Với những người tâm huyết với nền giáo dục nước nhà thì đây không phải là trường hợp cá biệt. Thời gian qua, tại nhiều trường từ tiểu học, THCS, THPT đến cao đẳng, đại học vẫn xảy ra tình trạng thổi phồng thành tích. Những con số rất ấn tượng, đại loại như “tỷ lệ lên lớp 100%, tỷ lệ học sinh khá, giỏi trên 70%, tỷ lệ tốt nghiệp đạt 100%...” được nhiều trường “nổ” rất hoành tráng vào dịp tổng kết năm học. Thế nhưng trên thực tế, chất lượng giáo dục của chúng ta đang ở đâu vẫn là câu hỏi chưa có câu trả lời. Việc để học sinh “ngồi nhầm lớp” trước hết do giáo viên thiếu tinh thần trách nhiệm, không thực hiện đúng quy chế chuyên môn, không báo cáo thật chất lượng học sinh, không có giải pháp khắc phục tình trạng yếu kém. Đồng thời, Ban giám hiệu trường buông lỏng quản lý chỉ đạo, thiếu sâu sát thực tế, không thực hiện đầy đủ các quy định về quản lý chất lượng. Công tác thanh tra còn mang tính hình thức “cưỡi ngựa xem hoa” dẫn đến sự lỏng lẻo, không phát hiện được sai sót, tiêu cực.
Đây là hậu quả của căn bệnh thành tích đã “di căn” trong ngành giáo dục từ lâu. Đó là những danh hiệu thi đua trong từng năm học của thầy và trò, của trường, cao hơn là của phòng, của sở. Thầy cô nào cũng muốn lớp mình đạt tiên tiến để được tuyên dương, khen thưởng. Lớp nào thực chất thì giáo viên chủ nhiệm đỡ lo. Lớp nào chưa thực chất thì không ít giáo viên chủ nhiệm mang sổ đến giáo viên bộ môn xin điểm và tự mình nâng điểm để nhiều em đạt học sinh giỏi, học sinh tiên tiến, không có học sinh ở lại lớp. Đồng thời, chính các bậc phụ huynh cũng mang bệnh thành tích. Họ sẵn sàng “vì tương lai con em chúng ta” mà cầm sổ chạy ngược chạy xuôi xin nâng điểm cho con em mình. Ban giám hiệu đôi khi biết giáo viên chủ nhiệm và phụ huynh làm như thế là sai nhưng vẫn cố tình lờ đi vì sợ ảnh hưởng đến thành tích của trường. Điều đó vô hình đã tạo nên những sai phạm “có hệ thống”, từ giáo viên, phụ huynh và nhà trường. Nhưng nguy hiểm hơn nó đã tạo cho học sinh thái độ chủ quan, ỷ lại với suy nghĩ dù học lực yếu đến mấy đi nữa thì cuối năm cũng sẽ được... đẩy lên!?
Còn nhớ cách đây gần 9 năm, ngày 28-7-2006, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thiện Nhân đã ký ban hành kế hoạch tổ chức cuộc vận động “Nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục”. Lãnh đạo bộ và giám đốc các sở GD-ĐT ký bản cam kết gửi lên Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ. Bộ tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 33/2006/CT-TTg về “Chống tiêu cực và khắc phục bệnh thành tích trong giáo dục”. Với cách làm quyết liệt, bảng thành tích của ngành giáo dục cuối năm học 2006-2007 đã thay đổi rõ rệt qua kết quả tốt nghiệp THPT giảm gần 30% so với năm học trước. Tuy nhiên, vì những danh hiệu thi đua, khen thưởng và bệnh thành tích mà chỉ sau đó không lâu, mọi thứ vẫn đâu vào đấy với tỷ lệ đậu tốt nghiệp THPT “cao chót vót”. Nhiều ý kiến cho rằng, muốn chữa khỏi căn bệnh thành tích trong giáo dục cần sự chung tay của gia đình, nhà trường và toàn xã hội, trong đó ngành giáo dục đóng vai trò quyết định.
Chính Trực
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065