BP - Nó rất lạ lùng. Nó có không gian văn hóa nhưng không hiểu sao không ai đến. Không biết có phải do thiếu sự quan tâm của ban giám hiệu nhà trường hay bây giờ không ai cần đến văn hóa nữa?! Hàng loạt câu hỏi đan xen với bao nỗi niềm trắc ẩn của Giám đốc Bảo tàng tỉnh Phạm Hữu Hiến sau khi tổ chức lễ công bố, trưng bày, biểu diễn đàn đá Lộc Hòa được công nhận là bảo vật quốc gia trong 10 ngày từ ngày 2 đến 10-9 tại Trung tâm Văn hóa tỉnh. Trước khi tổ chức trưng bày và giới thiệu, ban tổ chức có thư mời tất cả các trường học trên địa bàn thị xã Đồng Xoài đến dự và thưởng thức không gian nghệ thuật đàn đá Lộc Hòa. Thế nhưng, chỉ duy nhất Trường phổ thông Dân tộc nội trú THPT tỉnh và 40 học sinh của Trường THPT Đồng Xoài đến dự. Lạ hơn là ngay cả giáo viên Lịch sử, giáo viên Âm nhạc của các trường trên địa bàn thị xã Đồng Xoài không một ai đến dự, không một ai tìm hiểu nguồn gốc, thang âm cũng như không gian văn hóa đàn đá Lộc Hòa có từ thời tiền sử, cách đây 2.700 đến 3.200 năm.
Phiên bản đàn đá Lộc Hòa biểu diễn tại Hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Bình Phước 2018
Nhiều học giả từng thừa nhận những cây “đàn đá tiền sử” không chỉ nổi tiếng thời đại đàn đá Việt Nam mà còn là loại hình nhạc cụ nổi tiếng, một nhạc cụ độc đáo có một không hai trên thế giới được biết đến cho đến ngày nay. Di vật đàn đá Lộc Hòa còn được biết đến như một thành phẩm văn hóa nghệ thuật, là tiếng nhạc rừng của riêng vùng cao Tây Nguyên và châu thổ Nam bộ Việt Nam trong gần 100 năm từ cuối thiên niên kỷ 2 đến giữa thiên niên kỷ 2 trước Công lịch.
Trong 2 năm sau khi tái lập tỉnh (1998-1999), Bình Phước còn nhiều khó khăn nhưng cũng dành 79 triệu đồng để nghiên cứu, khảo cổ đàn đá Lộc Hòa làm cơ sở khoa học cùng với hàng loạt công việc khác từ đó đến nay mới được công nhận là bảo vật quốc gia theo Quyết định số 2089 ngày 25-12-2017 của Thủ tướng Chính phủ. Giám đốc Bảo tàng tỉnh Phạm Hữu Hiến cho biết, bộ nhạc đàn đá Lộc Hòa nguyên bản đang được bảo vệ nghiêm ngặt. Ngành văn hóa đã rất nỗ lực mới phục dựng được một phiên bản mới để biểu diễn trước công chúng. Nói là biểu diễn nhưng nghệ sĩ sử dụng được nhạc cụ này hiện nay cũng rất hiếm hoi. Toàn tỉnh hiện chỉ có 6 nhạc sĩ sử dụng được loại nhạc cụ thuộc bộ gõ này. Tuy nhiên, để có được 6 nhạc sĩ biết chơi đàn đá, ngành văn hóa cũng mất một khoản chi phí đáng kể để mời các giáo sư âm nhạc gạo cội từ TP. Hồ Chí Minh về truyền dạy. Bảo tàng Bình Phước cũng đang mở lớp truyền dạy cách diễn xướng, diễn tấu đàn đá Lộc Hòa, nhưng từ khi thông báo đến nay cả năm trời chỉ có 4 học sinh đăng ký theo học. Số người đăng ký học quá ít nên không mở được lớp. Thế là chuyện truyền dạy cho thế hệ trẻ cũng đang gián đoạn.
Từ thực tế đã nêu cho thấy, công tác bảo tồn và phát huy mạch nguồn văn hóa đàn đá Lộc Hòa đang đứng trước nguy cơ mai một. Và nó sẽ mai một thật sự trong nay mai nếu thiếu đi sự quan tâm của toàn xã hội đối với một bảo vật cấp quốc gia!
Đông Kiểm
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065