Giáo dân quá khich ném đá vào trụ sở Ủy ban Nhân dân xã Nghi Phương ngày 4-9-2013
Trong các ngày 30-8, mùng 3 và 4-9-2013, hàng trăm giáo dân thuộc giáo xứ Mỹ Yên và vùng lân cận đã kéo đến bao vây trụ sở Ủy ban Nhân dân xã Nghi Phương (huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An), trương băng rôn, khẩu hiệu, gây rối trật tự công cộng. Sau đó họ còn xúc phạm và hành hung 6 cán bộ của huyện Nghi Lộc và xã Nghi Phương trong giờ làm việc, với những đòi hỏi hết sức vô lý.
Vụ việc trên lập tức gây sự chú ý trong dư luận; và đã có không ít thông tin của một số hãng thông tấn, đài phát thanh nước ngoài và trên các trang mạng vu khống, xuyên tạc, cố ý bóp méo sự thật, như một kế hoạch tiếp ứng có bài bản từ bên ngoài nhằm kích động chống đối, gây mất trật tự xã hội và an ninh chính trị.
Nhóm phóng viên TTXVN đã về nơi xảy ra vụ việc, gặp gỡ các cơ quan chức năng, những nhân chứng, những người trong cuộc - những người bị hại và những kẻ phạm pháp - để tìm hiểu đúng bản chất sự việc và có loạt bài viết dưới đây nhằm cung cấp cho bạn đọc những thông tin trung thực, chính xác, khách quan và toàn diện xung quanh vụ việc này.
Bài 1: Điểm lại diễn tiến của vụ việc
Trong bài viết này chúng tôi sẽ tóm lược những diễn biến của vụ việc theo trình tự thời gian để bạn đọc dễ thấy được toàn diện vấn đề và rút ra nhận xét thông qua các sự việc được tường trình lại của những người trong cuộc; qua đó thấy được logich của vụ việc, cả những cái hợp lý và những cái vô lý trong mỗi tình tiết cũng như nguyên nhân dẫn đến vụ việc mà chúng tôi sẽ phân tích trong các bài viết sau.
Vụ gây rối thứ nhất
Khởi đầu của vụ việc này chúng ta phải ngược lại ngày 23/5/2013 là ngày Tòa án Nhân dân Tối cao xét xử phúc thẩm 8 (trong số 14) bị cáo trong vụ án Hồ Đức Hòa cùng đồng bọn phạm tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền. Đây là một hoạt động tư pháp bình thường của tòa án. Nhưng trước khi tòa xét xử 1 ngày, ngày 22/5, Linh mục Đặng Hữu Nam, quản xứ Bình Thuận, xã Nghi Thuận, huyện Nghi Lộc (Nghệ An) lại tổ chức cho hàng trăm giáo dân ở nhiều địa phương về nhà thờ họ Trại Gáo cầu nguyện cho các bị cáo này; dù chưa được giám mục Nguyễn Thái Hợp và Linh mục quản xứ Mỹ Yên đồng ý.
Trước tình hình trên, tổ công tác của Công an gồm 5 người đã đến địa bàn để nắm bắt tình hình. Tuy nhiên, khi tổ công tác đến hiện trường thì bị một số giáo dân chặn đường khống chế, đánh đập gây thương tích; họ còn giam giữ trái pháp luật 3 cán bộ. Ngay sau đó, hàng trăm giáo dân đã bao vây nhà ông Đậu Văn Sơn, xã đội trưởng xã Nghi Phương, rồi chửi bới, ném gạch đá vào nhà, đốt xăng, đập phá làm hư hỏng nhiều tài sản; tổng trị giá thiệt hại hơn 100 triệu đồng, đe dọa tính mạng của một số người. Tuy nhiên, lực lượng chức năng của huyện và tỉnh đã kịp thời ứng cứu, giải vây, nên không có án mạng xảy ra.
Sau sự việc này, cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Nghệ An đã tập trung điều tra, khởi tố vụ án hình sự với 4 tội danh: "gây rối trật tự công cộng”; "bắt giữ người trái pháp luật”, "cố ý gây thương tích” và "cố ý hủy hoại tài sản công dân,” khởi tố bị can và bắt tạm giam Nguyễn Văn Hải và Ngô Văn Khởi, cùng ở xã Nghi Phương theo đúng trình tự của pháp luật với tội danh “gây rối trật tự công cộng.”
Vụ gây rối thứ hai
Trong khi các cơ quan bảo vệ pháp luật của tỉnh Nghệ An đang xử lý theo đúng trình tự của pháp luật đối với Nguyễn Văn Hải và Ngô Văn Khởi thì trong các ngày 30-8-2013, ngày 3 và 4-9-2013, hàng trăm giáo dân đã bị kích động tập trung trước trụ sở Ủy ban Nhân dân xã Nghi Phương gây rối, cố gây sức ép để đòi thả người.
Ông Nguyễn Trọng Tạo, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Nghi Phương với tư cách là nhân chứng cùng rất nhiều người trong cuộc và nhiều người dân, đều nhớ như in từng chi tiết của vụ việc với những ấn tượng tâm lý luôn ám ảnh như vừa mới xảy ra. Chúng tôi xin ghi lại tóm tắt như sau:
Chừng 8 giờ 15 phút ngày 30-8-2013, có khoảng 300 giáo dân thuộc giáo xứ Mỹ Yên kéo đến trụ sở Ủy ban Nhân dân xã. Họ mang theo băng rôn, khẩu hiệu với nội dung “Phản đối chính quyền bắt người trái pháp luật,” “Cha tôi không có tội,” “Con tôi vô tội,” “Xúc phạm giáo hội là tự sát.”
