Ngày nay, Thủ đô nghìn năm tuổi này đang có bước chuyển mình mạnh mẽ, trở thành một thành phố hội nhập năng động với sự xuất hiện ngày càng nhiều những tổ hợp đô thị hiện đại mang dáng dấp như những “thành phố châu Âu thu nhỏ.”
Từ những khu phố của một thời để nhớ
Vào một buổi chiều thu lãng đãng, lần theo sự chỉ dẫn địa giới không gian khu phố cổ đã được ghi lại trong các sách sử về Hà Nội, chúng tôi tìm đến một địa điểm được cho là điểm đáy của “tam giác” phố cổ, đó là trục phố Hàng Bông-Hàng Gai-Cầu Gỗ, để được thưởng thức cái thú vui uống trà đá vỉa hè và thả hồn mình vào những dòng suy tư mơ mộng.
Với những ai có cái thú vui ngồi trà đá vỉa hè, hay thích lang thang dạo bộ trong không gian “36 phố phường” đều nhận thấy rằng Hà Nội là một trong những thành phố rất “kỳ lạ,” bởi nó không chỉ đẹp ở sự hoàn mỹ về không gian kiến trúc, mà dường như ngay cả những điểm khiếm khuyết của nó cũng có thể trở thành niềm cảm hứng của những khách thơ.
Chẳng thế mà Hà Nội xuất hiện rất nhiều trong thơ ca, nhạc họa, đôi lúc chỉ là hình ảnh bình dị về những ngõ nhỏ, phố nhỏ, những quán cóc liêu xiêu... khiến cho ai đi đâu xa cũng không nguôi nỗi nhớ về mảnh đất này.
Theo sử sách, khu phố cổ Hà Nội được hình thành vào khoảng thế kỷ thứ X, đến thế kỷ XV-XVI thì phát triển mạnh.
Toàn bộ khu phố cổ Hà Nội có diện tích 82ha, nằm ở phía Đông Hoàng thành Thăng Long, nay thuộc địa bàn 10 phường của quận Hoàn Kiếm.
Còn khu phố cũ của Hà Nội được hình thành vào thời Pháp thuộc, hiện có 1.586 tòa nhà và ngôi biệt thự mang phong cách kiến trúc Pháp được xây dựng cách đây hơn 100 năm, trong đó có 562 biệt thự do tư nhân sử dụng và 1.024 biệt thự thuộc sở hữu nhà nước.
Từ trên cao nhìn xuống, cách bờ sông Hồng đỏ nặng phù sa một quãng không xa, cả khu phố cổ Hà Nội trông như một cái hình tam giác khổng lồ.
Đường phố chằng chịt dọc ngang chia cắt theo kiểu ô bàn cờ. Ngày xưa, trên mỗi phố người ta thường kinh doanh buôn bán một mặt hàng hoặc làm một nghề thủ công nào đó.
Vì thế, tên phố thường có kèm theo chữ “Hàng,” ví như phố Hàng Ðường, Hàng Bạc, Hàng Mắm, Hàng Chĩnh, Hàng Mã, Hàng Vải... Cả khu phố cổ hợp lại trông như một cái chợ lớn. Có lẽ vì thế mà xưa kia Hà Nội còn có tên là “Kẻ chợ.”
Hai bên đường dọc theo các phố là những dãy nhà ống nằm san sát, xếp kề nhau theo kiểu “chồng bao diêm.” Kiểu nhà này xuất hiện rất nhiều trong loạt tranh "Phố Phái" nổi tiếng của danh họa Bùi Xuân Phái (1920-1988).
Ngày nay, những ngôi nhà như thế này này ít nhiều vẫn còn thấy ở một số phố như Hàng Buồm, Hàng Bạc, Hàng Ngang, Hàng Đào…
Nhà ở phố cổ Hà Nội vừa là nơi ở lại vừa là nơi dùng làm cửa hiệu buôn bán. Ngày nắng cũng như mưa, những dãy nhà ấy luôn hiện lên bé nhỏ, bình dị mà thân quen.
Những ngôi nhà mái ngói thâm nâu, mái liền mái, tường liền tường, nằm tựa mình vào nhau như những đôi “tình nhân” già của thế kỷ, đẹp đến nao lòng.
