NGƯỜI KHƠME ở LỘC KHÁNH HÔM NAY
Theo giới thiệu của Chủ tịch UBND xã Lộc Khánh Trần Quang Vinh, chúng tôi tìm đến nhà ông Lâm Bắc (67 tuổi), Phó chủ tịch Hội đồng Già làng xã, 34 năm làm ấp trưởng (từ năm 1983), 5 nhiệm kỳ đại biểu HĐND xã, người có uy tín trong cộng đồng, để tìm hiểu về văn hóa đồng bào Khơme, tết cổ truyền Chôl Chnăm Thmây. Nhà ông Lâm Bắc ở cạnh nhà văn hóa. 9 giờ ngày 14-4, gia đình ông cũng như nhiều hộ Khơme đều có mâm hoa, quả cúng thổ thần và mời tổ tiên, ông bà về đón tết cổ truyền. Tết Chôl Chnăm Thmây các chị, các bà đều xúng xính đồ đẹp. Những hộ nghèo đều có quà của tỉnh nên nhà nào cũng có tết.
Ông Nguyễn Đình Sang, Phó trưởng Ban Dân tộc tỉnh chúc tết chùa Sóc Lớn, xã Lộc Khánh
Ngôi nhà nhỏ của ông Lâm Bắc ấm áp trong ngày tết cổ truyền. Thành tích 34 năm làm ấp trưởng của ông là hàng chục tấm giấy khen của huyện, xã treo trang trọng trên tường. “Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Lộc Khánh là căn cứ, hậu phương của cách mạng nhưng cũng là trung tâm của dân tộc Khơme trong huyện. Người Khơme ở Lộc Khánh chủ yếu sản xuất lúa và cây ngắn ngày, chưa có hộ giàu nhưng nhờ đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước mà không còn hộ thiếu ăn như ngày xưa” - ông Lâm Bắc bắt đầu câu chuyện.
Ấp Trà Đôn có 297 hộ, trong đó 157 hộ Khơme. Ông Lâm Bắc cho biết, truyền thống của người Khơme là sản xuất lúa nước, nhờ được chuyển giao khoa học, giống mới nên năng suất đã tăng lên 2 lần. Nhà nước đầu tư cho xã công trình thủy lợi nên có hơn 100 ha ruộng sản xuất 3 vụ. Nhờ đó, người Khơme 3/6 ấp trong xã là Trà Đôn, Sóc Lớn và Bà Ven dư lúa để bán, chăn nuôi gia cầm... Phấn khởi nhất là trong 2 năm 2015-2016, theo Đề án 03 của huyện Lộc Ninh, bà con Khơme đóng góp công, Nhà nước hỗ trợ đá, cát, xi măng nên đã bê tông toàn bộ các con đường xóm. Chỉ riêng ấp Trà Đôn được bê tông hóa 450m đường xóm và gần 1km sỏi đỏ nối trường THCS cũng là con đường bà con ra đồng ruộng. Năm 2016-2017, thời tiết diễn biến phức tạp nắng hạn, gió lốc làm đổ tiêu, lúa. Trong lúc khó khăn, người Khơme ở Lộc Khánh được hơn 100 chiến sĩ biên phòng và cán bộ, nhân dân trong xã giúp dân dựng lại trụ tiêu. Lốc xoáy làm đổ hàng trăm héc ta lúa đang chuẩn bị cho thu hoạch, cả bí thư, chủ tịch xã xuống đồng giúp bà con gặt lúa...
Minh chứng thêm về đời sống của người Khơme ở Lộc Khánh, anh Lâm Lốt, ấp Trà Đôn cho biết, gia đình anh cũng như các hộ khác trong ấp đều có bánh, kẹo, trái cây để cúng ông bà, mời bạn bè, dòng họ trong dịp tết diễn ra từ ngày 10-4. Nếu so sánh tết bây giờ khá hơn trước nhiều. Cụ thể, trước đây cả làng chỉ chung 1 cây bông tiền để cúng vào chùa nhưng nay 2-3 gia đình làm 1 cây bông. Hộ khá thì cúng riêng 1 bông tiền. Bông tiền cúng chùa ngày tết là quan trọng nhất của người Khơme.
TẾT CHôL CHNĂM THMÂY Ở CHÙA SÓC LỚN
Người Khơme ở Lộc Khánh rất tự hào có chùa Sóc Lớn, di tích lịch sử cấp tỉnh và trung tâm hành hương lớn nhất của Phật giáo Nam tông ở Bình Phước, thu hút tín đồ Phật giáo trong và ngoài tỉnh về đón tết cổ truyền. Chùa Sóc Lớn trong ngày tết Chôl Chnăm Thmây được trang hoàng theo đúng văn hóa Khơme với đầy đủ các khu làm nghi lễ Phật giáo Nam tông.
Ông Lâm Bắc cúng thổ thần, mời tổ tiên, ông bà về ăn tết
Ông Lâm Bắc sơ lược lịch sử hình thành chùa Sóc Lớn: Chùa được xây dựng trong 6 năm (từ 1931), khuôn viên rộng 42.803m2. Sóc Lớn (Phum Thum), từ năm 1972-1975, Mỹ dội bom B52 san bằng chùa, kể cả chánh điện (đang được xây dựng lại theo phương thức xã hội hóa đóng góp của tín đồ Phật giáo khoảng 20 tỷ đồng). Trước và sau năm 1975, chùa là nơi quy tụ của bà con Khơme các xã Lộc Thành, Lộc Thịnh, Lộc Phú, Lộc Quang (Lộc Ninh). Trong 1 năm dân tộc Khơme có 3 tết nhưng tết Chôl Chnăm Thmây là lớn nhất.
Lộc Khánh có 118 hộ Khơme nghèo/215 hộ nghèo toàn xã. Tết Chôl Chnăm Thmây 2017, đoàn cán bộ lãnh đạo Tỉnh ủy, HĐND, UBND, UBMTTQVN tỉnh đã thăm, chúc tết và tặng 195 phần quà cho hộ nghèo người Khơme trên địa bàn tỉnh. 118 hộ nghèo Khơme ở xã Lộc Khánh đều được tặng quà. |
Tết Chôl Chnăm Thmây 2017, có hàng ngàn sư sãi, tín đồ Phật giáo trong và nhiều tỉnh, thành về ăn tết. Ngày 14-4, diễn ra các nghi lễ chính: 10 giờ bắt đầu lễ diễu hành Đặt bát hội có 100 nhà sư đặt bát diễn ra tại nhà tăng. Gần 1.000 sư sãi, phật tử cầu xin an phước. Sau nghi lễ, các nhà sư diễu hành từ nhà tăng - chánh điện - nhà tăng. Các sư đi theo sơ đồ trong nhà tăng, đi giữa hai hàng phật tử để đặt bát tiền. 16 giờ, bắt đầu lễ diễu hành các hộ rước cây tiền cúng chùa, cầu cho 1 năm làm ăn phát tài, mưa thuận gió hòa, gia đình mạnh khỏe. Tết Chôl Chnăm Thmây 2017, tổng cây tiền cúng chùa của các hộ Khơme ở Lộc Khánh là 52,2 triệu đồng. Đêm 14-4, diễn ra nghi lễ đón giao thừa tại chùa. Sau lễ, bà con Khơme hòa mình trong điệu lâm thôn cho đến sáng hôm sau.
P.Hà
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065