“Em ơi anh nói em nghe/ Anh yêu Bình Phước có mối tình ngây thơ/ Xuân về đàn én chao nghiêng/ Nghe câu vọng cổ mà anh tìm đến đây”. Vừa dứt 4 câu vọng cổ kết thúc tiết mục mở màn chủ đề “Mừng Đảng, mừng xuân Giáp Ngọ 2014” của câu lạc bộ Đờn ca tài tử xã Tiến Thành (CLBĐCTT), tràng pháo tay giòn dã của các tài tử đờn, tài tử ca phía dưới vang lên. Cô Nga bước xuống, mặt ửng đỏ.
Buổi họp mặt CLBĐCTT xã Tiến Thành có sự góp mặt của đại gia đình 3 thế hệ ông Nguyễn Văn Tá, ở ấp Thạch Màng, xã Tân Lợi (Đồng Phú) tham gia. Ông Tá năm nay đã bước sang tuổi 76, nhưng giọng ca vẫn còn làm nức lòng nhiều người khi ca Ba lớp Tây Thi. Kế đến là vợ chồng Lê Hoàng Hai - Nguyễn Thị Thanh Nga, con trai thứ 6 và cháu ngoại Lê Ngọc Mỹ, 25 tuổi.
Ông Tá tâm sự: Gia đình tôi quê gốc Cà Mau, mẹ tôi trước là đào hát bội. Tôi biết đờn, biết ca từ năm 16 tuổi, đến năm 18 tuổi thì nó “ăn vào máu” nên mê luôn. Thời gian trước do chiến tranh, rồi vợ bệnh nên tôi không có điều kiện tham gia. Sau này khi các con lớn, vì mê quá nên có khi tôi phải qua tận Tây Ninh “chơi”. Giờ Bình Phước đã có nhiều CLBĐCTT nên tôi không phải đi xa nữa.
Ngọc Bình - tài tử ca nòng cốt của CLBĐCTT xã Tiến Thành
Theo ông Hoàng Mau, Phó chủ nhiệm CLBĐCTT tỉnh Bình Phước, hiện toàn tỉnh có 11 CLBĐCTT hoạt động thường xuyên với khoảng hơn 100 thành viên thuộc các huyện, thị trong tỉnh trong đó CLBĐCTT xã Tiến Thành hoạt động hiệu quả và có nhiều hạt nhân nòng cốt nhất. CLB này hiện thu hút nhiều tài tử ca, tài tử đờn các huyện, thị về tham gia, trong số đó phải kể đến Ngọc Bình (Bù Đăng), vợ chồng Bùi Sỹ Chính - Hoàng Thị Xuyến (Bù Gia Mập), vợ chồng Hoàng Hai - Nguyễn Thị Thanh Nga (Đồng Phú)... thường xuyên tham gia.
Có công dẫn dắt và duy trì CLBĐCTT xã Tiến Thành hoạt động sôi nổi từ những năm 2006 đến nay phải kể đến ông Nguyễn Thái Trào (Bảy Trào), Chủ nhiệm CLB. Cũng xuất phát từ niềm đam mê đờn ca tài tử của một người con xa quê (Trà Vinh) khi đến Bình Phước lập nghiệp, với mong muốn lưu giữ và phát huy nét văn hóa đặc trưng này nên ban đầu ông Trào kêu gọi 10 hộ lân cận tại ấp Bưng Trang, xã Tiến Thành (TX. Đồng Xoài) cùng quê với mình tham gia sinh hoạt. Lúc đầu ai có gì “chơi” đó, chủ yếu vẫn là hát “chay” để đỡ nhớ quê và giải trí. Sau đó, thấy phong trào lên, ai cũng nhiệt tình nên ông Bảy Trào tự bỏ tiền mua dàn âm thanh, micro để phục vụ mọi người. Từ đó, tiếng đồn vang xa, các hạt nhân tìm đến ngày càng nhiều, từ 10 thành viên ban đầu nay đã có 26 thành viên, cao tuổi nhất 76, nhỏ nhất 25.