Đến thời Pháp thuộc, khoảng cuối thế kỷ 19 đến đầu thế kỷ 20, quy hoạch Hà Nội bắt đầu có nhiều thay đổi. Nhiều khu phố mới được hình thành, chủ yếu là do người Pháp xây dựng.
Ngày nay, người ta thường quen gọi những khu phố đó là phố cũ, để phân biệt với phố cổ có từ nhiều thế kỷ trước.
Đường phố thời kỳ này to hơn, thẳng hơn, được rải nhựa, lại có cả hè phố, đường cống ngầm thoát nước và đèn điện chiếu sáng.
Đặc biệt, thời kỳ này Hà Nội có thêm nhiều tòa dinh thự lớn xây theo lối kiến trúc cổ điển Pháp. Những tòa biệt thự nhà vườn sang trọng, quý phái ấy đa phần là các tòa công sở Tây, hoặc nhà riêng của các quan chức người Pháp, hay của người Việt giàu có nhờ làm việc cho Tây.
Không nằm ngoài guồng quay của thời gian và lịch sử, Hà Nội cũng giống như những thành phố khác trên thế giới, đó là đều phải trải qua những bước đổi thay trong quá trình đô thị hóa.
Vì vậy, sẽ không có gì ngạc nhiên khi người ta thấy một Hà Nội đang có những bước chuyển mình mạnh mẽ. Đó là một Hà Nội vẫn giữ được nét hoài cổ của ngày xưa nhưng đã bắt đầu có thêm những gam màu mới trẻ trung, lấp lánh, lộng lẫy và hiện đại hơn nhờ có sự xuất hiện ngày càng nhiều những tổ hợp đô thị mới được ví như những “thành phố châu Âu thu nhỏ”.
Đến sức hấp dẫn của những "thành phố châu Âu thu nhỏ"
Hơn một thập kỷ trước, dẫu có nằm mơ người Hà Nội cũng khó hình dung ra diện mạo đô thị của thành phố này lại có sự thay đổi nhanh chóng và mạnh mẽ như ngày nay.
Cách trung tâm Thủ đô Hà Nội chừng nửa giờ chạy xe, ở những vùng đất ven đô vốn một thời hoang vắng giờ đã hiện lên khá nhiều khu đô thị hiện đại mang dáng dấp như những thành phố Châu Âu thu nhỏ, như Vinhomes Royal City, Vinhomes Times City, Vinhomes Riverside, Ecopark, Ciputra, The Manor, Park City...
Sự ra đời của những tổ hợp đô thị mới này không chỉ giúp Hà Nội phần nào giải được bài toán giảm tải mật độ dân cư ở nội thành, mà còn tạo nên những không gian sống tốt hơn nhằm phục vụ nhu cầu hưởng thụ cuộc sống ngày càng cao của người dân, nhất là lớp trẻ.
Đêm xuống, Vinhomes Royal City rực sáng ánh đèn, lung linh như một quần thể cung điện khổng lồ. Phía sau cổng chào bề thế trông như Khải Hoàn Môn của Pháp, quần thể khu đô thị Royal City hiện lên sang trọng, lộng lẫy và choáng ngợp với lối kiến trúc tân cổ điển theo phong cách hoàng gia Châu Âu.
Nếu như Royal City là chốn yêu thích của những người theo trường phái tân cổ điển, thì Vinhomes Time City, khu đô thị nằm ở cửa ngõ phía Đông Nam Thủ đô Hà Nội, lại rất phù hợp với giới trẻ năng động và hiện đại.
Khác với hai khu đô thị trên, Vinhomes Riverside nằm ở cửa ngõ phía Đông Bắc Hà Nội lại được ví là “Thành Venice trong lòng Hà Nội.” Tại đây, những nét tinh tế trong kiến trúc của Venice (Italy) dường như được tái hiện một cách hài hòa và tinh tế.
Việc Hà Nội đẩy mạnh phát triển các tổ hợp đô thị hiện đại là một nhu cầu tất yếu trong tiến trình phát triển của một Thủ đô có dân số hơn 8 triệu người như hiện nay. Và sự ra đời của những tổ hợp đô thị này không chỉ giải quyết được nhu cầu sinh sống, hưởng thụ của người dân, mà còn đem lại những sắc diện mới đầy cảm hứng cho đô thị nghìn năm tuổi này.
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065