P.V: Xin ông cho biết hiệu quả của quá trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi trên địa bàn tỉnh năm 2014 và những khó khăn cần tháo gỡ?
Ông Nguyễn Văn Tới: Năm 2014, cơ cấu cây trồng, vật nuôi tiếp tục chuyển đổi theo hướng phát huy tiềm năng, lợi thế của tỉnh. Hiện toàn tỉnh có 15.785 ha cà phê, 12.067 ha tiêu, 232.023 ha cao su... Trong đó, diện tích cao su kinh doanh 150.918 ha, tăng 7.937 ha so với năm 2013.
Cán bộ trạm bảo vệ thực vật huyện Hớn Quản (phải) hướng dẫn nông dân xử lý bệnh trên cây tiêu
So với năm trước, đàn trâu, bò giảm do giảm diện tích đồng cỏ bị thu hẹp (đàn bò 28.492 con, giảm 2,17%; đàn trâu 13.092 con, giảm 8,86%). Đàn heo, gà tiếp tục tăng do chăn nuôi trang trại quy mô công nghiệp, bán công nghiệp chiếm tỷ lệ cao (toàn tỉnh có 160 trang trại nuôi heo tập trung và 61 trang trại nuôi gia cầm). Nuôi trồng thủy sản tiếp tục phát triển và đã có nhiều mô hình hiệu quả.
Tuy sản xuất nông nghiệp đạt mức tăng trưởng cao nhưng mới phát triển chiều rộng, các mô hình ứng dụng công nghệ cao chưa nhiều. Tỉnh đã hình thành các vùng chuyên canh cây công nghiệp nhưng chưa hình thành được chuỗi giá trị sản phẩm nên vẫn còn nhiều bất cập trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ. Quản lý quy hoạch sử dụng đất còn nhiều bất cập. Nhiều diện tích đất trồng cây hàng năm được chuyển trồng cây lâu năm, trong khi điều kiện thích nghi của đất hạn chế. Xuất khẩu chủ yếu là sản phẩm thô, còn chăn nuôi phụ thuộc nhiều vào các công ty chăn nuôi có vốn đầu tư nước ngoài từ giống đến thức ăn và tiêu thụ. Nông dân chưa có sự liên kết và hợp tác trong bảo vệ quyền lợi nên dễ bị thua thiệt khi giá cả biến động.
P.V: Để nông nghiệp tỉnh phát triển toàn diện theo hướng hiện đại, bền vững thì việc ứng dụng khoa học - kỹ thuật (KH-KT), tiến bộ công nghệ vào sản xuất đóng vai trò như thế nào. Ngành đã có giải pháp gì để nâng cao hiệu quả, thưa ông?
Ông Nguyễn Văn Tới: Việc đẩy mạnh ứng dụng KH-KT, tiến bộ công nghệ vào sản xuất đóng vai trò rất quan trọng. Với sự hỗ trợ của tổ chức phát triển Hà Lan, Công ty TNHH chế biến gia vị Nedspice Việt Nam và 627 hộ nông dân trồng tiêu đã thực hiện dự án: “Phát triển chuỗi cung ứng tiêu bền vững” tại 3 huyện Lộc Ninh, Bù Đốp, Hớn Quản (trên diện tích 823 ha, năng suất bình quân đạt 3,1 tấn/ha). 202 hộ đã được cấp chứng nhận đạt chất lượng tiêu chuẩn Rainforest, Alliane. Một hợp tác xã ở huyện Bù Đăng đã liên kết với Hiệp hội Điều Việt Nam xây dựng quy trình sản xuất điều sạch với 300 ha. Các giống cao su mới (RRIV1, GT1, BP26...) được nông dân trồng rộng rãi, kết hợp với áp dụng quy trình mới của Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam đã rút ngắn thời gian kiến thiết cơ bản, tăng năng suất. Việc trồng nhiều giống khác nhau đã tạo cơ cấu giống hợp lý, hạn chế lây lan dịch bệnh. Nhiều doanh nghiệp áp dụng quy trình VietGAP vào sản xuất cây ăn trái, đưa công nghệ cao vào sản xuất rau, củ. Chăn nuôi quy mô trang trại tập trung chiếm tỷ lệ khá cao, phát triển chăn nuôi công nghiệp hiện đại, như chuồng lạnh heo (10%) và gà 55% .
Nông dân Bù Đốp phát triển vườn tiêu hiệu quả nhờ ứng dụng KH-KT
Để đẩy mạnh ứng dụng KH-KT, tiến bộ công nghệ vào sản xuất, thời gian tới, ngành sẽ thực hiện đề án đầu tư phát triển điều bền vững. Nhân rộng các mô hình trồng ca cao và chăn nuôi dưới tán điều. Tiếp tục thực hiện chuỗi giá trị bền vững trên cây tiêu, đáp ứng yêu cầu chất lượng tiêu xuất khẩu. Đẩy mạnh phát triển chăn nuôi công nghệ cao, phổ biến rộng rãi mô hình chăn nuôi trên đệm sinh học nhằm phát triển chăn nuôi nông hộ, xây dựng vùng sản xuất an toàn dịch bệnh...
P.V: Xin ông cho biết lộ trình tái cấu trúc ngành nông nghiệp tỉnh? Trồng trọt hay chăn nuôi sẽ là khâu đột phá để thực hiện chủ trương trên?
Ông Nguyễn Văn Tới: Trên cơ sở các đề án tái cơ cấu các lĩnh vực được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê duyệt, sở đã xây dựng báo cáo đề xuất nhằm đưa nội dung tái cơ cấu ngành vào đề án tái cơ cấu chung của tỉnh. Đồng thời, xây dựng riêng biệt các đề án tái cơ cấu các lĩnh vực thuộc ngành, như trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, thủy lợi, lâm nghiệp, chế biến, tiêu thụ và quản lý chất lượng nông - lâm - thủy sản. Sau khi tỉnh phê duyệt xong tái cơ cấu của tỉnh, chúng tôi sẽ trình UBND tỉnh phê duyệt các đề án tái cơ cấu các lĩnh vực thuộc ngành và tổ chức thực hiện theo đề án được duyệt.
Trồng trọt và chăn nuôi là 2 thế mạnh đang có nhiều tiềm năng nên sẽ là ưu tiên hàng đầu trong thực hiện tái cơ cấu ngành.
P.V: Xin cảm ơn ông!
Hải Châu (thực hiện)
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065