Tôi vội vàng đọc thư, nhưng đầu thư em cũng hỏi thăm sức khỏe, thông báo tình hình của thầy mẹ tôi, chỉ khác là giọng điệu trong thư nghe buồn buồn. Em viết: Lớp do em làm chủ nhiệm mới tổ chức họp phụ huynh đầu năm. Lớp có ba mươi ba em mà có tới ba chục em cha mẹ đi làm ăn xa, phần lớn là mẹ đi làm nghề đồng nát, cha làm thợ xây, bốc vác hoặc xe ôm ở các tỉnh, thành. Họ đi làm quanh năm, thuê nhà ở trong những xóm trọ tồi tàn ven đô. Còn ở làng quê, những đứa trẻ được giao cho ông bà nuôi. Gia đình nào không có ông bà thì gửi cô dì, chú bác. Hằng tháng hoặc vài tháng họ gửi tiền về một lần. Thế nên cuộc họp phụ huynh đầu năm học, lớp do em tôi làm chủ nhiệm chỉ lèo tèo mấy ông bà già. Không thấy một ông bố, bà mẹ nào mang con đến trường trong ngày khai giảng và họp phụ huynh. Hèn gì mà các em đến trường trong cảnh đầu bù tóc rối, áo quần xộc xệch, đồ dùng học tập thiếu thốn. Và gương mặt các em mang một vẻ ngơ ngác tồi tội chứ không rạng rỡ giống như những bức hình trên sách báo, tivi.
Lớp học tại Trường tiểu học Đắk Á, xã Bù Gia Mập, huyện Bù Gia Mập, nơi có 80% học sinh là đồng bào dân tộc thiểu số - Ảnh: Vũ Thuyên
Tôi hình dung gương mặt buồn hiu của em gái khi từ trường về nhà. Thầy mẹ tôi sinh được bốn người con, chỉ em chọn nghề giáo. Ngày thi vào sư phạm, em bảo lực học của mình không thể đỗ đại học nên em thi cao đẳng sư phạm, nghĩa là vì chuyện đỗ đạt mà em chọn nghề. Ra trường, em được phân công dạy ở một xã vùng sâu, cách nhà gần bảy cây số. Dần dà em trở nên gắn bó và yêu nghề như thể em sinh ra để làm cô giáo vậy. Trẻ con vùng sâu nhút nhát, hễ bị cô gọi lên đọc bài là cho tay vào miệng mút hoặc kéo vạt áo lên nhai, nước mắt ràn rụa. Thế nên những ngày đầu năm học em rất vất vả. Buổi trưa em ở lại văn phòng nhà trường, mang theo mì gói để chống đói, chờ đến đầu giờ chiều em gom những đứa nói ngọng và nhút nhát lại để tập hát, bẻ mì gói sống để cô trò cùng ăn. Bằng cách ấy em đã sớm gần gũi với đám trẻ nhút nhát vùng sâu, để dìu dắt các em qua ngưỡng cửa của bậc phổ thông. Thế nhưng tình hình lớp học năm nay khiến em bị sốc. Em bảo không biết bắt đầu từ đâu khi đám trẻ đến trường không có đồ dùng học tập mà cha mẹ chúng không có nhà. Lại có những cụ ông, cụ bà đi họp phụ huynh cho cháu nhưng tai điếc ngễnh ngãng và không biết chữ nên cũng không nắm được gì để về nhắc con, nhắc cháu. Có người thấy cô giáo đến gần thì cứ tưởng đòi tiền đóng góp nên hét vào tai em: Cứ cho bọn trẻ học đi, vài tháng nữa cha mẹ chúng gửi tiền về rồi gia đình sẽ đóng!
Câu chuyện của em gái tôi qua lá thư tay, tôi từng đọc trên các báo, tạp chí. Và bây giờ nó đang tác động trực tiếp đến người thân của tôi. Hèn gì mà những năm qua, cứ vào dịp hè em lại gọi điện xin tôi những áo quần, đồ dùng cũ để sửa lại, đầu năm học mang cho đám trẻ vùng sâu. Em lo lắng những đứa trẻ vắng cha mẹ ở cái tuổi đang rất cần người lớn kèm cặp, dạy dỗ rồi sẽ ra sao? Nhưng dẫu em có quan tâm đến mấy thì cũng không thể thay được cha mẹ chúng. Mà cũng chẳng có chế tài gì bắt cha mẹ các em ở nhà trông coi con cái. Là nông dân mà ruộng nương chẳng còn bao nhiêu nên họ phải kéo nhau về các đô thị kiếm sống. Bởi ngoài chuyện con cái được học hành, họ cần phải sống đã!
Cuối thư em kỳ vọng tôi là nhà báo thì sẽ có cách cảnh báo tình hình này. Bởi đã nhiều năm rồi, những đứa trẻ vùng sâu nơi em dạy cứ lớn dần lên mà không có cha mẹ kèm cặp, dạy dỗ. Họ cứ mải miết với miếng cơm manh áo ở tận nơi nào, phó mặc con cho nhà trường và những ông già bà cả như thế. Nhưng tôi biết làm gì đây? Ngoài việc tích cực gom những áo quần, đồ dùng cũ gửi về cho em, tôi cũng chỉ biết viết lại câu chuyện này để chia sẻ với nhiều người vậy!
Thảo Linh
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065