CÀN QUÉT RỪNG ĐẦU NGUỒN
Nhận được thông tin về ươi rừng bị “tàn sát”, trung tuần tháng 4, chúng tôi theo một người dân địa phương vào hiện trường khai thác ươi. Tiểu khu 55 khu vực suối Bài Thơ thuộc lâm phần do Ban Quản lý rừng phòng hộ Bù Đốp quản lý là “điểm nóng” về khai thác ươi. Đây là khu vực rừng đầu nguồn xung yếu bảo vệ lòng hồ Cần Đơn khi có lũ. Thế nhưng, từng cụm ươi rừng ở đây đã bị cưa đổ la liệt nằm ngã ra tận bờ sông Đắk Huýt. Anh Tr - người dẫn đường cho biết: Mùa nắng, sông Đắk Huýt có chỗ khá cạn nên việc qua lại địa bàn giữa 2 huyện là rất dễ dàng. Nhờ đó “ươi tặc” có thể tận dụng địa hình mà khó bị phát hiện.
Cây ươi cổ thụ bị các đối tượng hạ cách đường biên 50m
Băng qua những con đường mòn chằng chịt, trước mắt chúng tôi là cảnh tượng hàng chục cây ươi bị đốn hạ không thương tiếc để lấy trái. Anh Tr cho biết: Giữa tháng 4 là thời điểm ươi rừng chín rộ. Khu vực tập trung ươi nhiều nhất là đầu nguồn sông Đắk Huýt. Năm nay, thời tiết khá thuận lợi nên cây ươi ra bông và đậu trái nhiều. Mỗi cây có thể cho từ 50-70kg trái tươi, thậm chí cây cổ thụ cho trên 150kg trái.
Theo thăm dò của chúng tôi, giá hạt ươi bay (hạt khô rụng tự nhiên) khoảng 220 ngàn đồng/kg, còn ươi tươi phơi khô vào khoảng 150-170 ngàn đồng/kg. Chính vì lợi nhuận từ hạt ươi mang lại khá cao đã thôi thúc rất nhiều người dân tìm mọi cách vào rừng khai thác trộm.
Sát khu vực suối Bài Thơ là 2 lán trại của những người khai thác ươi với ngổn ngang nồi, chảo sinh hoạt, vỏ chai, thùng mì gói, bếp đun nấu. Nhìn kết cấu trại, anh Tr nhận định mỗi lán trại này chứa trên 10 người và họ đã vận chuyển ươi ra ngoài khoảng 2 ngày trước. Lán trại của “ươi tặc” thường dựng lên gần các điểm tập trung nhiều cây ươi. Ở đây họ tổ chức chặt hạ, khai thác ươi nhiều ngày, khi đủ số lượng thì di chuyển đi nơi khác. Hạt ươi cũng được phơi trong rừng, lúc khô mới đưa ra ngoài.
Cách 2 lán trại này khoảng 100m, trước mắt chúng tôi là một vạt rừng rộng với hàng loạt cây ươi lớn có, nhỏ có bị đốn hạ còn trơ gốc. Thậm chí có những cây cổ thụ đường kính gần 2m bị cưa máy cắt không thương tiếc, thân cây ứa nhựa thâm đen. Quanh gốc nhiều nhánh cây lớn bị vứt bỏ ngổn ngang với cành lá khô héo tràn xuống lòng suối Bài Thơ để lộ khoảng rừng trống dài gần trăm mét. Không chỉ đốn hạ để lấy hạt, những thân cây ươi cổ thụ cũng được “ươi tặc” tận thu mang đi.
Rời suối Bài Thơ, chúng tôi tiếp tục đi vào khu vực thác Sáu Chình, cách cầu Đắk Huýt chừng 2km. Trong rừng chi chít đường mòn, dấu vết của “ươi tặc” đi qua. Tại khu vực này, chúng tôi còn nhìn thấy cả xe máy và lán trại. Cây ươi lớn bị cưa máy cắt ngang gốc, cây nhỏ bị cắt nhánh đứng trụi lơ như cột điện.
