❒ NGUYỄN VĂN LỢI, ỦY VIÊN BAN CHẤP HÀNH TRUNG ƯƠNG ĐẢNG,
BÍ THƯ TỈNH ỦY, TRƯỞNG ĐOÀN ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI TỈNH
BPO - Những thành tích đạt được trong nhiệm kỳ 2015-2020 đánh dấu một bước chuyển mới về chất, thể hiện sự đoàn kết, nỗ lực phấn đấu của toàn Đảng bộ, dân và quân trong tỉnh; hoàn thành thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ Đại hội lần thứ X đề ra trong điều kiện tỉnh ta còn nhiều khó khăn, đặc biệt trong bối cảnh đại dịch Covid-19 tác động sâu sắc mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội, là động lực to lớn để Bình Phước tổ chức thành công Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI và vững bước vươn lên trong nhiệm kỳ tới.
Bình Phước được tách ra từ 5 huyện phía Bắc của tỉnh Sông Bé; có vị trí địa kinh tế không thuận lợi so với các tỉnh trong vùng kinh tế trọng điểm Đông Nam bộ, nhưng lại có vị trí trọng yếu về quốc phòng - an ninh. Do vậy, Bình Phước gặp rất nhiều khó khăn, song Đảng bộ tỉnh xác định đó là khó khăn tạm thời, khó khăn trong thế phát triển chứ không phải khó khăn bế tắc. Trong suốt 23 năm qua, kể từ khi tái lập đến nay, Đảng bộ, dân và quân Bình Phước luôn đoàn kết, phấn đấu xây dựng tỉnh ngày càng phát triển.
Các chỉ tiêu, nhiệm vụ Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ X đề ra đều được triển khai thực hiện quyết liệt. Trong 15 nhóm chỉ tiêu cơ bản, có 8 nhóm chỉ tiêu vượt, 6 nhóm chỉ tiêu đạt, 1 chỉ tiêu gần đạt. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng. Quy mô nền kinh tế đạt trên 68.000 tỷ đồng, bằng 1,64 lần so với năm 2015. GRDP bình quân đầu người đạt 67,3 triệu đồng, bằng 1,54 lần so với năm 2015; thu ngân sách năm 2020 ước đạt trên 10 ngàn tỷ đồng. Các lĩnh vực văn hóa - xã hội, quốc phòng - an ninh; công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng hệ thống chính trị có nhiều đổi mới thực chất.
Có được những thành tích trong nhiệm kỳ qua, trước hết là có sự quyết tâm trong toàn Đảng; sự đồng thuận của người dân, doanh nghiệp; sự hỗ trợ của Trung ương và kết quả hợp tác hiệu quả với các tỉnh, thành bạn. Khái lược lại nhiệm kỳ vừa qua, tôi thấy rằng: Bình Phước có 4 cái được và 4 cái cần tiếp tục phấn đấu hơn nữa.
Một là, có hướng đi đúng. Trong kinh tế, thời gian trước quan điểm của tỉnh coi nông nghiệp vừa là trọng điểm vừa là khởi điểm của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Hiện nay, tỉnh đã chuyển mạnh sang phát triển các khu - cụm công nghiệp, đô thị, thương mại; phát triển mạnh mô hình nông nghiệp công nghệ cao bước đầu đạt kết quả khả quan, nên trong những năm gần đây tốc độ tăng trưởng GRDP luôn cao hơn mức tăng chung của cả nước (năm 2019 tăng 8,48%); từ năm đầu tái lập tỉnh, thu ngân sách 150 tỷ đồng, năm 2020 ước đạt trên 10 ngàn tỷ đồng.
Các lĩnh vực xã hội đã có cách làm hay nên giáo dục, văn hóa - văn nghệ, thể dục thể thao đạt nhiều thành tích; biết huy động các nguồn lực nên mặc dù là tỉnh khó khăn nhưng đã vượt chỉ tiêu số xã đạt chuẩn nông thôn mới.
Là tỉnh có đường biên giới dài, địa hình phức tạp, tiếp giáp với 3 tỉnh của Vương quốc Campuchia, nhưng Bình Phước là tỉnh đầu tiên trong cả nước hoàn thành phân giới cắm mốc (kể cả mốc phụ). Đây là thành công quan trọng có ý nghĩa không những về quốc phòng, đối ngoại, mà còn có ý nghĩa rất lớn về kinh tế.
Công tác xây dựng Đảng luôn được coi là “then chốt” và có thể nói đã thành công bước đầu trong việc đưa chủ trương, nghị quyết của Đảng thâm nhập sâu vào các tầng lớp nhân dân; phát triển Đảng trong các doanh nghiệp tư nhân; hằng năm tổ chức phân loại, đánh giá tổ chức đảng và đảng viên sâu sát, thực chất, không chạy theo thành tích. Đặc biệt, triển khai thực hiện Nghị quyết số 26 của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 18, 19 của Trung ương, Bình Phước là một trong những địa phương được đoàn kiểm tra của Bộ Chính trị đánh giá cao.
