chương trình cho những kỳ thi tuyển và một tiểu ban trù bị có trách nhiệm tìm người để tuyển vào chức vụ ủy viên Ban Kiểm tra Trung ương. Bên cạnh đó, Lênin chỉ ra rằng, những người này không ở đâu xa, họ là những cán bộ có kinh nghiệm ở tất cả các cơ quan trong bộ máy nhà nước, trong các cơ quan của Đảng, đoàn thể, trong các trường đại học. Bộ máy làm công tác kiểm tra của Đảng phải có nhiều người am hiểu sâu rộng ở nhiều lĩnh vực khác nhau và nhiệm vụ vô cùng quan trọng là phải “liên kết được nhiều đức tính, liên kết được nhiều tài năng về mọi mặt”[13] thì từ đó mới tạo ra được một sức mạnh thực sự, có hiệu quả cao trong công tác kiểm tra của Đảng.
Nhiệm vụ của Ban Kiểm tra trước tiên là phải chọn ra một số cơ quan, tổ chức kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ của họ có đúng, đầy đủ, nghiêm chỉnh theo quy định hay không, kiểm tra “hoạt động hành chính” của tất cả cơ quan từ Trung ương đến cơ sở. Từ đó, phải chỉ, phải định hướng cho họ “sao cho công việc ấy thật sự phù hợp với khoa học hiện đại”[14] và điều cốt yếu là những công việc ấy phải phục vụ cho đất nước, mang lại lợi ích cho Đảng, cho mọi người. Bên cạnh đó, nhiệm vụ không kém phần quan trọng là: Cần phải áp dụng chế độ chặt chẽ và nghiêm túc cho việc chuẩn bị các phiên họp của Bộ Chính trị, trong đó luôn luôn phải có một số lượng ủy viên Ban Kiểm tra tham dự, Ban Chấp hành Trung ương. Những tài liệu này phải được gửi cho các ủy viên Ban Kiểm tra chậm nhất là 24 giờ trước phiên họp, những ủy viên Ban Kiểm tra Trung ương dưới sự lãnh đạo của Đoàn chủ tịch Ban có trách nhiệm “xem xét đều đặn tất cả những hồ sơ và tài liệu của Bộ Chính trị”[15]. Mặt khác, Lênin ví những người làm công tác kiểm tra như người đi săn, đối tượng săn ở đây là những kẻ sâu mọt, tham nhũng của cải của Nhà nước, “tôi không nói là săn bọn ăn cắp, mà săn một hạng người cũng đại loại như thế”[16], đồng thời người làm công tác kiểm tra phải có kỹ năng, kinh nghiệm, bản lĩnh để tiếp cận những sự việc mà mình cần xem xét, kiểm tra. Những người làm công tác kiểm tra khi thực hiện công việc của mình phải “nắm được tình hình hết sức rõ ràng”, đồng thời xử lý công việc phải chín chắn và hết sức đúng đắn trên cơ sở những quy định của Đảng và Nhà nước.
Ngoài thực hiện công việc mang tính chất chuyên môn, thì nhiệm vụ song song của người làm công tác kiểm tra đó là trau dồi, học tập lý luận, mà trước hết là lý luận về công tác kiểm tra của Đảng, về công tác nghiệp vụ kiểm tra Đảng. Theo Lênin, để công tác kiểm tra đạt hiệu quả thì người làm công tác kiểm tra không thể chỉ “tiến hành hoạt động thuần túy học viện ấy”[17], mà họ phải có kỹ năng, kỹ xảo thuần thục mang tính đặc thù của công tác ấy, kỹ năng đó như Lênin miêu tả là kỹ năng của người “đi săn”.
Bên cạnh những vấn đề đã nêu, Lênin cực lực phản đối ý kiến cho rằng, công tác kiểm tra đi đến đâu cũng làm mọi việc rối lên, làm cho mọi người xao nhãng công việc của mình, đó là công việc vạch lá tìm sâu... Đó là những ý kiến “độc ác” của những kẻ không biết gì, hoặc những kẻ giả như cố tình không biết hòng che đậy những hành vi bất chính của mình. Những ý kiến đó, theo Lênin không cần phải giải thích, “không cần phải trả lời nữa”. Mặt khác, trước thực trạng ““thật sự là khốn khổ” (nếu không phải là hơn thế)”[18], Lênin đặc biệt quan tâm đến chế độ đãi ngộ đối với người làm công tác kiểm tra của Đảng, phải tạo cơ sở vật chất đầy đủ trong công tác của họ, phải làm sao cho những người làm công tác kiểm tra “được hưởng lương cao giúp cho họ thoát khỏi hoàn cảnh thật sự là khốn khổ (nếu không phải là hơn thế nữa)”[19], khi đó họ mới phát huy hết khả năng, năng lực của mình đem lại hiệu quả cao trong công việc.
Trải qua gần 1 thế kỷ, tư tưởng của Lênin về công tác kiểm tra của Đảng vẫn còn mang giá trị thời đại. Những vấn đề này cần được lĩnh hội, nghiên cứu một cách có hệ thống trong điều kiện, hoàn cảnh lịch sử cụ thể, góp phần làm sâu sắc hơn nữa về tư duy lý luận và hoạt động thực tiễn trong công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật trong Đảng để được vận dụng, phát triển phù hợp với điều kiện thực tiễn ở nước ta và thời đại ngày nay.
Vũ Lương
(Phó chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy)
Ghi chú:
[1] V.I.Lênin: toàn tập, t.45, NXB Tiến bộ, Mátxcơva, 1978, tr.435; [2], [3], [4] Sđd, tr.443; [5] Sđd, tr.453; [6] Sđd, tr.452; [7], [8] Sđd, tr.235; [9] Sđd, tr. 444; [10] Sđd, tr.446; [11] Sđd, tr.440; [12] Sđd, tr.447; [13] Sđd, tr.449; [14] Sđd, tr.448; [15], [16], [17] Sđd, tr.450; [18], [19] Sđd, tr.438.
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065