CẮT ƯƠI NGAY ĐƯỜNG BIÊN GIỚI
Qua cầu Đắk Huýt, tiến vào rừng thuộc địa bàn xã Đắk Ơ, huyện Bù Gia Mập, chúng tôi cũng phát hiện thêm nhiều cụm cây ươi bị đốn hạ. Trong đó có cây do thân quá lớn bị cưa gần đứt gốc nhưng vẫn chưa ngã đổ. Để thu hạt, “ươi tặc” đã trèo chặt trụi cành lá. Cách đó không xa là nhiều cây ươi cao trên 30m bị đóng đinh 10 phân chi chít hai hàng làm bàn đạp để leo lên ngọn.
Lán trại tại khu vực suối Bài Thơ
Nhìn cây ươi nằm la liệt, người dẫn đường của chúng tôi không khỏi ngao ngán: “Làm vầy khác nào diệt tận gốc cây ươi, phải cả hơn chục năm nữa mới mong có cây ươi khác. Những cây ươi bị cắt nhánh, chẳng bao lâu sẽ chết vì không có lá để quang hợp. Nếu may mắn sống thì cây cũng còi cọc, không thể phát triển để ra hoa đậu trái được” - anh Tr bức xúc.
Dọc đường tuần tra biên giới là loạt đường mòn mới có, cũ có chằng chịt vào rừng. Men theo một trong các đường mòn, chúng tôi phát hiện một cây ươi cổ thụ, đường kính gần 1m bị đốn hạ nằm rạp một góc rừng. Nhặt nhánh lồ ô khô làm thước, chúng tôi đo được chiều dài thân cây đến 35m. Cây bị cắt đổ đè bẹp một vạt rừng rộng, nhiều cây xung quanh bị gãy đổ theo. Điều đáng nói, cây ươi này nằm cách đường tuần tra bảo vệ biên giới chỉ khoảng 50m.
Trên đường trở về hướng rừng Bù Đốp, chúng tôi tiếp tục gặp một nhóm 3 người cũng đang đi về phía rừng Bù Đốp. Cũng với vai người tìm mua ươi, chúng tôi được nhóm này cho biết: Cây ươi khu vực rừng Bù Gia Mập mấy năm nay bị nhiều nhóm càn quét đã cạn kiệt. Giờ chỉ dọc hai bên sông huyện Bù Gia Mập và Bù Đốp có khu vực cầu Đắk Huýt đổ xuống là có ươi chín. Mấy năm trước khó xâm nhập khu vực nhưng gần đây thì khá dễ.
Để dễ dàng cho việc vào rừng khai thác ươi, “ươi tặc” không từ phương pháp nào kể cả đốt rừng. Ở khu vực rừng dốc Bảy Tầng thuộc Tiểu khu 55 rừng Bù Đốp, chúng tôi bắt gặp 6 xe máy phóng rầm rầm từ trong rừng đi ra. Mỗi xe kẹp chở theo một bao hạt ươi khá nặng. Thấy chúng tôi ăn mặc lấm lem, cả nhóm không ngần ngại vừa chỉ tay vừa nói: “Tụi này làm ở tầng thứ 4, chỗ đám cây đang cháy trong đó, cứ theo đường mòn là tới. Mà ươi trong đó cũng bị cắt gần hết rồi”.
Theo hướng chỉ của nhóm người chở ươi, chúng tôi đi khoảng 200m thì đến hiện trường khai thác, hiện ra trước mắt cảnh tan hoang của cây ươi bị đốn hạ, cắt trụi cành không thương tiếc. Khi chúng tôi có mặt, cả vạt rừng ước khoảng trên 1 ha gồm tre, lồ ô, cây nhỏ, cây lớn đã bị đốt cháy đen.
Quá trình thâm nhập điều tra, điều khiến chúng tôi ngạc nhiên là từ đầu cửa rừng huyện Bù Đốp đến khu vực cầu Đắk Huýt đi qua các nơi có cây ươi bị tàn phá là hàng loạt chốt, trạm cố định lẫn di động nhưng “ươi tặc” vẫn vào khai thác và mang hạt ươi ra khỏi rừng. Trong đó, có những chốt chặn được xem là rất hiểm yếu.
M.T
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065