Thứ nhất, bên cạnh quyền sở hữu, dự thảo bộ luật ghi nhận cụ thể một số quyền của một chủ thể đối với tài sản thuộc quyền sở hữu của chủ thể khác đang tồn tại khách quan trong đời sống KT-XH, như chiếm hữu, địa dịch, quyền hưởng dụng, quyền bề mặt, quyền ưu tiên. Sự bổ sung này có ý nghĩa quan trọng nhằm cụ thể hóa nội dung, tinh thần của Hiến pháp về sở hữu toàn dân, sở hữu tư nhân; về xây dựng, hoàn thiện thể chế kinh tế và điều tiết nền kinh tế trên cơ sở tôn trọng các quy luật thị trường; việc Nhà nước khuyến khích, tạo điều kiện để doanh nhân, doanh nghiệp và cá nhân, tổ chức khác đầu tư, sản xuất, kinh doanh; về nguyên tắc tài sản hợp pháp của cá nhân, tổ chức đầu tư, sản xuất, kinh doanh được pháp luật bảo hộ và không bị quốc hữu hóa.
Thứ hai, dự thảo bộ luật quy định về căn cứ xác lập, chấm dứt, điều kiện đối kháng và thời điểm chuyển giao vật quyền. Trong đó,vật quyền chỉ được xác lập trong trường hợp hiến pháp, bộ luật này và luật khác có liên quan có quy định; việc xác lập vật quyền, việc đối kháng với người thứ ba đối với bất động sản được coi là có hiệu lực kể từ thời điểm đăng ký, đối với động sản thì có hiệu lực kể từ thời điểm động sản được chuyển giao, trừ trường hợp luật này và luật khác có liên quan quy định khác.
Thứ ba, dự thảo đã bổ sung nhiều quy định có tính nguyên tắc nhằm tăng cường cơ chế bảo vệ quyền sở hữu và các vật quyền khác, trong đó có quy định: Không ai có thể bị hạn chế, bị tước đoạt trái luật quyền sở hữu và vật quyền khác. Trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng thì quyền sở hữu và vật quyền khác có thể bị hạn chế theo quy định của luật. Trong trường hợp thật cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh hoặc vì lợi ích quốc gia, tình trạng khẩn cấp, phòng chống thiên tai, Nhà nước trưng mua hoặc trưng dụng có bồi thường tài sản của tổ chức, cá nhân theo giá thị trường, trừ trường hợp luật quy định khác.
Thứ ba, dự thảo đã bổ sung một chương riêng về chiếm hữu nhằm: Một là góp phần giải quyết một cách thiện chí các tranh chấp về tài sản có thể phát sinh trong xã hội; Hai là tạo cơ sở pháp lý để xác định người nào đang thực tế chiếm hữu vật thì người đó được suy đoán là người có quyền đối với tài sản đó; (iii) Tạo cơ sở pháp lý để công nhận quyền của người thứ ba ngay tình đối với tài sản khi xác lập giao dịch với người đang chiếm hữu tài sản đó.
Thứ tư, dự thảo cũng đã cụ thể hóa quy định của hiến pháp về sở hữu và trên cơ sở nguyên tắc việc xác định các hình thức sở hữu dựa vào sự khác biệt trong cách thức thực hiện các quyền năng của chủ sở hữu, dự thảo Bộ luật quy định 2 hình thức sở hữu trong giao lưu dân sự gồm: Một là sở hữu riêng, hai là sở hữu chung. Trong đó, sở hữu riêng là sở hữu của một chủ thể, bao gồm cá nhân, pháp nhân; sở hữu chung là sở hữu của nhiều chủ thể. Trong hai hình thức sở hữu này cũng đã bao gồm sở hữu tư nhân và sở hữu toàn dân. Khi tham gia vào các quan hệ dân sự, quyền của chủ sở hữu thuộc các hình thức sở hữu đều được bảo vệ bình đẳng trước pháp luật không phụ thuộc vào tính chất sở hữu, thành phần kinh tế, tài sản thuộc sở hữu toàn dân hay tài sản thuộc sở hữu tư nhân. Liên quan đến tài sản thuộc sở hữu toàn dân, dự thảo Bộ luật quy định, đất đai, tài nguyên nước, tài nguyên khoáng sản, nguồn lợi ở vùng biển, vùng trời, tài nguyên thiên nhiên khác và các tài sản do Nhà nước đầu tư, quản lý là tài sản công thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý, sử dụng theo quy định của Hiến pháp, bộ luật này và các luật khác có liên quan. Trong trường hợp tài sản công là đối tượng của các quan hệ dân sự thì áp dụng chế độ pháp lý chung về sở hữu được quy định tại Bộ luật Dân sự.
Thứ năm là về địa dịch, dự thảo Bộ luật quy định địa dịch là một quyền của chủ sở hữu bất động sản đối với bất động sản liền kề hoặc xung quanh thuộc quyền sở hữu của chủ thể khác. Địa dịch có thể phát sinh do địa thế tự nhiên của bất động sản, theo quy định của pháp luật hoặc theo thỏa thuận của các chủ sở hữu.
Thứ sáu là về quyền hưởng dụng, dự thảo quy định theo hướng quyền hưởng dụng là một quyền mà chủ thể có quyền đó được khai thác công dụng và hưởng hoa lợi, lợi tức từ vật thuộc quyền sở hữu của chủ thể khác, với điều kiện việc thực hiện quyền này không được làm thay đổi tính chất, tính năng sử dụng của vật đó. Đối tượng của quyền hưởng dụng có thể là bất động sản và động sản. Quyền hưởng dụng được xác lập theo quy định của luật, theo thoả thuận hoặc hành vi pháp lý đơn phương. Thời hạn của quyền hưởng dụng do các bên thỏa thuận hoặc do luật định nhưng tối đa chỉ đến hết cuộc đời của người hưởng dụng đầu tiên.
Thứ bảy là về quyền bề mặt, dự thảo quy định theo hướng, quyền bề mặt là quyền của chủ thể được sử dụng mặt đất, khoảng không trên mặt đất và lòng đất mà quyền sử dụng đất đó thuộc về người khác. Quyền bề mặt được xác lập theo thỏa thuận, theo cam kết đơn phương hoặc theo quy định của bộ luật này, luật khác có liên quan. Đối tượng của quyền bề mặt có thể là vật cụ thể gắn với đất hoặc là phần không gian, theo đó vật gắn với đất sẽ được tạo lập. Vật cụ thể gắn với đất có thể là vật nằm trên bề mặt đất, nằm dưới mặt đất hoặc phần không gian trên mặt đất. Chủ thể quyền bề mặt có đầy đủ các quyền, nghĩa vụ của chủ sở hữu đối với vật đó. Trong trường hợp đối tượng của quyền là phần không gian mà trong đó các vật gắn với đất có thể được tạo lập thì chủ sở hữu phần không gian có quyền xây dựng, trồng cây, canh tác và có đầy đủ các quyền, nghĩa vụ của chủ sở hữu đối với vật mới được tạo ra.
Thứ tám, về quyền ưu tiên, dự thảo quy định theo hướng, quyền ưu tiên (quyền lấy trước) là quyền của chủ thể có quyền lợi trong một quan hệ pháp luật được ưu tiên thanh toán trước các chủ thể có quyền khác. Quyền ưu tiên là một trong những loại vật quyền luật định, chỉ phát sinh trong một số trường hợp pháp luật quy định khi đáp ứng một số điều kiện nhất định, đây là quyền đương nhiên được pháp luật bảo vệ, không phụ thuộc ý chí của các chủ thể khác.
Hải An
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065