CÔNG TÁC DÂN TỘC - ĐIỂM SÁNG TRONG THỰC HIỆN NHÂN QUYỀN Ở VIỆT NAM
BP - Việt Nam là quốc gia đa dân tộc, có vị trí địa - chính trị, địa - kinh tế chiến lược cực kỳ quan trọng trong khu vực và trên thế giới. Vì vậy, ngay từ buổi đầu dựng nước, cha ông ta đã luôn quan tâm củng cố, giữ vững mối quan hệ đoàn kết, tương trợ giữa các bộ tộc, dân tộc với nhau. Đó chính là nguyên nhân mà trải từ Bà Trưng, Bà Triệu đến nay, dù phải chung sống bên cạnh những thế lực luôn mang tư tưởng bành trướng, trong một thế giới diễn biến khó lường, song chúng ta vẫn giữ vững nền độc lập, chủ quyền, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ. Vì vậy, thực thi chính sách đại đoàn kết toàn dân tộc là vấn đề chiến lược, giữ vai trò quyết định sự thành bại của công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay.
Công tác dân tộc là hoạt động quản lý nhà nước về lĩnh vực dân tộc nhằm tác động và tạo điều kiện để đồng bào các dân tộc thiểu số (DTTS) cùng phát triển, đảm bảo sự tôn trọng, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân. Những năm qua, Đảng, Nhà nước ta đã và đang thực thi nhiều chủ trương, chính sách lớn nhằm phát triển kinh tế, xã hội, nâng cao đời sống văn hóa - tinh thần, bảo đảm quyền bình đẳng cho đồng bào các DTTS và đạt nhiều thành tựu to lớn. Cụ thể là từ năm 2016 đến nay, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 41 văn bản đề cập đến việc ưu tiên phát triển kinh tế, xã hội vùng DTTS và miền núi, trong đó có 15 đề án, chính sách dân tộc. Hiện nay có 54 chính sách còn hiệu lực hỗ trợ phát triển vùng DTTS, miền núi và hỗ trợ đồng bào DTTS.
Chương trình 135 đã đầu tư 9.106 công trình, duy tu, bảo dưỡng 3.295 công trình; hỗ trợ trực tiếp 1.512.000 hộ nghèo, cận nghèo; tập huấn cho 103.000 người, dạy nghề 720.000 người DTTS, góp phần giúp đồng bào tìm kiếm việc làm. Tỷ lệ hộ nghèo cuối năm 2017 ở các huyện nghèo giảm còn dưới 40% (giảm khoảng 5% so cuối năm 2016); tỷ lệ hộ nghèo ở các xã đặc biệt khó khăn giảm 3-4%. Mạng lưới trường, lớp giáo dục mầm non, trường phổ thông ở vùng DTTS và miền núi tiếp tục được củng cố, mở rộng, nhất là các trường phổ thông dân tộc nội trú, trường phổ thông dân tộc bán trú, trường dự bị đại học dân tộc. Chất lượng giáo dục của các trường phổ thông dân tộc nội trú được nâng lên. Hiện nay, 100% xã vùng DTTS và miền núi có trường THCS, tiểu học và hầu hết các xã có trường, điểm trường và lớp học mầm non. Cả nước có 315 trường phổ thông dân tộc nội trú ở 49 tỉnh, thành phố với 109.245 học sinh, trong đó, số trường đạt chuẩn quốc gia chiếm khoảng 40%. Ngoài ra còn 975 trường phổ thông dân tộc bán trú, 5 trường đào tạo dự bị đại học dân tộc, 51/53 DTTS có học sinh cử tuyển đi học đại học, được Nhà nước hỗ trợ chi phí ăn, ở, học. Tỷ lệ người DTTS biết chữ độ tuổi từ 15-60 đạt 93,44%. Cả nước có hơn 13.000 người DTTS trình độ cao đẳng trở lên; hơn 78.000 người trình độ trung học chuyên nghiệp. Tỷ lệ cán bộ lãnh đạo các cấp là người DTTS trong hệ thống chính trị ngày càng tăng cao, trong 4 nhiệm kỳ Quốc hội gần đây, tỷ lệ đại biểu là người DTTS chiếm từ 15,6-17,3%, cao hơn tỷ lệ người DTTS trên tổng số dân là 14,6%. Đặc biệt, Quốc hội khóa XIV có 86/496 đại biểu là người DTTS, chiếm 19,35%.