Hai là, có sự đoàn kết thống nhất cao trong lãnh đạo, Tỉnh ủy luôn xác định 3 yếu tố quan trọng để tạo sự đoàn kết thống nhất và vận hành bộ máy hiệu quả, đó là: Cải cách thủ tục hành chính trong hệ thống tổ chức đảng và chính quyền; Xây dựng quy chế hoạt động, phân cấp, phân quyền, phân công nhiệm vụ rõ ràng; Bố trí cán bộ phù hợp với năng lực, sở trường công tác. Nên ngay từ đầu nhiệm kỳ, Tỉnh ủy đã luôn lấy mục tiêu chung và quy chế làm việc của Ban Thường vụ, Ban Chấp hành làm mẫu số chung để điều hành mọi công việc, đồng thời luôn tôn trọng nguyên tắc tập trung dân chủ trong hoạt động của Đảng. Nhất là trong công tác cán bộ, luôn đảm bảo dân chủ, công khai, minh bạch. Từ đó mọi chủ trương, nghị quyết của Tỉnh ủy được thống nhất và triển khai đồng bộ, đem lại hiệu quả cao.
Ba là, có sự quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành, nên Bình Phước là một trong những tỉnh sớm xây dựng Trung tâm Phục vụ hành chính công, Trung tâm Điều hành thông minh (IOC); áp dụng công nghệ thông tin trong quản lý điều hành, đã bước đầu đặt cơ sở cho việc xây dựng đô thị thông minh; là tỉnh sớm áp dụng chữ ký số (tháng 3-2018) và họp không giấy (tháng 4-2019)… tỉnh đang nỗ lực phấn đấu trong nhiệm kỳ 2020-2025 sẽ tự cân đối thu, chi thường xuyên…
Bốn là, có thế mạnh về tài nguyên, nhất là tài nguyên đất. Trong đó phải nói đến quỹ đất công còn rất lớn so với các địa phương khác. Thế mạnh này tỉnh đã sớm biết khai thác để tạo vốn phát triển hệ thống đường giao thông, phát triển các khu - cụm công nghiệp. Chuyển tiềm năng quỹ đất thành nguồn vốn quan trọng cho đầu tư phát triển, nâng tỷ lệ vốn đầu tư phát triển lên tới 57% tổng chi ngân sách, đây là tỷ lệ cao, rất đáng ghi nhận.
Quyết tâm, trách nhiệm, khát vọng phát triển, Bình Phước có 4 cái cần tiếp tục phấn đấu hơn nữa:
Một là, còn một số dự án chậm triển khai, các điều kiện cần thiết để đón nhà đầu tư, nhất là nhà đầu tư nước ngoài còn hạn chế. Do đó, tỉnh cần tập trung đẩy mạnh và ưu tiên phát triển hệ thống đường giao thông kết nối với các trung tâm kinh tế lớn của vùng; phát triển hệ thống các nhà hàng, khách sạn đủ chuẩn, các khu giải trí… cho nhà đầu tư.
Hai là, giải quyết thủ tục hành chính chưa thực sự đột phá nên vị trí xếp hạng PCI còn thấp; phải đẩy mạnh hơn nữa cải cách hành chính, trong đó trọng tâm là thủ tục hành chính, thực hiện phương châm “2 nhanh, 3 tốt”: giải phóng mặt bằng và giao đất cho nhà đầu tư nhanh; giải quyết các thủ tục đầu tư nhanh - chính sách tốt; hạ tầng tốt; tình cảm tốt. Triển khai nghiêm túc quy định của Chính phủ về thực hiện thủ tục hành chính công trực tuyến để tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp.
Ba là, tình trạng khiếu nại chưa được giải quyết dứt điểm, nhất là một số vụ khiếu kiện kéo dài, có những vụ từ những năm đầu tái lập tỉnh vẫn còn tiếp tục khiếu kiện. Đây là vấn đề rất đáng quan tâm, mặc dù đã được Ban Thường vụ Tỉnh ủy thành lập Ban chỉ đạo để rà soát lại toàn bộ các vụ việc, Thanh tra Chính phủ có kết luận, nhưng người dân vẫn không đồng thuận.
Bốn là, đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) còn khó khăn. Tuy là tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh còn 1,56% nhưng không bền vững. Trong đó, đồng bào DTTS chiếm khoảng 50%. Do vậy từ năm 2019, ngoài nhiệm vụ chung trong công tác xóa đói giảm nghèo, tỉnh đã đề ra chỉ tiêu cụ thể là mỗi năm làm 1.000km đường giao thông nông thôn và xóa 1.000 hộ nghèo DTTS.
