Theo Chính phủ, hoạt động kinh doanh dịch vụ đòi nợ thuê đã bị biến tướng từ dịch vụ thu nợ sang đòi nợ thuê. Nhiều nơi, lợi dụng dịch vụ đòi nợ thuê để tổ chức thành các băng, nhóm tội phạm cưỡng đoạt tài sản, “tín dụng đen” gây mất an ninh, trật tự an toàn xã hội. Các đối tượng đòi nợ thuê còn đe dọa, khủng bố tinh thần, trấn áp người nợ, bắt giữ người trái pháp luật, cố ý gây thương tích và dẫn đến các vụ án gây chấn động xã hội. Trong khi đó, nhân viên các doanh nghiệp này hầu hết là những thành phần bất hảo, coi thường kỷ cương phép nước, “xử” bằng vũ lực nhằm đạt mục đích đòi nợ... Vì vậy, Chính phủ đề nghị Quốc hội đưa lĩnh vực này vào danh mục ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh.
Tuy nhiên, nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng, hoạt động kinh doanh đòi nợ thuê đang là một nhu cầu thực tế nên không thể cấm, mà cần bổ sung quy định về điều kiện kinh doanh, bảo đảm sự quản lý chặt chẽ của Nhà nước. Bởi trong thực tế, có không ít trường hợp cho người khác vay tiền nhưng không thể thu hồi được nợ. Người vay chây ỳ, tìm cách gây khó khăn, lẩn tránh trách nhiệm hoặc cố tình quỵt nợ. Nếu người cho vay khởi kiện ra tòa án sẽ mất nhiều thời gian, công sức và chi phí. Vì, từ ngày tòa án thụ lý đến lúc xét xử thì nhanh nhất cũng phải gần 1 năm hoặc có thể bị kéo dài vài năm. Sau khi tòa tuyên án thì việc được thi hành án nhanh hay muộn cũng là vấn đề nan giải. Ngoài ra, chưa tính việc người vay tiền lợi dụng kẽ hở của pháp luật để tìm cách tẩu tán tài sản, đối phó hoặc kéo dài việc phải thi hành án... Đó là chưa kể các vụ vay không trả, huy động vốn trái phép rồi bỏ trốn hay lợi dụng lòng tin để mượn tiền, tài sản rồi tìm cách chiếm đoạt...
Tại Bình Phước, đã có không ít vụ án như nêu trên, nhưng hầu hết người cho vay đều phải “ngậm bồ hòn làm ngọt”, vì dù đã ra tòa nhưng không thu hồi hết số nợ đã cho vay. Tháng 10-2015, bà Đặng Thị Phương Dung (xã Minh Hưng, huyện Bù Đăng) vay của bà Nguyễn Thị Ngà cùng địa chỉ 103 triệu đồng trong thời hạn 1 tháng. Sau đó, bà Dung tìm mọi cách để trốn nợ, buộc bà Ngà phải khởi kiện ra tòa. Phán quyết của tòa án buộc bà Dung phải trả nợ cho bà Ngà vào ngày 1-12-2016. Bà Ngà đề nghị thi hành theo quyết định tòa án nhưng đến nay bà Ngà vẫn chưa được thi hành án. Vào tháng 6-2019, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Văn Lợi đã có ý kiến chỉ đạo, nhưng vụ việc của bà Ngà vẫn chưa được giải quyết.
Qua đó cho thấy, chỉ một vụ cho vay nhỏ, nhưng sau gần 3 năm cơ quan thi hành án vẫn không giải quyết được thì vụ án lớn sẽ còn kéo dài không biết đến khi nào. Như vậy, hoạt động thu nợ là một nhu cầu thực tế như các đại biểu Quốc hội đã khẳng định. Vấn đề còn lại là ở cơ chế quản lý, kiểm soát của Nhà nước như thế nào để đưa lĩnh vực này vào khuôn khổ và trở thành một ngành nghề kinh doanh văn minh mới là điều quan trọng.
Tấn Phong
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065