Bén duyên" thể thao từ nhỏ"
Tập taekwondo từ năm lớp 1 (1997), so với 50 anh, chị lớp võ thì Đoàn Hồng Ngọc nhỏ tuổi nhất. Tuy nhiên, sau giờ học văn hóa tại trường được tới lớp tập luyện cùng nhiều anh, chị, Ngọc rất thích thú, không để ý đến mục đích rèn luyện thể chất, nâng cao sức khỏe mà ba (ông Đoàn Ngọc Hồng) đề ra. Trước Ngọc 1 năm, Cao Xuân Cường đang học lớp 5 cũng tìm đến lớp võ chỉ với mục đích “bạn nữ thấy học võ không dám bắt nạt nữa”. Cứ vậy, đều đặn mỗi tuần 3 buổi, từ 17-19 giờ, Ngọc và Cường đi học taekwondo, do huấn luyện viên Ngô Văn Niếu đứng lớp... Năm 2000, sau khi đoạt huy chương vàng (HCV) giải vô địch taekwondo do tỉnh tổ chức, Cường được chọn vào hệ tuyển. Ngọc cũng chính thức trở thành VĐV taekwondo vào năm 2003, khi đoạt HCV nội dung quyền, hạng cân 68kg.
Đoàn Hồng Ngọc sau giờ bay với đồng nghiệp tại Sân bay Charles De Gaulle (Pháp)
Ngọc và Cường có thời gian "làm quen" với thể thao thành tích cao khá dài, 4-6 năm, đều đạt đai đen trước khi là VĐV hệ tuyển; đồng thời nhiều lần ở lại nhà thầy Niếu (Đồng Phú) 2-3 tháng để tập luyện ráo riết chuẩn bị cho các giải đấu quốc gia... Nhưng khi chuyển trạng thái tập từ nâng cao thể trạng lên chuyên nghiệp, cơ thể Ngọc, Cường chưa kịp thích nghi, nhiều lúc bị quá sức. “Cường độ tập luyện cao, giáo trình chuyên biệt, lại phải đảm bảo lịch học văn hóa... Một lúc thực hiện 2 nhiệm vụ nên nhiều lần sau buổi tập ra đến chỗ ba đứng chờ là mình bị ói. Tuy mệt nhưng mình vẫn ham” - Ngọc chia sẻ.
Với VĐV thi đấu thể thao thành tích cao đang tuổi đi học, những khó khăn khi tập luyện chuyên nghiệp cũng như học văn hóa sẽ sớm vượt qua nếu có sự ủng hộ, giúp đỡ từ gia đình, thầy, cô. Ngọc may mắn được ba hỗ trợ nhiều trong quá trình học văn hóa và tập luyện nên có đủ điều kiện về thời gian, thể lực để gắn bó với taekwondo. “Sau những lần Ngọc bị quá sức, tôi phải giúp con nâng cao thể lực. Tôi còn thuê thợ hàn làm cho Ngọc các dụng cụ tập luyện bổ trợ tại nhà. Sau thời gian ngắn, Ngọc tiến bộ hẳn, đuổi kịp thể lực các bạn đồng môn tập trung tập luyện ở trung tâm” - ông Hồng cho biết thêm.
Nỗ lực cống hiến
Quen với cường độ tập luyện cao, một ngày chỉ 4 tiếng đồng hồ được nghỉ ngơi với Ngọc đã trở nên dễ dàng. Tuy nhiên, vất vả, khó khăn lại nâng lên theo cấp số nhân khi năm 2004 Ngọc thi đậu lớp chuyên Anh, Trường THPT chuyên Quang Trung (Đồng Xoài). Lịch học văn hóa dày đặc: Sáng thứ hai đến thứ sáu học chương trình lớp 10, chiều các ngày học đuổi chương trình lớp 11 để lên lớp 12 tập trung ôn thi đại học; thứ bảy và chủ nhật ôn thi đại học tại trường. Nhưng 4 năm liền Ngọc được phong kiện tướng quốc gia, trong đó 3 năm học trường chuyên; giành HCV giải taekwondo quốc tế tại Đài Loan, xếp thứ 5 giải vô địch taekwondo thế giới tổ chức ở Hàn Quốc cùng nhiều huy chương khác... Nói về “bí quyết” vừa học giỏi văn hóa khi phải đảm bảo tập luyện, thi đấu thể thao thành tích cao, Ngọc cười: “Mình sắp xếp thời gian học phù hợp với lịch tập luyện và tự giác học tập. Mỗi ngày làm hết bài tập ở lớp trong giờ nghỉ trưa tại trường. 16 giờ 30 phút từ trường sang trung tâm tập chuyên sâu taekwondo tới 20 giờ. Từ 21-23 giờ tập trung học sách nâng cao đảm bảo chương trình trường chuyên. Nhờ vậy, khi tập luyện, thi đấu thể thao không ảnh hưởng đến học văn hóa”.
