Trong những ngày này, trên khắp cả nước và tại thành phố Điện Biên Phủ (tỉnh Điện Biên) đã và đang diễn ra nhiều hoạt động với các chương trình kỷ niệm 60 năm Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ. Cùng với các hoạt động kỷ niệm, trong dịp này Điện Biên còn đón hàng triệu lượt khách đến tham quan nơi mà 60 năm về trước quân và dân ta đã làm nên chiến thắng "lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu". Thành phố Điện Biên Phủ hôm nay rực rỡ sắc màu đón chào sự kiện trọng đại của dân tộc và đang vững tin trên con đường đổi mới. Là thành phố nằm trên chiến trường năm xưa, nhưng Điện Biên Phủ vẫn giữ nguyên vẹn cánh đồng Mường Thanh và điểm nhấn không gian đô thị chính là sự hình thành khu bảo tồn quần thể di tích lịch sử Điện Biên Phủ.
Vài nét về Điện Biên Phủ
Điện Biên Phủ vốn được gọi là Mường Thanh, từ chữ Mường Then theo tiếng dân tộc Thái, nghĩa là "Xứ Trời", gắn với truyền thuyết về sự phát sinh ra dân tộc Thái. Tên gọi Điện Biên do vua Thiệu Trị đặt năm 1841 từ châu Ninh Biên. Điện nghĩa là "kiến lập", Biên nghĩa là "vùng biên giới, biên ải". Hiện nay, Điện Biên Phủ là thành phố tỉnh lỵ tỉnh Điện Biên ở Tây Bắc nước ta. Thành phố này nằm trong khu thung lũng Mường Thanh với chiều dài khoảng 20km và chiều rộng 6km, cách biên giới với Lào khoảng 35km, cách Hà Nội 474km.
Một góc thành phố Điện Biên Phủ
Các chứng tích trong cuộc chiến năm xưa giờ đã trở thành quần thể di tích lịch sử Điện Biên Phủ. Quần thể di tích lịch sử Điện Biên Phủ được xếp hạng Di tích lịch sử quốc gia ngày 28-4-1962. Ngày 7-5-2004, Tượng đài chiến thắng Điện Biên Phủ được khánh thành trên đồi D1 nhân kỷ niệm 50 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, là biểu tượng cho chiến thắng và hòa bình. Các di tích nổi bật của chiến trường Điện Biên bao gồm Bảo tàng chiến thắng Điện Biên Phủ, là nơi lưu giữ, trưng bày hơn 500 hiện vật, tranh ảnh, tư liệu... mô tả khái quát toàn bộ cuộc chiến đấu đầy hy sinh, gian khổ của quân và dân ta để làm nên chiến thắng vang dội của dân tộc. Đồi Him Lam - nơi mở màn chiến dịch Điện Biên Phủ vào ngày 13-3-1954; đồi Độc Lập - nơi diễn ra trận đánh quyết liệt vào ngày 15-3-1954. Chạy dọc lòng chảo Điện Biên Phủ, nơi đọ sức lịch sử năm xưa là đường 7-5 (vừa mới được đổi tên là đại lộ Võ Nguyên Giáp), con phố chính và lớn nhất thành phố Điện Biên Phủ có các đồi C, D, E là những quả đồi đã diễn ra các trận đánh rất ác liệt. Trên mỗi quả đồi có gắn tên bằng các chữ lớn. Ngoài ra, quần thể di tích Điện Biên còn có hầm Đờ Cát, thành Hoàng Công Chất ở Bản Phủ, di tích Noong Nhai... và di tích Mường Phăng (cách thành phố Điện Biên Phủ khoảng 35km) là Sở chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ 60 năm trước. Ở Điện Biên còn có nhiều thắng cảnh, như động Pa Thơm, hồ U Va, hồ Pá Khoang, cổ tháp Mường Luân; với các bản làng văn hóa thể hiện rõ phong tục, tập quán, trang phục và những làn điệu dân ca của đồng bào các dân tộc tỉnh Điện Biên.
Điện Biên Phủ hôm nay
60 năm đã đi qua, kể từ khoảnh khắc lịch sử 17 giờ 30 phút ngày 7-5-1954, lá cờ quyết chiến, quyết thắng của quân đội ta tung bay trên nóc hầm Đờ Cát, diện mạo mới của thành phố trẻ Điện Biên Phủ đã từng ngày đổi thay. Hệ thống hạ tầng cơ sở được đầu tư; giao thông nội thị được rải thảm bêtông, lát gạch hành lang đường, cây xanh tỏa bóng mát; khu du lịch trung tâm và vùng phụ cận được quy hoạch. Các điểm di tích lịch sử như Tượng đài chiến thắng Điện Biên Phủ; Sở chỉ huy, công viên chiến thắng ở Mường Phăng; đường kéo pháo... được đầu tư hàng trăm tỷ đồng xây dựng, trùng tu, chào mừng 60 năm ngày chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ. Nhiều điểm du lịch, vui chơi giải trí, nhà hàng, khách sạn; công trình phúc lợi; kết cấu hạ tầng cơ sở được đầu tư đồng bộ, làm thay đổi bộ mặt đô thị, tạo môi trường văn hóa, điều kiện sinh hoạt cho người dân địa phương và khách du lịch thập phương đến thăm quan.
Từ một bãi chiến trường bị bom đạn cày xới và ngổn ngang chiến tích, nay Mường Thanh đã trở thành cánh đồng lúa mênh mông ngút tầm mắt. Từ một nơi thuần nông, mang nặng tính tiêu thụ, Điện Biên đã từng bước trở thành địa bàn chế biến tiêu thụ sản phẩm; gia công các sản phẩm công nghiệp, thủ công mỹ nghệ, góp phần quan trọng đưa tỉnh thoát khỏi tình trạng tự cung tự cấp; cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực, sản xuất hàng hóa phát triển. Đến Điện Biên, mỗi người chúng ta không chỉ được sống lại ký ức hào hùng của lịch sử, mà mảnh đất này còn in đậm bản sắc văn hóa của các dân tộc Tây Bắc. Họ là những chủ nhân của nơi 60 năm trước đây dân tộc ta ghi những "thiên sử vàng" vào trang sử chống ngoại xâm của dân tộc.
Lễ diễu binh kỷ niệm 60 năm chiến thắng Điện Biên Phủ sẽ diễn ra ngày 7-5-2014 tại sân vận động thành phố Điện Biên Phủ với sự tham gia của gần 15 ngàn người. Sân vận động thành phố có sức chứa 10 ngàn người, đã được tỉnh đầu tư 29,5 tỷ đồng để sửa chữa, nâng cấp. Tối 6-5, chương trình nghệ thuật "Điện Biên Phủ - Bản hùng ca bất diệt" sẽ diễn ra tại quảng trường trung tâm thành phố với sự tham gia của nhiều nghệ sĩ cùng các đoàn nghệ thuật trong cả nước. Trong các hoạt động hướng tới kỷ niệm 60 năm chiến thắng Điện Biên Phủ còn có: Lễ ghi danh các tổ chức, cá nhân hiến tặng hiện vật, kỷ vật, tư liệu, tài liệu liên quan đến chiến thắng Điện Biên Phủ; lễ cầu siêu tại Nghĩa trang liệt sĩ đồi A1...
(Theo báo dienbienphuonline)
|
Đức Hồng
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065