BP - Theo quy định của Bộ luật Dân sự hiện hành, có 8 biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự. Trong đó có 7 biện pháp được quy định tại Điều 318 như sau: Các biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự bao gồm: Cầm cố tài sản; thế chấp tài sản; đặt cọc; ký cược; ký quỹ; bảo lãnh; tín chấp. Trong trường hợp các bên có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định về biện pháp bảo đảm thì người có nghĩa vụ phải thực hiện biện pháp bảo đảm đó.
Biện pháp thứ 8 được quy định tại Điều 322, với nội dung như sau: Các quyền tài sản thuộc sở hữu của bên bảo đảm bao gồm quyền tài sản phát sinh từ quyền tác giả, quyền sở hữu công nghiệp, quyền đối với giống cây trồng, quyền đòi nợ, quyền được nhận số tiền bảo hiểm đối với vật bảo đảm, quyền tài sản đối với phần vốn góp trong doanh nghiệp, quyền tài sản phát sinh từ hợp đồng và các quyền tài sản khác thuộc sở hữu của bên bảo đảm đều được dùng để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự. Như vậy, có tất cả 8 biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự, gồm: Cầm cố tài sản; thế chấp tài sản; đặt cọc; ký cược; ký quỹ; bảo lãnh; tín chấp và bảo đảm.
Tuy nhiên, trước sự phát triển mạnh mẽ của xã hội hiện nay, các biện pháp trên không điều chỉnh hết các mối quan hệ mới phát sinh về quyền đối với tài sản. Vì vậy, trong dự thảo Bộ luật Dân sự sửa đổi, ban soạn thảo đã bổ sung thêm 4 biện pháp mới trong Điều 299 như sau: Cầm giữ tài sản; bảo lưu quyền sở hữu; quyền được thanh toán trước; biện pháp bảo đảm khác trong trường hợp luật khác có liên quan quy định. Như vậy, các biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ trong Điều 299 bao gồm: Cầm cố tài sản; thế chấp tài sản; cầm giữ tài sản; bảo lưu quyền sở hữu; đặt cọc; ký cược; ký quỹ; bảo lãnh; quyền được thanh toán trước; tín chấp; biện pháp bảo đảm khác trong trường hợp luật khác có liên quan quy định.
Tôi hoàn toàn nhất trí với ban soạn thảo về việc bổ sung thêm 4 biện pháp trên, vì việc cầm giữ tài sản của người có tài sản nhưng người đó không muốn bán, cho tặng, song họ lại cần có tiền để thanh toán cho một giao dịch khác là nhu cầu cần thiết của cả người cầm giữ và người có tài sản muốn cầm cố. Và nhu cầu này không phải đến bây giờ mới phát sinh, mà nó đã có từ lâu trong đời sống, nhưng pháp luật chưa điều chỉnh tới vấn đề này mà thôi. Vì vậy, đây là biện pháp cần thiết nhằm để người có tài sản cho người khác vay mượn. Tương tự như vậy, biện pháp bảo lưu quyền sở hữu cũng là biện pháp cần thiết đối với người có tài sản, nhất là tài sản thuộc lĩnh vực trí tuệ. Cụ thể là một nhà văn, nhà thơ hay nhạc sĩ, dù đã chết thì quyền sở hữu đối với những tác phẩm vẫn thuộc về họ hoặc người thừa kế được ủy quyền trước khi người có tác quyền qua đời. Và biện pháp quy định về quyền được thanh toán trước cũng vậy, nó rất cần thiết cho giao dịch dân sự. Đây là quy định mới, song mang tính xã hội và nhân văn cao. Với quy định này, người có tài sản mang đi cầm cố, ký quỹ, đặt cọc hay thế chấp... có quyền được thanh toán trước để tự mình quản lý tài sản của mình, đồng thời giảm được chi phí cầm cố trong lúc họ đang gặp khó khăn.
Thứ hai, biện pháp mới bổ sung thứ tư trong điều luật này là biện pháp bảo đảm khác trong trường hợp luật khác có liên quan quy định. Mặc dù là quy định mới, song nó được phát triển trên cơ sở phần cuối của Điều 318 trong Bộ luật Dân sự hiện hành. Cụ thể, phần cuối của Điều 318 có nội dung như sau: Trong trường hợp các bên có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định về biện pháp bảo đảm thì người có nghĩa vụ phải thực hiện biện pháp bảo đảm đó. Tuy nhiên, ở biện pháp thứ tư trong Điều 299 của dự thảo Bộ luật Dân sự sửa đổi đã quy định rõ hơn, rộng hơn và cụ thể hơn.
Thứ ba, vì nghĩa vụ cuối cùng trong giao dịch dân sự trong lĩnh vực này là tài sản, do đó tôi đề nghị bỏ hết các cụm từ “tài sản” ở sau các biện pháp bảo đảm, chỉ cần gọi đúng tên các biện pháp như: Cầm cố, thế chấp, cầm giữ, bảo lưu quyền sở hữu, đặt cọc, ký cược, ký quỹ, tín chấp và bảo lãnh. Vì quy định như vậy vừa thống nhất, lại vừa không gây nhầm lẫn, đồng thời ngắn gọn và dễ hiểu, dễ thực thi.
N.V
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065