Kiện tướng vật cổ truyền Nguyễn Văn Quang
Điểm hẹn của các đô vật
Đã thành thông lệ, hội vui xuân diễn ra trong 3 ngày, từ mồng 4 đến sáng mồng 6 tháng Giêng với nhiều chương trình mang đậm chất lễ hội. Long Hà hiện là xã duy nhất ở huyện Bù Gia Mập giữ được nét văn hóa này và thu hút đông đảo người dân tham gia. Không phải ngẫu nhiên vật cổ truyền tồn tại lâu dài ở đây, bởi ngoài vui chơi giải trí còn là môn thể thao hữu ích giúp rèn luyện sức khỏe. “Hội vui xuân năm nào cũng thành công, nhận được sự tham gia tích cực của các tầng lớp nhân dân trong, ngoài huyện” - ông Trương Bá Phương, Phó chủ tịch UBND xã Long Hà cho biết.
Đấu vật là hoạt động chủ yếu dùng sức, nhưng đòi hỏi sự khéo léo, nhanh nhẹn, dẻo dai. Khi giao đấu, hai bàn tay của đô vật mở xòe để dễ dàng cầm nắm, quăng quật. Vật có nhiều thế, nhiều miếng. Có những miếng đánh trong tư thế bất ngờ, có miếng đánh trong lúc giằng co hoặc đánh trong tư thế nằm bò.
Theo anh Ngô Văn Hưng (1979) ở thôn 8 - một trong mười đô vật có tiếng ở xã Long Hà, môn vật thường có một số đòn, miếng thông dụng như: “Kê - dùng hông hoặc vai làm điểm tựa để quăng ngã đối thủ. Ngáng (hay cản) - dùng chân quét hay gạt, cản chân đối thủ làm mất thăng bằng phải ngã. Đệm - dùng đầu gối hay bắp đùi lót đằng sau chân đối thủ rồi dùng sức gạt, đẩy, xô đối thủ té ngửa...”.
Mỗi “đấu” tham gia khoảng 30 giải, đầu tiên vượt qua giải “khảo lèo” - mỗi người phải thắng được 2 đối thủ. “Phá giải” - được quyền phá giải nhất, nhì, ba tùy sức mỗi đấu để phá loại giải tương đương. Ở mỗi loại giải, nếu là người giữ giải thì phải thắng được 3 đối thủ mới được nhận và giữ giải.
Có đất dụng võ
Năm 1996, thầy Quang đã đoạt HCV giải trẻ toàn quốc (từ 14 đến 16 tuổi); HCB giải vô địch dân tộc; HCĐ giải kiện tướng quốc gia cấp 1, hạng cân 42kg. Năm 1997, đoạt 1 HCV giải trẻ toàn quốc (lứa tuổi từ 17 đến 18). Năm 1999, đoạt HCB giải vận động toàn quốc hạng cân 55kg. Trong thời gian học tại Trường cao đẳng sư phạm thể dục - thể thao Hà Tây, năm nào thầy cũng đoạt 3 huy chương ở hạng cân 58-62kg. |
Thầy Nguyễn Văn Quang (1978) sinh ra và lớn lên ở vùng đất nổi tiếng về các lò vật, thôn Yên Nội, xã Đồng Quang, huyện Quốc Oai (Hà Nội) - nơi sản sinh ra nhiều kiện tướng vật. Nét văn hóa đó đã thấm vào máu của người thầy dạy môn Thể dục của Trường THCS Ngô Quyền (xã Long Hà).
Lúc nhỏ, mỗi lần trống vật vang lên là trong người Nguyễn Văn Quang rạo rực. Từ đam mê đến hành động, những lúc đi chăn trâu, bò, rảnh rỗi Quang rủ bạn cùng tập luyện, truyền cho nhau từng thế vật, miếng vật... rồi tham gia sát hạch để vào lớp mục tiêu của đội tuyển Trường THCS Đồng Quang năm 1995. Được huấn luyện bài bản, anh Quang được chọn vào đội tuyển của tỉnh Hà Tây (cũ) tham gia thi đấu giải trẻ hạng cân 39kg và đoạt huy chương vàng toàn quốc. “Thời điểm đó, môn vật có 3 giải lớn trong năm - giải trẻ, giải vô địch dân tộc, giải dân tộc và tôi thường đoạt cả 3 giải” - thầy Quang kể.
Khi đến quê hương thứ hai Bình Phước làm việc, kiện tướng Nguyễn Văn Quang không khỏi tiếc nuối khi rời đất vật. Nhưng thật may mắn vì hàng năm tại xã Long Hà đều tổ chức lễ hội vui xuân, trong đó có môn vật cổ truyền. “Tôi như tìm thấy vị tết quê. Lễ hội ở Long Hà có thể thao, có đánh đu, đặc biệt là vật cổ truyền... Ở đó, tôi được gặp các đô vật đồng hương, đô vật từ trong và ngoài xã đến giao lưu. Có thể nói, vật cổ truyền là linh hồn tại hội vui xuân xã Long Hà” - kiện tướng Nguyễn Văn Quang nói.
Mong có lò đào tạo môn vật
Ở Long Hà hiện có rất nhiều thanh thiếu nhi thích môn vật cổ truyền. Nhưng do chưa có điều kiện để mở lò vật nên gần tết Nguyên đán, các đô vật mới tập luyện.
“Các tỉnh phía Bắc có truyền thống đấu vật từ ngàn năm nay nên các huyện, thị thường tổ chức thi đấu; đồng thời có sân chơi, trao giải nên các đô vật được cọ xát và tiếp thêm động lực tập luyện. Bù Gia Mập hiện chỉ còn xã Long Hà duy trì được môn vật cổ truyền, nhưng hiện cũng đang dần mai một... Các đô vật trong xã năm nào cũng gặp nhau thi đấu nên dễ nhàm chán. Còn các đô ở xã khác tham gia chỉ giao lưu là chính” - thầy Quang cho biết.
“Cách đây 10 năm, Sở Văn hóa - thể thao và du lịch gợi ý cho xã mở lò vật nhưng do khó khăn về kinh phí, quỹ đất không có nên vẫn chưa thực hiện được” - ông Vương Sỹ Toán, Chủ tịch UBND xã Long Hà chia sẻ.
Vật cổ truyền, trong đó có đấu vật ở xã Long Hà đã góp phần thổi hồn vào hội vui xuân, làm nên hương vị tết và giữ được nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc Việt Nam. Để vật cổ truyền được duy trì và phát triển rất cần sự quan tâm hỗ trợ từ ngành văn hóa - thể thao tỉnh và sự đóng góp của các mạnh thường quân, góp phần làm phong phú nền thể thao tỉnh nhà.
Ngọc Bích
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065