Thực hiện Nghị quyết Trung ương 5, khóa VIII về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc đi vào thực chất, hiệu quả, ngày 23-12-1999, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 235/1999/QĐ - TTg về việc Thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương thực hiện Cuộc vận động phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”. Để đánh giá thực chất về kết quả thực hiện, ngày 2-9-2018, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì, phối hợp với Ban Chỉ đạo Trung ương tổ chức họp trực tuyến đến tất cả các tỉnh, thành, huyện, thị trong cả nước. Dự tại các đầu cầu có 1.500 đại biểu, với 11 bài tham luận đến từ Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam; các tỉnh, thành, ngành; các xã, phường, dòng họ tiêu biểu trong cả nước đã được bình chọn tham gia đăng đàn.
Sau gần 20 năm thực hiện Cuộc vận động, nhìn chung trên cả nước đã thu được nhiều thành tựu to lớn về văn hóa, xã hội, đó là: các phong trào thi đua yêu nước phát triển, xuất hiện nhiều tấm gương tiêu biểu trong đời sống xã hội như quên mình cứu người, hiến đất làm đường, làm trường học, các thầy cô giáo “cõng chữ lên non”, các phong trào văn nghệ, thể thao quần chúng ở cơ sở phát triển mạnh mẽ, các câu lạc bộ thơ, võ thuật, khiêu vũ, đàn ca, bóng bàn, cờ tướng, cầu lông, bóng chuyền, công tác xã hội từ thiện xuất hiện khắp mọi miền đất nước… Đặc biệt, hệ thống thiết chế văn hóa trong cả nước đã được các địa phương quan tâm đầu tư, xây dựng, sửa chữa, nâng cấp. Thông qua các buổi sinh hoạt ở cơ sở, đời sống vật chất và tinh thần của người dân không ngừng được nâng lên, các hoạt động thiết chế văn hóa luôn bám sát các nhiệm vụ chính trị, kinh tế, xã hội, tuyên truyền các nhiệm vụ chính trị của ngành, địa phương, đưa chủ trương đường lối của Đảng, chính sách pháp luật Nhà nước đi vào cuộc sống. Phong trào xây dựng nông thôn mới, các lễ hội văn hóa, thể thao truyền thống được duy trì, quy tụ các giai tầng, mọi lứa tuổi tham gia, làm giàu thêm đời sống văn hóa tinh thần, định hướng thẩm mỹ cho người dân biết trân quý những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc; thẩm định, bổ sung những giá trị tinh túy văn hóa ngoại du nhập vào Việt Nam.
Hiện nay trên toàn quốc có 69 thiết chế văn hóa cấp tỉnh; 647/713 quận huyện có Trung tâm Văn hóa - Thể thao hoặc Nhà văn hóa; Có 6.997/10.878 xã, phường, thị trấn có Nhà Văn hóa - Khu thể thao (đạt 64,3%); Có 3.257 thư viện cấp xã, với hơn 16.000 tủ sách công cộng. Nếu như năm 2000 có 17.651 thôn, ấp, bản, tổ dân phố được công nhận khu dân cư văn hóa thì đến nay đã có 69.024/106.382 (đạt 65%), trong đó trên 50% đạt chuẩn về cơ sở vật chất, hạ tầng kinh tế - xã hội, nông thôn mới. Đối với Bình Phước, những năm gần đây, toàn tỉnh có từ 92 đến 95% số hộ gia đình được công nhận gia đình văn hóa; các lễ hội truyền thống của đồng bào S’tiêng, Khơme, Mơnông... được phục dựng, tổ chức đều đặn; có gần 100 câu lạc bộ, trong đó tiêu biểu là các câu lạc bộ dưỡng sinh; 100% khu dân cư thôn, ấp có nhà văn hóa sinh hoạt cộng đồng. |
Phải khẳng định rằng, sau gần 20 năm phát động phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, hiện nay các khu dân cư làng xã, thôn, ấp trong cả nước hầu hết đều có nhà văn hóa, nơi tổ chức hội họp, sinh hoạt cộng đồng, vui chơi giải trí rất bổ ích, thiết thực. Các phong trào thi đua như: phong trào “lập thân, lập nghiệp”, giúp nhau làm kinh tế; phong trào khuyến học khuyến tài phát triển mạnh mẽ trong làng xã, dòng họ, gia đình; các hoạt động xã hội thiện nguyện phát triển mạnh, lan tỏa, được xã hội tôn kính như gương phản ánh trong chương trình: Cặp lá yêu thương, các chiến sĩ lực lượng vũ trang giúp dân khắc phục bão lũ, phong trào xây nhà tình thương, tình nghĩa, nhà đồng đội, nhà đại đoàn kết; thăm, động viên, hỗ trợ đồng bào miền Bắc, miền Trung bị lũ lụt hàng năm...
Đối với Bình Phước, sau 18 năm thực hiện “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” đã có những thay đổi rõ rệt về bộ mặt xã hội, có đến hàng ngàn gương tiêu biểu, điển hình trong xây dựng con người mới XHCN, trong xây dựng nông thôn mới, trong lao động sản xuất, học tập, giúp nhau làm kinh tế, hiến đất làm đường, trường học, xây dựng nhiều phong trào gia đình, dòng họ, cộng đồng học tập; các đội văn nghệ, câu lạc bộ thơ, cờ tướng, bóng bàn, cầu lông… được thành lập và duy trì sinh hoạt nhộn nhịp trong các khu dân cư; trong đó, đáng trân trọng, biểu dương, khích lệ là những tấm gương từ các cụ cao tuổi, cựu chiến binh. Ngoài ra, các phong trào thể dục thể thao, võ thuật, điền kinh… trên địa bàn tỉnh đang tiếp tục phát triển mạnh, hằng năm các đội tuyển của tỉnh đi thi đấu trong nước, quốc tế, khu vực đều mang về những tấm huy chương đầy tự hào, mãn nhãn.
Bên cạnh những thành tựu đạt được trên các lĩnh vực văn hóa - xã hội, chúng ta cũng khẳng định không ít những hạn chế, yếu kém, thậm chí là các hành vi phi văn hóa đang tồn tại, chẳng hạn: các tệ nạn xã hội như ma túy, mại dâm, băng đảng, cướp giết người dã man, tham nhũng, lãng phí, nạn mua thần bán thánh, đạo đức truyền thống xuống cấp ở một bộ phận giới trẻ, lười biếng không yêu lao động, sống ỷ lại, thiếu ý thức tự lập tự rèn, cầu tiến… Đó là những lực cản sự phát triển của đất nước.
Để thực hiện thắng lợi các nghị quyết của Đảng về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước, cấp ủy, chính quyền các cấp cần xác định rõ: Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là động lực, vừa mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội. Tuy nhiên, trước hết và trên hết là cần chú trọng đến xây dựng con người, gia đình, làng xã, thôn ấp, cộng đồng dân cư văn hóa, đề cao tính gương mẫu của cán bộ đảng viên, của già làng, trưởng thôn ấp… như là tấm gương sáng để quần chúng học tập, noi theo.
Thanh Vũ
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065