BP - Ngày 25-1, nhiều trường tiểu học ở Hà Nội cho học sinh nghỉ học vì nhiệt độ xuống dưới 10oC. Việc này trước đó đã được Sở GD-ĐT Hà Nội thông báo tới các trường tiểu học trên địa bàn và thống nhất thông tin sẽ được phát trên Đài Truyền hình Việt Nam. Trong khi đó, những ngày qua ở một quốc gia Đông Á khác, tại Nhật Bản cũng đang trải qua đợt rét kỷ lục nhưng học sinh tiểu học của đất nước này vẫn... mặc quần đùi đi học như bình thường. Đó là sự khác biệt rất lớn trong cách giáo dục trẻ em ở Việt Nam và Nhật Bản, đồng thời cũng tạo nên sự khác biệt lớn của một công dân trong tương lai.
Tại Nhật Bản, bất kể mùa đông và lạnh giá thế nào, tại hầu hết trường tiểu học vẫn tổ chức các hoạt động ngoài trời cho học sinh tham gia bình thường, có khi còn... cởi trần mặc mỗi chiếc quần đùi trên người cùng hô to thể hiện quyết tâm vượt qua giá rét. Khi tham gia hoạt động ngoài trời, trẻ em Nhật Bản vẫn cởi trần chạy bộ trong cái lạnh có khi xuống tới 0oC.
Trời lạnh 0oC trẻ em Nhật Bản vẫn sinh hoạt ngoại khóa bình thường, còn cởi trần để rèn luyện sức đề kháng - Ảnh: Internet
Ngược lại, trẻ em Việt Nam luôn được bao bọc cẩn thận, thậm chí được nghỉ học ở nhà khi thời tiết dưới 10oC - Ảnh: Internet
Các bà mẹ người Nhật Bản biết chắc chắn con mình sẽ bị cảm lạnh, bị bệnh khi mặc quần đùi đi học bất kể mùa nào trong năm. Để cho chúng bị cảm, bị bệnh là... mục đích của cả nhà trường và phụ huynh. Bởi theo quan niệm của người Nhật, đó là cách tốt nhất để trẻ sau mỗi lần bị cảm, bị bệnh sẽ có sức đề kháng tốt hơn và trẻ em Nhật Bản sẽ mạnh mẽ hơn trẻ em các quốc gia khác. Nếu ai đã từng đọc bộ truyện tranh nổi tiếng “Bảy viên ngọc rồng” của Nhật Bản, hẳn không thể quên bộ tộc Xayda nổi tiếng từ hành tinh khác đến trái đất. Sau mỗi lần chiến đấu, bị thương thập tử nhất sinh, người Xayda khi khỏe lại sẽ trở nên mạnh hơn nhiều lần. Còn tôi thì cho rằng, đó là quan niệm, là hình tượng hóa chính dân tộc Nhật Bản và cũng chính là văn hóa của người Nhật.
Một người từng đi xuất khẩu lao động ở Nhật Bản 10 năm, khi trò chuyện với tôi đã cho biết: Trẻ em Nhật Bản khi bắt đầu đi học mẫu giáo, hằng ngày trước mỗi bữa ăn cả lớp tập trung cầm chén, muỗng gõ vào nhau và hát vang những lời cảm ơn cuộc sống đã cho bọn trẻ thức ăn. Trẻ em Nhật Bản được giáo dục tự lập và kỷ luật rất cao ngay từ khi vào tiểu học. Các em còn được học những bài học đầu tiên rằng, Nhật Bản là một nước nghèo tài nguyên, nhiều thiên tai, đặc biệt là động đất diễn ra thường xuyên, phải luôn sẵn sàng đối phó với núi lửa, sóng thần và những nguy hiểm rình rập trong cuộc sống. Để vượt qua khó khăn, điều đầu tiên là ngay từ khi còn nhỏ, trẻ em Nhật Bản phải tự vượt lên chính mình, chăm chỉ lao động, không ỷ lại người khác, dân tộc khác, quốc gia khác và phải luôn sáng tạo để tìm con đường phát triển cho tương lai. Từ bậc tiểu học, trẻ em Nhật Bản - một đất nước giàu có và phát triển bậc nhất thế giới ngày nay, phải đi bộ cả cây số đến lớp. Lên bậc trung học thì tự đi xe đạp hoặc xe buýt đến trường... Cha mẹ chia nhỏ quãng đường từ 10m, 20m, 100m rồi tăng dần theo thời gian để phù hợp với giai đoạn phát triển của trẻ. Đường đi bộ ít khi bằng phẳng mà thường gồ ghề, nhiều sỏi đá để tăng tính thử thách. Trẻ em Nhật có thể leo núi 4 tiếng đồng hồ là chuyện rất bình thường.
Dường như phương pháp giáo dục ở Việt Nam khác hoàn toàn với Nhật Bản. Ở trường học nước ta, trẻ em được học về đất nước Việt Nam giàu tài nguyên, có “rừng vàng biển bạc”, có vị trí địa lý thuận lợi để phát triển...Cuộc sống của trẻ em Việt Nam được bao bọc rất kỹ. Trường chỉ cách nhà vài trăm mét, cha mẹ cũng phải đưa đón. Trời lạnh thì quần áo quấn kín người, bật đèn điện sưởi ấm hoặc không cho ra đường. Trời nóng thì nhà nước cùng phụ huynh lắp máy lạnh trong phòng học... Không chỉ bao bọc trong độ tuổi trẻ em, khi trưởng thành, thanh niên Việt Nam vẫn được cha mẹ bao bọc, nuôi dưỡng cho đến khi học xong đại học, thậm chí còn xin việc, mua xe, mua nhà. Điều này trái ngược hoàn toàn so với cách giáo dục ở các nước phát triển. Do tự lập từ nhỏ, người Nhật Bản cũng như ở các nước phát triển, đủ 18 tuổi sẽ phải tự nuôi sống bản thân, phải vay tiền để đi học, khi ra trường phải cố gắng tìm việc làm, lao động tự lo cho mình và trả khoản nợ vay khi đi học.
Kết quả của phương pháp giáo dục trẻ em ở Việt Nam cho ra sản phẩm là những công dân lười sáng tạo tìm ra con đường phát triển mới, thụ động và phụ thuộc vào khai thác tài nguyên, ỷ lại lợi thế quốc gia, dân tộc, truyền thống của các thế hệ trước, khả năng tự lập kém và rất nhiều khuyết điểm khác... Còn ở Nhật Bản cũng như các nước phát triển khác, “sản phẩm” của họ là những công dân có khả năng ra sao, chắc ai cũng đã rõ.
Trần Phương
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065