Phát huy thành tựu đạt được và khắc phục hạn chế, yếu kém đã nêu, dự thảo Nghị quyết Đại hội lần thứ XI xác định mục tiêu đến năm 2025: Bình Phước trở thành tỉnh công nghiệp, thuộc nhóm các tỉnh phát triển nhanh và bền vững, có quy mô kinh tế khá trong khu vực kinh tế trọng điểm Đông Nam bộ; nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân, thu hẹp khoảng cách giữa nông thôn, vùng đồng bào DTTS, vùng sâu, vùng biên giới với đô thị trong tỉnh; tăng cường kết nối vùng; hoàn thành chính quyền điện tử, đô thị thông minh, từng bước chuyển dần sang chính quyền số; đảm bảo quốc phòng - an ninh vững chắc; tổ chức đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện.
Để đạt mục tiêu đề ra, đại hội phải bàn, tập trung giải quyết những khó khăn, thách thức, thể hiện qua các mối quan hệ cụ thể: (1) giữa yêu cầu phải đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế với nhiệm vụ ổn định xã hội, giữ vững quốc phòng - an ninh; (2) giữa yêu cầu phát triển nền nông nghiệp toàn diện với những biến đổi tiêu cực của khí hậu; (3) giữa đẩy mạnh công nghiệp hóa, đô thị hóa với giải quyết vấn đề môi trường; (4) giữa yêu cầu cách mạng công nghiệp lần thứ 4 với chất lượng nguồn nhân lực còn thấp; (5) giữa yêu cầu phát triển hạ tầng xây dựng nông thôn mới và đảm bảo các chính sách an sinh xã hội với nguồn lực đầu tư còn hạn chế.
Đồng thời, triển khai thực hiện hiệu quả 4 nhiệm vụ trọng tâm là: (1) Cơ cấu lại nền kinh tế, tiếp tục lựa chọn ngành, lĩnh vực trọng tâm để đầu tư hiệu quả; nâng cao vai trò quản lý của Nhà nước, xây dựng các chính sách phù hợp thúc đẩy sản xuất phát triển; (2) Đầu tư các lĩnh vực xã hội nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho nhân dân để văn hóa thực sự trở thành nền tảng của xã hội. Trong đó, con người vừa là mục tiêu vừa là động lực; (3) Xây dựng quốc phòng - an ninh vững mạnh, mở rộng và nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại; (4) Xây dựng đảng và hệ thống chính trị trong sạch vững mạnh.
Trong đó, ưu tiên tập trung nguồn lực phát triển hệ thống giao thông thuận lợi, tạo điều kiện kết nối Bình Phước với các tỉnh trong vùng kinh tế trọng điểm Đông Nam bộ, Tây nguyên và các sân bay, cảng biển. Đổi mới chính sách, thu hút, ưu đãi đầu tư; tổ chức xúc tiến đầu tư, khuyến khích hỗ trợ phát triển doanh nghiệp; chỉ đạo triển khai các dự án trọng điểm. Tiếp tục đẩy mạnh xây dựng đảng, hệ thống chính trị trong sạch vững mạnh; kiện toàn bộ máy tổ chức theo tinh thần Nghị quyết số 18-NQ/TW, Nghị quyết số 19-NQ/TW và Đề án 999 của Tỉnh ủy tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; cải cách thủ tục hành chính; xây dựng đội ngũ cán bộ năng lực, liêm chính; xây dựng chính quyền điện tử, đô thị thông minh.
Thực hiện quyết liệt chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng biên giới, vùng đồng bào DTTS và chương trình giảm nghèo bền vững. Tiếp tục thực hiện 3 đột phá chiến lược là: đột phá đầu tư kết cấu hạ tầng; đột phá trong cải cách thủ tục hành chính; đột phá phát triển nguồn nhân lực.
Muốn đạt được các mục tiêu, nhiệm vụ nêu trên trong 5 năm tới, thì “chìa khóa” của sự thành công vẫn là tăng cường sự đoàn kết thống nhất trong Đảng bộ và phải biến quyết tâm của đại hội thành quyết tâm của toàn dân. Với những thành tựu đã đạt được; từ những nguyên nhân của sự thành công và hạn chế, yếu kém; những kinh nghiệm rút ra trong nhiệm kỳ vừa qua; tất cả vì cuộc sống hạnh phúc của người dân, sự lớn mạnh của doanh nghiệp, tôi tin tưởng rằng Đại hội lần thứ XI của Đảng bộ tỉnh sẽ thành công tốt đẹp.
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065