Cao Xuân Cường được ngành thể thao tỉnh khen thưởng nhân kỷ niệm 20 năm tái lập tỉnh
Với Cao Xuân Cường, trước khi trở thành sinh viên Trường đại học Thể dục thể thao TP. Hồ Chí Minh (năm 2006), anh đã được phong kiện tướng quốc gia 4 năm liền, từ 2002-2006. Trình độ võ thuật chuyên nghiệp nhưng tối thứ sáu nào Cường cũng từ thành phố Hồ Chí Minh về Đồng Xoài để tập luyện tại Trung tâm Thể dục thể thao tỉnh vào thứ bảy, chủ nhật. Đến năm 2007, khi đang là sinh viên đại học, phải đảm bảo lịch học tại trường nhưng Cường vẫn vươn lên đoạt chức vô địch giải taekwondo khu vực Đông Nam Á và được phong kiện tướng quốc tế. Được xem như văn - võ song toàn nhưng Cường cho rằng “phải luôn nỗ lực hết mình cho thể thao và cả học văn hóa. Vì khi học tốt văn hóa sẽ chuyên tâm cho thể thao trọn vẹn, vừa rèn luyện nâng cao thành tích thể thao vừa tích lũy kiến thức”.
Tự hào thể thao thành tích cao
Hiện Cường, Ngọc không còn gắn bó với thể thao thành tích cao nhưng khi nói đến thể thao, taekwondo, các cựu VĐV đều khẳng định: Tập luyện thể thao chuyên nghiệp luôn đem lại mọi điều tốt đẹp. Cường cho biết:
“Tốt nghiệp đại học, tôi trúng tuyển vào ngành công an, phụ trách mảng thể thao. Công việc không thi đấu thể thao chuyên nghiệp nhưng đảm bảo nhiệm vụ “Khỏe để bảo vệ Tổ quốc” cho mỗi cán bộ, chiến sĩ là niềm vinh dự, tự hào của tôi. Hiện đơn vị có 9 bộ môn được đánh giá mạnh, đặc biệt là bóng chuyền, võ - taekwondo, karate, vovinam thường xuyên đoạt giải cao do tỉnh, Bộ Công an tổ chức. Nếu không từng là VĐV taekwondo tuyển tỉnh thì tôi rất khó hoàn thành tốt công việc”. Còn Ngọc nói: “Thể thao chuyên nghiệp rèn cho mình sức khỏe, sự tập trung cao độ và phán đoán nhanh. Mình đã vận dụng tốt trong việc học văn hóa và càng cảm thấy cần thiết, hữu ích sau khi trở thành phi công, đảm bảo an toàn các chuyến bay giữa Việt Nam - Pháp, Đức, Hàn Quốc... Nay không còn là VĐV chuyên nghiệp, mình vẫn tập thể thao, vẫn dõi theo taekwondo tuyển tỉnh trong các giải đấu quốc gia, toàn quốc và quốc tế”.
“Có thể chọn gắn bó với sự nghiệp thể thao bằng cách theo đuổi trở thành huấn luyện viên, cũng có thể rẽ sang con đường mới nhờ nâng cao trình độ văn hóa hay học nghề. Dẫu chọn cách nào, VĐV nên chú trọng học văn hóa từ những ngày đầu” - Ngọc nói. Tầm quan trọng của học văn hóa đối với VĐV cũng được Trung tâm Thể dục thể thao tỉnh chú trọng từ lâu. 4 năm qua, trung tâm đã mở lớp phụ đạo miễn phí cho VĐV học các bậc THCS, THPT. 3 buổi tối/tuần, các em ôn tập chương trình học ngay tại nơi tập luyện...”Dẫu giáo viên đứng lớp dạy văn hóa chỉ là nhân viên trung tâm nhưng hiệu quả đạt được khá rõ và tôi rất vui khi nghe các em gọi bằng cái tên trìu mến - “cô giáo Hoàng” - chị Tô Thị Hoàng, nhân viên Trung tâm Thể dục thể thao tỉnh xúc động nói.
Cẩm Thơ
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065