NHỮNG TIẾT HỌC SINH ĐỘNG
Sinh ra trong gia đình có ba làm nghề giáo, ngay từ nhỏ, cô Tú đã cảm nhận được niềm vui, cũng như khó khăn, vất vả của nghề “đưa đò”. Tốt nghiệp THPT, cô thi đậu Trường cao đẳng Sư phạm Bình Phước ngành Địa - Nhạc. Thời gian học tại trường, cô luôn chăm chỉ lĩnh hội kiến thức, đồng thời đi làm thêm để trải nghiệm cuộc sống. Trong 3 năm học cao đẳng thì có 2 năm cô nhận học bổng của trường. Năm 2006, tốt nghiệp với tấm bằng loại khá, cô được phân công giảng dạy môn Địa - Nhạc tại Trường THCS Tân Tiến (Đồng Phú). Mới ra trường chưa có kinh nghiệm, cơ sở vật chất, đồ dùng phục vụ môn học thiếu thốn nên cô càng nỗ lực nhiều hơn. Đối với môn Địa lý, nhiều học sinh tỏ ra không mấy hứng thú và coi đó là môn học phụ. Lớp do cô chủ nhiệm có nhiều học sinh cá biệt, gây khó khăn trong quản lý và giảng dạy. Dù kinh nghiệm chưa dày dạn nhưng nhờ sự động viên, giúp đỡ của đồng nghiệp, Ban giám hiệu cùng sự nỗ lực học hỏi của bản thân nên cô luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Cô Nguyễn Thị Ngọc Tú trong giờ lên lớp
Cô Tú chia sẻ: “Học và dạy môn Địa lý giúp tôi mở rộng nhiều kiến thức về tự nhiên, kinh tế - xã hội, văn hóa của Việt Nam và các quốc gia, khu vực trên thế giới. Đồng thời, tôi đã vận dụng được rất nhiều kiến thức địa lý vào cuộc sống và chia sẻ với mọi người xung quanh, đặc biệt là nhận thức, thái độ đối với việc bảo vệ môi trường, biến đổi khí hậu... và hướng nghiệp cho học sinh phổ thông”.
Cô cho biết, theo nghề nào cũng vậy, chỉ cần đam mê và có tình yêu sẽ vượt qua mọi thử thách, khó khăn. Là nhà giáo, cô lại càng nỗ lực để “truyền lửa” đến học sinh.
Năm 2011, cô chuyển về Trường phổ thông Dân tộc nội trú THCS Đồng Phú và được phân công dạy môn Địa lý cả 4 khối lớp. Công việc khá nặng nhưng cô luôn phấn đấu để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Cô không ngừng tự đổi mới, học hỏi, thiết kế bài giảng sinh động, lấy học trò làm trung tâm... Những hình ảnh, clip, câu chuyện, đặc thù đất đai, khí hậu, nền văn hóa...của các vùng miền được cô đưa vào tiết học một cách sinh động, tạo sự thích thú cho học trò. Với cô, nghiên cứu khoa học không phải chỉ để đi thi, để đạt thành tích mà điều quan trọng là cô mong muốn hướng dẫn học sinh rèn luyện được các kỹ năng, vận dụng kiến thức tổng hợp, giúp bản thân giải quyết những vấn đề đang tồn tại hoặc cải thiện tốt hơn cuộc sống.
Cô được nhà trường phân công ôn luyện học sinh giỏi các cấp môn Địa lý, kết quả năm nào trường cũng có học sinh giỏi cấp huyện, tỉnh. Cô Tú nhiều năm liền đạt giáo viên giỏi cấp huyện, chiến sĩ thi đua cấp cơ sở. Năm học 2013-2014 và 2017-2018, cô đạt giáo viên giỏi cấp tỉnh; năm học 2015-2016 đạt chiến sĩ thi đua cấp tỉnh. Năm 2016, cô được Huyện ủy Đồng Phú tặng giấy khen do có thành tích trong học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Năm học 2017-2018, cô được Bộ GD-ĐT tặng bằng khen hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.
NỖ LỰC VÌ HỌC SINH
Quê ở An Nhơn, tỉnh Bình Định, không may mắn như bao đứa trẻ khác lớn lên trong sự nuôi nấng, dạy dỗ của cả cha lẫn mẹ, 3 anh em trai của thầy Phan Văn Tân luôn bảo ban nhau, buổi đi học, buổi đi làm thuê phụ giúp gia đình. Năm 2006, khi đang là sinh viên năm nhất Trường đại học Đà Nẵng, do gia đình quá khó khăn, anh Tân bỏ học vào Gia Lai làm phụ hồ.
Thầy Phan Văn Tân được tuyên dương tại hội nghị điển hình tiên tiến do Liên đoàn Lao động tỉnh tổ chức
Nhiều đêm anh Tân nằm thao thức trong lán trại, bao nhiêu hoài bão ước mơ của tuổi trẻ lại ùa về, cộng với một chút lòng tự trọng và cả “tự ái” vì trước đây là lớp trưởng, bên cạnh đó gia đình bên ngoại có truyền thống hiếu học. Vì vậy, năm 2007, anh Tân đăng ký thi và đậu Trường đại học Quy Nhơn, chuyên ngành Giáo dục thể chất - Giáo dục quốc phòng.
Năm 2011, tốt nghiệp đại học, thầy Tân chọn Bình Phước là quê hương thứ hai. Trong công tác, thầy Tân luôn tìm hiểu các phương pháp giảng dạy hay, có tinh thần học hỏi đồng nghiệp để phát triển chuyên môn. Để phục vụ giảng dạy tốt hơn, năm 2013, thầy học văn bằng 2 Trường Sĩ quan lục quân 2, hệ cử nhân.
Nỗ lực hết mình trong công tác chuyên môn, thầy Tân đã góp phần nâng cao nhận thức trong nhà trường và phụ huynh, học sinh về tầm quan trọng của môn Giáo dục quốc phòng, an ninh. Đặc biệt là truyền “lửa”, thúc đẩy lòng tự hào dân tộc, lòng yêu nước trong học sinh để từ đó các em có ý thức tự giác học tập tốt không chỉ môn thầy dạy mà tất cả môn khác. Nhờ vậy, chất lượng bộ môn ngày càng chuyên sâu. 100% học sinh của trường đạt điểm trung bình trở lên. Đặc biệt, thầy luôn chú trọng bồi dưỡng, tìm kiếm nguồn học sinh đủ trí và thể lực tham gia hội thao quốc phòng - an ninh của tỉnh. Từ năm 2013 đến nay, đội tuyển của trường thi cấp tỉnh đạt 7 giải nhất, 8 giải nhì, 1 giải ba, đứng thứ 4/34 trường THPT trong toàn tỉnh.
Thầy Tân còn tham gia huấn luyện đội tuyển học sinh giỏi của tỉnh thi cấp toàn quốc tại Hà Nội đạt 5 giải khuyến khích, xếp hạng 19/56 tỉnh, thành phố trong cả nước. Cá nhân thầy, năm học 2017-2018 là giáo viên dạy giỏi cấp toàn quốc.
Không chỉ giỏi chuyên môn nghiệp vụ, thầy còn tích cực tham gia các phong trào, được đồng nghiệp tín nhiệm bầu làm Phó bí thư và Bí thư Đoàn trường, Phó chỉ huy trưởng Ban CHQS trường, Ủy viên Ban Chấp hành Công đoàn trường. Với sự nỗ lực phấn đấu không ngừng trong công tác, tháng 6-2018, thầy Tân vinh dự được kết nạp Đảng.
Khắc Bảy - Nhật Hạ
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065