Ngày 23-2-2013, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định số 15/2013/QĐ-TTg về việc cho hộ cận nghèo vay vốn ưu đãi phục vụ sản xuất - kinh doanh. Ngay sau khi có hiệu lực thi hành, quyết định này đã mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần tích cực vào việc thực hiện chính sách an sinh xã hội, tạo tiền đề giảm nghèo bền vững trong cả nước nói chung và Bình Phước nói riêng.
Theo quyết định trên, hạn mức cho vay đối với hộ cận nghèo là 30 triệu đồng, lãi suất 0,845%/tháng (bằng 130% lãi suất cho vay với hộ nghèo). Có thể nói, với hạn mức và lãi suất cho vay như vậy là sự tạo điều kiện rất lớn dành cho các hộ cận nghèo. Nhìn chung, hầu hết các hộ cận nghèo khi được tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi đều chí thú làm ăn với mong muốn có cuộc sống khá giả hơn. Có thể nói, chủ trương hỗ trợ vốn cho hộ cận nghèo phát triển kinh tế không chỉ tạo tiền đề giúp họ vươn lên thoát nghèo bền vững, mà còn góp phần rất lớn vào công cuộc đảm bảo an sinh xã hội.
Tuy nhiên, sau gần một năm đi vào cuộc sống, chính sách cho hộ cận nghèo vay vốn ưu đãi phục vụ sản xuất - kinh doanh đã và đang bộc lộ những bất cập, hạn chế cần được sửa đổi, bổ sung để chủ trương này thực sự hiệu quả hơn nữa. Khi trao đổi với chúng tôi, hầu hết các hộ cận nghèo ở thị xã Đồng Xoài và huyện Đồng Phú sau khi được vay vốn đều cho rằng: Hạn mức cho vay 30 triệu đồng vẫn thấp. Bởi vì với số tiền này những hộ cận nghèo rất khó chọn được hình thức đầu tư phù hợp và mang lại hiệu quả, nhất là trong bối cảnh kinh tế khó khăn như hiện nay.
Thứ hai là với mức lãi suất 0,845%/tháng, tức tương đương 10,14%/năm là quá cao để đầu tư sản xuất nông nghiệp, nhất là đầu tư cho chăn nuôi gia súc, gia cầm. Trong khi đó, hiện hầu hết các ngân hàng thương mại đều đang tiến hành giảm lãi suất, có nhiều ngân hàng đã và đang cho vay với mức lãi suất dưới 10%/năm. Trong khi đó lãi suất cho vay đối với hộ cận nghèo chỉ giảm từ 10,14% xuống 9,36%/năm. Mức lãi suất này cao hơn gần 2% so với mức lãi suất cho vay đối với hộ nghèo (7,8%/năm) và gần tương đương với lãi suất của các ngân hàng thương mại. Chính vì vậy đã có không ít người dân băn khoăn, so sánh và từ đó đã nảy sinh tâm lý e ngại từ các hộ cận nghèo khi tiếp cận nguồn vốn ưu đãi này.
Thứ ba là từ thực tế ở Bình Phước cho thấy, khoảng cách giữa hộ nghèo và hộ cận nghèo là không nhiều, có nơi còn khó xác định là hộ nghèo hay cận nghèo. Bên cạnh đó, ở nhiều nơi có không ít những hộ tuy là cận nghèo (những hộ vừa thoát nghèo) nhưng không bao lâu sau lại tái nghèo. Vì vậy, nhu cầu cần có vốn sản xuất - kinh doanh của họ là chính đáng, nhưng với hạn mức 30 triệu đồng thì khó có thể cải thiện được cuộc sống trong một hoặc hai năm.
Chính vì vậy, hầu hết các hộ cận nghèo đều mong muốn Chính phủ hạ mức lãi suất cho vay đối với hộ cận nghèo xuống bằng lãi suất cho vay hộ nghèo hiện tại (7,8%/năm) và nâng hạn mức cho vay lên 50-70 triệu đồng/hộ. Tuy nhiên, bên cạnh việc nỗ lực của người dân, rất cần sự vào cuộc của các cấp, ban, ngành, đoàn thể trong phối hợp, lồng ghép các chương trình khuyến nông, khuyến ngư, hướng dẫn bà con các mô hình sản xuất - kinh doanh hiệu quả. Có như vậy nguồn vốn ưu đãi mới thực sự trở thành “cú hích” giúp hộ cận nghèo vươn lên thoát nghèo bền vững.
N.N
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065