Đến khi tham gia lớp tập huấn ĐCTT do Trung tâm Văn hóa tỉnh tổ chức thì các nghệ nhân trong tỉnh biết nhiều hơn về CLBĐCTT xã Tiến Thành và tìm đến tham gia ngày càng đông. Vợ chồng tài tử Bùi Sỹ Chính - Hoàng Thị Xuyến ở Phú Riềng cho biết: Được các nghệ nhân dân gian Hoàng Tấn, Bạch Huệ hướng dẫn, thành viên các câu lạc bộ rất phấn khởi. Ngoài việc truyền giảng các kiến thức ca, đờn bài bản, nghệ nhân còn hướng dẫn các thành viên biết giữ hơi, lấy nhịp và biết thêm nhiều thể điệu mới. Đa số các thành viên cho rằng nhu cầu tìm hiểu và phát triển loại hình văn hóa ĐCTT ở Bình Phước còn rất lớn.
Chị Xuyến chia sẻ: Vợ chồng mình quê Thanh Hóa, vào Bình Phước lập nghiệp và “phải lòng” ĐCTT. Ông xã mình rất mê, còn mình ban đầu tham gia cho vui, nhưng dần dần yêu thích lúc nào không biết. Ai chơi ĐCTT cũng phải công nhận càng chơi càng “thấm”, nó không còn là văn hóa mà trở thành món ăn tinh thần của nhiều người, không kể già trẻ, gái trai, sang hèn và có thể “chơi” mọi chỗ, không cần sân khấu cũng hát được.
Là thành viên tham gia CLB được thời gian, anh Nguyễn Đình Phước cho rằng: Đam mê ĐCTT đã khiến cuộc sống của anh thêm thi vị, bản thân anh có thêm niềm vui. Là dân Bình Dương lên Bình Phước lập nghiệp, anh nghe ĐCTT nhiều đến mức giờ đây cuộc vui nào anh cũng có thể ca vài bài và thấy mình “nhẹ tênh”.
Sức sống mãnh liệt của ĐCTT ngày càng được phát huy trong gia đình ông Nguyễn Văn Tá, ở ấp Thạch Màng. Trước tin vui ĐCTT được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, ông tâm sự: Tôi mừng vì ĐCTT không chỉ là nét văn hóa và món ăn tinh thần của riêng người Nam bộ mà đã trở thành tài sản chung của thế giới. ĐCTT sẽ được giữ gìn, phát huy và phát triển hơn, bản thân tôi cũng không còn lo sẽ bị mai một như trước nữa. “ĐCTT độc đáo bởi không giống các loại nhạc khác, nghe gần gũi, dân dã, mộc mạc và rất mùi mẫn”. Ông Tá nói thêm: “Tôi ước mình mạnh khỏe thêm 4 năm nữa để “chơi” ĐCTT cho đến 80 tuổi, có thêm thời gian để dạy cháu hát rành vài bài, kéo thêm một thế hệ nữa để gia đình tôi có 5 thế hệ mê ĐCTT”.
Giữa không gian thoáng đãng tại vườn điều nhà anh Bảy Trào ở ấp Bưng Trang, xã Tiến Thành, sau mỗi bài ca, người kéo đến ngày càng đông. Sau vài câu vọng cổ mùi mẫn, những loạt pháo tay vang lên. Trên sân khấu cây nhà lá vườn, tài tử ca say sưa, mặt ửng đỏ. Các tài tử đờn thả hồn theo phím đàn. Còn phía dưới những ánh mắt dõi về sân khấu, tay vỗ nhẹ theo nhịp và chăm chú theo dõi, hết bản này đến bản khác. Trời đất vào xuân và lòng người rộn rã cùng tiếng đàn, tiếng hát.
Phương Dung
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065