L.T.S: Tháng Tư năm nay, quân và dân tỉnh Bình Phước tổ chức kỷ niệm 40 năm ngày Giải phóng Lộc Ninh (7-4-1972 - 7-4-2012). Lộc Ninh là huyện đầu tiên được giải phóng hoàn toàn trong cuộc kháng chiến chống Mỹ thần thánh của dân tộc. Chiến thắng Lộc Ninh mở ra một thời kỳ mới thuận lợi cho cuộc kháng chiến chống Mỹ, giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc. Từ chiến thắng Lộc Ninh đã khai thông một vùng giải phóng rộng lớn, làm tiền đề vững chắc cho trận quyết chiến giải phóng hoàn toàn tỉnh Phước Long vào ngày 6-1-1975. Không những thế, Lộc Ninh còn là thủ phủ của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, nơi tập trung của “đầu não” chỉ huy chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử giải phóng hoàn toàn miền Nam vào ngày 30-4-1975.
Bốn mươi năm đã đi qua nhưng âm hưởng của trận quyết chiến giải phóng Lộc Ninh vẫn còn vang vọng. Đây cũng là niềm tự hào của quân và dân các dân tộc trong huyện nói riêng và tỉnh Bình Phước nói chung. Tiến tới kỷ niệm 40 năm ngày Giải phóng Lộc Ninh và 37 năm ngày Giải phóng hoàn toàn miền Nam (30-4-1975 - 30-4-2012), Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Lộc Ninh đã và đang nô nức thi đua lập thành tích cao nhất chào mừng sự kiện đặc biệt này. Báo Bình Phước mở chuyên mục “Hướng tới kỷ niệm 40 năm ngày Giải phóng Lộc Ninh” để cùng bạn đọc và nhân dân trong tỉnh ôn lại những mốc son lịch sử của một địa phương anh hùng.
Đường xe lửa Sài Gòn - Lộc Ninh
Lộc Ninh nằm ở cực Bắc tỉnh Bình Phước, là huyện biên giới phía Tây Nam của Tổ quốc, vùng đất “địa đầu” miền Đông Nam bộ tiếp giáp với nước bạn Campuchia. Trải qua bao biến cố của lịch sử, nhân dân các dân tộc ở Lộc Ninh cần cù sáng tạo trong lao động, đoàn kết dũng cảm trong chế ngự thiên nhiên và chống áp bức cường quyền. Từ khi có Đảng lãnh đạo, nhân dân các dân tộc Lộc Ninh đã một lòng theo Đảng làm cách mạng, gắn liền cuộc sống chiến đấu của mình với lịch sử đấu tranh kiên cường bất khuất của dân tộc. Trải qua hai cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược cũng như quá trình đấu tranh bảo vệ biên giới phía Tây Nam Tổ quốc, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Lộc Ninh đã vượt qua muôn vàn thử thách, gian khổ, hy sinh đóng góp xứng đáng vào thắng lợi vĩ đại của dân tộc.
Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, theo hệ thống tổ chức của cách mạng, Lộc Ninh là một xã thuộc huyện Hớn Quản, tỉnh Thủ Dầu Một. Tháng 10-1929, chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên ở Phú Riềng được thành lập và trực tiếp lãnh đạo phong trào công nhân cao su. Với sự kiện Phú Riềng Đỏ, đỉnh cao của phong trào công nhân miền Đông Nam bộ đã làm ảnh hưởng lớn đến phong trào đấu tranh ở các địa phương trong tỉnh, trong đó có nhân dân và công nhân đồn điền cao su Lộc Ninh. Cuộc đấu tranh đòi quyền sống, tăng lương, giảm giờ làm của công nhân từ sau khi có chi bộ Đảng Phú Riềng đã lan rộng, tạo thành làn sóng phát triển mạnh mẽ. Tháng 12-1938, hơn 300 công nhân
ĐƯỜNG XE LỬA SÀI GÒN - LỘC NINH: Theo các tài liệu: Đầu thế kỷ XX, thực dân Pháp xúc tiến việc khai khẩn tại Campuchia và vùng Miền Đông Nam bộ để trồng cao su. Hai quốc lộ 13, 14 cũng như con đường xe lửa Sài Gòn - Lộc Ninh được hoàn thành để vận chuyển cao su của công ty Mimot về Sài Gòn để xuất cảng. Đoạn đường sắt từ bến Đồng Sỹ đi Lộc Ninh dài 69km, bắt đầu khai thác năm 1933 do Công ty xe điện Bến Cát - Crachie bỏ vốn xây dựng. Đến năm 1937 sáp nhập vào hệ thống hỏa xa Đông Dương thành tuyến đường sắt Sài Gòn - Lộc Ninh. Trong đó, đoạn đường sắt Sài Gòn - Dĩ An đi chung với tuyến đường sắt Bắc - Nam. Từ Dĩ An đi Lộc Ninh là tuyến đường riêng dài 129km, gồm 17 ga. Sau chiến tranh tuyến đường này bị bãi bỏ, hiện nay chỉ còn dấu vết ở một vài đoạn đã bị sạt lở hoặc còn vài mố cầu cũ đã hư nát, lấp trong cỏ dại.
đồn điền cao su Lộc Ninh tổ chức bãi công và đưa ra yêu sách gồm 4 điểm cho chủ công ty. Đến cuối năm 1942, hàng trăm công nhân nam nữ thợ cạo mủ của các làng 4, 9, 10 đã bãi công thị uy đòi chủ sở trả lương đúng kỳ hạn, giảm giờ làm việc, không được cúp phạt công nhân. Tháng 2-1944, được sự chỉ đạo của Tỉnh ủy Thủ Dầu Một, chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên được thành lập ở Lộc Ninh. Theo chỉ thị của Tỉnh ủy, chi bộ Lộc Ninh khẩn trương gây dựng phát triển lực lượng, đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền cách mạng trong nhân dân và công nhân, chuẩn bị thời cơ phát động quần chúng đứng lên khởi nghĩa.
Năm 1945, khí thế của cuộc Cách mạng tháng Tám sục sôi trong cả nước và trên mảnh đất Lộc Ninh anh hùng không khí chuẩn bị cho cuộc tổng khởi nghĩa đã được chuẩn bị khá chu đáo. Ngày 24-8-1945, hàng ngàn công nhân các làng sở cao su Lộc Ninh, Đa Kia cùng các tầng lớp nhân dân, nòng cốt là lực lượng thanh niên quyết chiến, lực lượng tự vệ... nhất tề đứng lên. Từng đoàn người cầm gậy tầm vông, xà beng, giáo mác, cung tên tiến vào các nhà máy, xí nghiệp, đồn điền cao su và các cơ sở sản xuất. Trước sức mạnh không gì cản nổi của nhân dân, binh lính nộp vũ khí đầu hàng. Cùng với Lộc Ninh, các quận Tân Uyên, Lái Thiêu, Bến Cát cũng nổi dậy giành chính quyền trong buổi sáng ngày 24-8. Lộc Ninh là một trong những nơi giành chính quyền sớm trong tỉnh và có 22 người hy sinh trong đợt khởi nghĩa (*). Thắng lợi của tổng khởi nghĩa ở Lộc Ninh đã góp phần vào thắng lợi chung của toàn tỉnh và cả nước. Đó là thành quả cách mạng to lớn mở ra trang sử mới trong lịch sử của nhân dân Lộc Ninh, đồng thời tạo nên những tiền đề quan trọng để nhân dân Bình Phước cùng cả nước bước vào cuộc kháng chiến 9 năm trường kỳ chống thực dân Pháp xâm lược và làm nên một “Điện Biên chấn động địa cầu”.
Q.V
(*) Theo “Lộc Ninh - lịch sử và truyền thống (1930-2000)”, nxb tp. Hồ Chí Minh - 2001.
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065