Những người này đã bao vây, phong tỏa phòng làm việc của Đảng ủy, Ủy ban Nhân dân xã; chửi bới, xúc phạm, lăng mạ cán bộ xã Nghi Phương. Đặc biệt, một số giáo dân đã vào phòng làm việc của xã đội trưởng Đậu Văn Sơn kéo anh ra sân xúc phạm, đòi lột quần áo và giữ anh hơn 1 giờ ngoài trời.
Tiếp đó, đến ngày 3-9-2013, có khoảng 1.000 giáo dân thuộc giáo xứ Mỹ Yên và vùng lân cận tiếp tục kéo đến bao vây trụ sở Ủy ban Nhân dân xã Nghi Phương, mang theo nhiều pa-nô, băng rôn cắm trước cổng trụ sở Ủy ban Nhân dân với nội dung như trên. Sau đó, họ vào chiếm giữ phòng làm việc của Phó chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã, khống chế, giữ 6 cán bộ của huyện Nghi Lộc và xã Nghi Phương gồm các ông: Nguyễn Trọng Tạo, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã; Nguyễn Đình Thư, Phó chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã; Hoàng Trung Thông, Phó bí thư Đảng ủy xã; Trần Hữu Lam, Phó chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Nghi Lộc; Nguyễn Đình Nam, Bí thư Huyện đoàn; Nguyễn Trung Dũng, Phó bí thư Huyện đoàn.
Việc giam giữ 6 cán bộ trên diễn ra từ 8 giờ 15 phút đến 18 giờ 15 phút cùng ngày. Ngoài ra, tại Trung tâm giao dịch một cửa của xã Nghi Phương, giáo dân cũng khống chế, giam giữ ông Quang, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Nghi Lộc, từ 9 giờ đến 14 giờ. Buổi chiều cùng ngày, một số giáo dân quá khích đã chửi bới, hành hung các cán bộ đang bị giam giữ, ép buộc ông Nguyễn Trọng Tạo, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã viết “Giấy cam kết” đề nghị Ủy ban Nhân dân tỉnh và Công an tỉnh xem xét thả Ngô Văn Khởi và Nguyễn Văn Hải trước 16 giờ ngày 4-9-2013.
Tiếp đến, các giáo dân quá khích ép ông Nguyễn Hữu Lam, Phó chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Nghi Lộc, viết xác nhận của Ủy ban Nhân dân huyện. Sau khi có được giấy đề nghị của Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Nghi Phương đã ký tên, đóng dấu đề nghị xem xét thả 2 bị can nêu trên, thì đến 18 giờ 30 phút cùng ngày, giáo dân mới trả tự do cho 6 cán bộ rồi giải tán ra về.
Trong khoảng thời gian các cán bộ bị khống chế, giáo dân đã không cho chính quyền các cấp và người dân tiếp tế cơm ăn, nước uống.
Ngày 4-9-2013, khoảng 14 giờ 30 phút, tại trụ sở Ủy ban Nhân dân xã Nghi Phương đang diễn ra cuộc họp của quân dân chính về nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội thì có chừng 30 giáo dân, chủ yếu là phụ nữ, trong đó có vợ của hai bị can Hải và Khởi, xông vào trụ sở Ủy ban Nhân dân xã đòi người (Hải và Khởi) như giấy đề nghị của Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Nghi Phương bị ép buộc viết ngày hôm trước.
Lực lượng làm nhiệm vụ đã kiên trì thuyết phục, giải thích, vận động và yêu cầu số giáo dân này về nhưng không những không chấp hành mà hàng trăm giáo dân còn tiếp tục bao vây, chửi bới, lăng mạ rồi xô xát, giằng xé quần áo của chiến sĩ công an; có kẻ đã ném đất đá vào công an.
Thật bất ngờ, vào lúc 15 giờ 30 phút ngày 4-9, nhà thờ giáo xứ Mỹ Yên rung chuông báo động và hàng nghìn giáo dân đã kéo đến trụ sở Ủy ban Nhân dân xã Nghi Phương. Rất nhiều giáo dân quá khích đã dùng gạch đá tấn công lực lượng chức năng đang làm nhiệm vụ bảo đảm trật tự an ninh tại trụ sở Ủy ban Nhân dân xã.
Vụ xô xát, ném đá này đã làm 6 cán bộ Công an bị thương. Trước tình hình đó, lực lượng chức năng đang thi hành nhiệm vụ tại đây đã phải sử dụng các biện pháp theo đúng qui định của pháp luật để giải tán đám đông, ngăn chặn các hành vi cực đoan, quá khích, hạn chế hậu quả xấu, ổn định trật tự. Đồng thời, sau khi có sự xuất hiện của linh mục đến vận động giáo dân thì khoảng 17 giờ 30 phút tình hình cơ bản ổn định; đến 19 giờ ngày 4-9-2013 giáo dân đã giải tán.
Như vậy là cả hai vụ gây rối đều diễn ra bởi những giáo dân có những hành vi bảo vệ kẻ phạm pháp. Nếu như vụ thứ nhất giáo dân tụ tập “hiệp thông, cầu nguyện” cho các bị cáo phạm tội hoạt động lật đổ chính quyền dẫn đến vụ án “gây rối trật tự công cộng” với hai bị can là Nguyễn Văn Hải và Ngô Văn Khởi; thì vụ thứ hai giáo dân lại tụ tập đòi chính quyền tha cho hai bị can này trong vụ án do chính những giáo dân quá khích gây ra.
Dư luận đặt câu hỏi: Những hành vi “vô pháp, vô thiên” này chỉ là nguyên cớ của hai vụ gây rối, còn nguyên nhân sâu xa là ở đâu, do ai?
(Đón đọc Bài 2: Hải, Khởi nhận tội, xin hưởng khoan hồng)
(Theo TTXVN)