BP - Tại Điều 10 của Hiến pháp năm 2013 có quy định như sau: Công đoàn Việt Nam là tổ chức chính trị - xã hội của giai cấp công nhân và của người lao động được thành lập trên cơ sở tự nguyện, đại diện cho người lao động, chăm lo và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động; tham gia quản lý nhà nước, quản lý kinh tế - xã hội; tham gia kiểm tra, thanh tra, giám sát hoạt động của cơ quan nhà nước, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp về những vấn đề liên quan đến quyền, nghĩa vụ của người lao động; tuyên truyền, vận động người lao động học tập, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp, chấp hành pháp luật, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Đại hội công đoàn cơ sở Công ty TNHH Shang ta Khu công nghiệp Chơn Thành, huyện Chơn Thành - Ảnh: S.H
Như vậy, nội dung trong Điều 10 của Hiến pháp 2013 đã được sửa đổi, bổ sung trên cơ sở Điều 10 của Hiến pháp 1992. Tuy nhiên, nếu tại Điều 10 của Hiến pháp 1992 chỉ quy định công đoàn tham gia kiểm tra, giám sát, thì Hiến pháp năm 2013 đã bổ sung thêm quy định “tham gia thanh tra” hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp về những vấn đề liên quan đến quyền, nghĩa vụ của người lao động cho tổ chức Công đoàn. Đồng thời, quyền và trách nhiệm của tổ chức công đoàn đối với người lao động được phân định rõ hơn. Và trách nhiệm của công đoàn trong việc tuyên truyền, vận động người lao động học tập, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp, chấp hành pháp luật được quy định đầy đủ, cụ thể hơn. Đây là những quy định mới, phù hợp với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước ta, phù hợp với Cương lĩnh của Đảng về phát triển đất nước thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước.
Bên cạnh đó, Hiến pháp 2013 cũng đã quy định rõ nguyên tắc tổ chức và hoạt động công đoàn như sau: Một là, công đoàn được thành lập trên cơ sở tự nguyện, tổ chức và hoạt động theo nguyên tắc tập trung dân chủ. Hai là, công đoàn được tổ chức và hoạt động theo Điều lệ Công đoàn Việt Nam, phù hợp với đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước. Và để bảo đảm mọi hoạt động của Công đoàn Việt Nam đúng theo quy định của pháp luật, trong Luật Công đoàn cũng đã quy định rõ những hành vi bị nghiêm cấm như sau: Một là, cản trở, gây khó khăn trong việc thực hiện quyền công đoàn. Hai là, phân biệt đối xử hoặc có hành vi gây bất lợi đối với người lao động vì lý do thành lập, gia nhập và hoạt động công đoàn. Ba là, sử dụng biện pháp kinh tế hoặc biện pháp khác gây bất lợi đối với tổ chức và hoạt động công đoàn. Bốn là, lợi dụng quyền công đoàn để vi phạm pháp luật, xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân.
Việc Hiến pháp năm 2013 tiếp tục dành riêng một điều quy định về công đoàn là khẳng định vị trí, vai trò to lớn của giai cấp công nhân và tổ chức công đoàn trong lịch sử cũng như trong thời kỳ mới. Đồng thời, điều này đã thể hiện vị trí quan trọng của tổ chức công đoàn trong hệ thống chính trị và đảm bảo điều kiện pháp lý cho tổ chức công đoàn hoạt động. Mặc dù Hiến pháp và các văn bản pháp luật có liên quan đã quy định cụ thể, rõ ràng, song thời gian qua, có một bộ phận không nhỏ người lao động không tìm hiểu kỹ những quy định của pháp luật nên đã bị kẻ xấu kích động dẫn đến việc đình công, lãn công không hợp pháp. Cụ thể là việc đình công của công nhân Công ty PouYuen ở thành phố Hồ Chí Minh xảy ra vào cuối tháng 3 vừa qua. Hay việc nhiều công nhân ở Hà Tĩnh, Bình Dương, Đồng Nai, thành phố Hồ Chí Minh bị kẻ xấu kích động nên đã có hành vi quá khích khi biểu tình phản đối Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Và cuối cùng là hàng trăm người đã bị bắt giữ vì hành vi gây rối, phá hoại và trộm cắp tài sản...
Theo quy định của pháp luật hiện hành, người lao động đồng loạt nghỉ việc không tuân thủ trình tự, thủ tục đình công (theo các điều 211, 212, 213 của Bộ luật Lao động 2012), là tự ý nghỉ việc. Trong trường hợp này, người sử dụng lao động có thể kỷ luật, sa thải người lao động do tự ý nghỉ việc 5 ngày cộng dồn trong 1 tháng hoặc 20 ngày cộng dồn trong 1 năm mà không có lý do chính đáng (Khoản 3, Điều 126 Bộ luật Lao động). Như vậy, nếu người lao động không hiểu biết pháp luật mà tự ý đình công, lãn công thì cuối cùng phần thiệt thòi sẽ thuộc về họ. Trong trường hợp cuộc đình công là bất hợp pháp mà gây thiệt hại cho người sử dụng lao động thì tổ chức công đoàn lãnh đạo đình công phải bồi thường thiệt hại. Hơn nữa, người lợi dụng đình công gây mất trật tự công cộng, làm tổn hại máy móc, thiết bị, tài sản của người sử dụng lao động; người có hành vi kích động, lôi kéo, ép buộc người lao động... thì tùy theo mức độ vi phạm, có thể bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
N.V
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065