Về lĩnh vực y tế, từ năm 2016-2018 đã cấp miễn phí thẻ bảo hiểm y tế cho 20.705.000 lượt đồng bào DTTS; tăng cường y tế dự phòng và bố trí bác sĩ về làm việc tại trạm y tế xã, đạt 87,5%. Đã nỗ lực triển khai thực hiện đề án giảm thiểu tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết ở 22 tỉnh vùng DTTS và miền núi, nhằm bảo vệ và nâng cao chất lượng giống nòi của một số DTTS đang bị suy giảm. Cán bộ, công chức, viên chức người DTTS giữ chức vụ lãnh đạo cấp tỉnh và cấp bộ là 46 người (chiếm 12,16%); cấp vụ và tương đương là 146 người (chiếm 4%); công chức, viên chức ở các bộ, ngành và cấp sở là 170.437 người (chiếm 15%). Trình độ, năng lực của cán bộ, công chức, viên chức người DTTS ngày càng được nâng cao, hoàn thành tốt hơn nhiệm vụ được giao. Bên cạnh đó, Ngân hàng chính sách xã hội đã cho 1,4 triệu hộ DTTS vay 45.194 tỷ đồng (chiếm 24,7% tổng dư nợ) để phát triển sản xuất, tăng thu nhập.
Kết quả nêu trên là những con số biết nói, thể hiện nỗ lực không mệt mỏi của Đảng, Nhà nước ta trong thực thi quyền con người, đập tan những luận điệu xuyên tạc, sai sự thật của các thế lực phản động, thù địch về tình hình nhân quyền tại Việt Nam hiện nay.
Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về chính sách dân tộc, đòi hỏi sự vào cuộc quyết liệt, chủ động, tích cực của các cấp ủy, chính quyền, hệ thống chính trị các địa phương và đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, các tầng lớp nhân dân trên cơ sở xây dựng đồng bộ hệ thống các biện pháp. Trong đó, đặc biệt chú trọng chỉ đạo thực hiện tốt các biện pháp sau:
Thứ nhất, tăng cường hơn nữa sự lãnh đạo của Đảng, nâng cao chất lượng quản lý, điều hành của Nhà nước, huy động sự vào cuộc quyết liệt của hệ thống chính trị các cấp từ Trung ương đến cơ sở. Thứ hai, tiếp tục làm tốt việc tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước về công tác dân tộc tới các tầng lớp nhân dân, nhất là đồng bào các DTTS, vùng sâu, xa, biên giới, hải đảo, vùng đặc biệt khó khăn. Thứ ba, tập trung các nguồn lực có trọng tâm, trọng điểm nhằm thực hiện chất lượng, hiệu quả chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về công tác dân tộc. Thứ tư, nâng cao vai trò, trách nhiệm của cán bộ các cấp, ngành trong thực hiện chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước về công tác dân tộc, nhất là đối với đội ngũ cán bộ chuyên môn, trực tiếp làm công tác dân tộc. Thứ năm, nâng cao chất lượng công tác giáo dục, bồi dưỡng, đào tạo, sắp xếp, bố trí cán bộ DTTS.
Tóm lại, công tác dân tộc là chủ trương, đường lối chiến lược của Đảng và Nhà nước nhằm giữ vững, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tạo thành sức mạnh vô địch, có thể “nhấn chìm bọn cướp nước và lũ bán nước” để giữ vững độc lập chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc. Tuy con đường phía trước còn nhiều gian nan, vất vả, song dưới sự lãnh đạo sáng suốt, tài tình của Đảng Cộng sản Việt Nam dạn dày kinh nghiệm; sự quản lý, điều hành hiệu quả của một Chính phủ “kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, hiệu quả, bứt phá”; sự đoàn kết đồng lòng, đồng tâm, hiệp lực của cộng đồng 54 dân tộc anh em; sự trung thành tuyệt đối của lực lượng vũ trang, con thuyền cách mạng Việt Nam nhất định sẽ cập bến bờ vinh quang.
Văn Hiệu (Bộ CHQS tỉnh)
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065