BP - Những ngày cuối tháng 3-2016, chúng tôi có cơ hội sang thăm đất nước chùa tháp. Với tôi, đến Campuchia lần này là sự trở lại sau 37 năm xa cách. Vào những năm 1979-1981 khi còn mang áo lính, theo yêu cầu của nước bạn, chúng tôi tình nguyện sang sát cánh, kề vai với quân đội nhân dân Campuchia tiêu diệt chế độ diệt chủng Pol Pot. Những cựu chiến binh Việt Nam đã từng chiến đấu ở Campuchia khi có dịp trở lại nước bạn đều có chung một cảm xúc: Đất nước Campuchia đã đạt được những thành tựu kỳ diệu và đang vững bước trên con đường hội nhập, phát triển.
Du khách tham quan Angkor Wat
Về lại Angkor
Trong thời gian giúp bạn, đơn vị tôi đã có mặt ở nhiều vùng chiến sự ác liệt như Pai Lin, Sisô phôn (tỉnh Battambang), tỉnh Poi Pét... Đặc biệt là tại Xiêm Riệp, nơi có Bộ chỉ huy Mặt trận 479 đứng chân, chúng tôi đã làm nhiệm vụ truy kích tàn quân Pol Pot trong khu rừng Angkor Thom. Tỉnh Xiêm Riệp có 12 huyện và một thành phố nổi tiếng vì có khu di tích Angkor (Angkor Wat và Angkor Thom). Năm 1992, quần thể Angkor được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới. Đây cũng là một trong những kỳ quan của nhân loại.
Về lại Xiêm Riệp, thành phố bây giờ đã rất đông đúc người và phương tiện. Mặc dù ít nhà cao tầng nhưng Xiêm Riệp vẫn hiện rõ nét sầm uất và sự thanh bình của một vùng quê du lịch. Mỗi ngày có hàng ngàn lượt du khách đến tham quan Angkor và lưu trú lại thành phố. Điều khiến tôi ngạc nhiên là sau nhiều năm nhưng khu rừng ở Angkor vẫn nguyên vẹn. Những cây cổ thụ dọc con đường từ thành phố đến Angkor Wat hay trong rừng Angkor Thom vẫn hiện hữu xanh tươi không hề bị xâm hại. Mùa khô với cái nắng khốc liệt, nước ở Biển Hồ (Tonlé Sap) và con sông đào chạy quanh Angkor Wat đã cạn nhiều nhưng hồ nhân tạo trong khu di tích Angkor vẫn đầy nước nhờ những cây xanh, tạo cho mỗi người đến đây dù trời nắng gắt vẫn cảm thấy mát mẻ.
Khu di tích Angkor lúc nào cũng rất đông du khách. Người ta đến đây để được sờ tận tay những tảng đá mà cổ nhân đã xây nên một công trình cực kỳ vĩ đại; để được xếp hàng dài leo lên tầng thiên đàng của Angkor Wat. Đặc biệt, khi đến Angkor Thom không ít khách du lịch trải nghiệm bằng việc nghễu nghệ ngồi trên lưng những chú voi to đùng. Sau khi thoát khỏi chế độ diệt chủng, có lẽ nụ cười trong đền Bayon không còn bí ẩn nữa mà đã rạng rỡ hơn, vì ngày nào cũng có người đến chiêm ngưỡng, chụp hình lưu niệm. Tại khu vực trường đấu voi xưa kia, những người thợ Campuchia đang miệt mài hoàn thành nốt những bức tượng, chuẩn bị sân khấu ngoài trời để nhân dân Xiêm Riệp đón tết cổ truyền Chôl Chnăm Thmây. Năm nay là tết con khỉ, một con vật rất được người dân Campuchia tôn sùng, dự kiến khu vực này sẽ có hàng vạn người đến dự lễ đón chào năm mới.
Ký ức người Xiêm Riệp
Anh Nuon Chhuong (Nuôn Chương) năm nay 43 tuổi là một trong những thợ ảnh hành nghề nhiều năm ở khu di tích Angkor. Gia đình anh ở tại thành phố Xiêm Riệp, vợ bán hàng tạp hóa, con trai lớn làm ở khách sạn, đứa nhỏ còn đi học. Nuon Chhuong kể: Cha mẹ anh đều là người Xiêm Riệp. Tháng 4-1975, khi người dân Campuchia còn chưa kịp ăn mừng thì tất cả đều bàng hoàng nhận được lệnh từ chính quyền Pol Pot là phải sơ tán toàn bộ ra khỏi thành phố. Đàn ông, đàn bà, già trẻ, sư sãi, nhà giáo... bị lùa đi như những bầy nô lệ. Xã hội Campuchia chỉ sau một đêm bị biến thành những trại tập trung tại các vùng thôn quê để lao động khổ sai. Nếu ai không tuân lệnh thì sẽ bị đập chết. Trẻ con bị tách khỏi bố mẹ và anh cũng không ngoại lệ. Nhưng may mắn cho Nuon Chhuong, anh được một tên đứng đầu quân Khơme Đỏ nhận nuôi. Anh sống với Khơme Đỏ từ đó cho đến khi Xiêm Riệp giải phóng và được bộ đội Việt Nam cưu mang. “Cha mẹ tôi bị Khơme Đỏ giết hại ngay trong năm 1975, bây giờ mỗi khi nhớ lại những ngày sống dưới chế độ Pol Pot, ai cũng rùng mình. Tôi dạy các con phải luôn nhớ ơn bộ đội Việt Nam, vì có họ mới có ngày nay” - anh Nuon Chhuong nói.
Anh Sok Dara sinh năm 1972, công dân của thành phố Xiêm Riệp, là hướng dẫn viên tự do của các công ty du lịch Campuchia. Anh sử dụng thành thạo tiếng Thái Lan, tiếng Việt và Campuchia... Cuộc đời của Sok Dara cũng khá đặc biệt. Gia đình anh trước đây ở tỉnh Kô Kông (Koh Kong), cũng như bao đứa trẻ khác khi Khơme Đỏ tràn vào, Sok Dara bị tách khỏi cha mẹ. Cả cha mẹ, người thân đều bị Khơme Đỏ giết hại, 7 tuổi anh mới được bộ đội Việt Nam giải thoát. Sok Dara được các chú bộ đội Đoàn 9907 thuộc Mặt trận 979 nuôi dưỡng cho đến ngày trưởng thành.
Ký ức của Sok Dara, Nuon Chhuong và hầu hết người dân Campuchia về những năm dưới chế độ dệt chủng Pol Pot thật hãi hùng. Bởi vậy, họ rất yêu quý những người bạn Việt Nam và đang làm tất cả để vun đắp tình hữu nghị hai dân tộc được mãi xanh tươi, bền vững. Họ cho rằng, hiện có một bộ phận nhỏ người Campuchia, trong đó chủ yếu là người trẻ, nghe theo lời kẻ xấu kích động, chia rẽ tình đoàn kết Việt Nam - Campuchia. Nhưng đó chỉ là số ít, bởi thực tế lịch sử đã minh chứng tất cả. Nếu không có bộ đội Việt Nam sang giúp đỡ thì dưới sự cai trị của Pol Pot - Ieng Sary không chỉ 3 triệu người chết mà dân Campuchia sẽ không còn ai. Mối tình gắn bó giữa hai dân tộc được đổi bằng máu xương của biết bao người thì không ai được phép quên điều đó.
Tiến Bình
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065