Từ nhiều năm nay, các cơ sở chế biến nhân hạt điều xuất khẩu ở Bình Phước nói riêng và trong cả nước nói chung đều sử dụng công nghệ lạc hậu. Nhiều công đoạn trong dây chuyền chế biến của các doanh nghiệp lớn đến các cơ sở nhỏ lẻ đều hoạt động chủ yếu bằng thủ công, nên phải tuyển dụng nhiều lao động phổ thông. Trong khi đó, việc tuyển công nhân lao động ngày một khó khăn và giá nhân công ngày càng cao. Hơn nữa, do sản xuất thủ công nên không bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm.
Hiệp hội Điều Việt Nam đã và đang từng bước giải quyết được tình trạng thiếu hụt lao động, đồng thời giảm cường độ lao động cho công nhân và nâng cao chất lượng sản phẩm - Ảnh: Hoàng Linh
Mặt khác, do công nhân chế biến điều phải làm việc với cường độ cao, nhưng năng suất thấp và tỷ lệ hạt gãy, vỡ nhiều làm cho giá thành sản phẩm giảm. Giải pháp đặt ra cho ngành chế biến hạt điều nhân xuất khẩu là phải ứng dụng công nghệ. Và từ hai năm nay, Hiệp hội Điều Việt Nam đã chủ trì dự án “Hoàn thiện công nghệ, thiết kế, chế tạo máy tự động tách vỏ hạt điều và máy tự động bóc vỏ lụa nhân điều trong dây chuyền chế biến điều xuất khẩu. Với dự án này, Hiệp hội Điều Việt Nam đã và đang từng bước giải quyết được tình trạng thiếu hụt lao động, đồng thời giảm cường độ lao động cho công nhân và nâng cao chất lượng sản phẩm.
Theo Hiệp hội Điều Việt Nam, dự án trên đã mang lại hiệu quả thiết thực. Cụ thể, ở một số nhà máy sử dụng công nghệ mới là máy tự động tách vỏ hạt điều có công suất 1 tấn điều thô/giờ, thu được kết quả 92 đến 94% tỷ lệ nhân bung khỏi vỏ và tỷ lệ hạt vỡ chỉ từ 4 đến 8%. Còn với máy bóc vỏ lụa có công suất 131kg/giờ thì độ sạch của nhân đạt 86% và tỷ lệ hạt vợ dưới 13%. Theo công bố của Hiệp hội Điều Việt Nam, máy bóc vỏ lụa nhân hạt điều đã góp phần nâng cao năng suất lao động gấp ba lần so với bóc thủ công, đồng thời vừa nâng cao chất lượng sản phẩm lại vừa bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm và đạt tiêu chuẩn xuất khẩu cao. Trong khi đó, chi phí diện lại giảm 20% và tỷ lệ thu hồi sản phẩm tăng 2,5 đến 3%.
Đối với máy tách vỏ tự động góp phần nâng cao năng suất lao động gấp đôi so với làm thủ công và qua đó giúp doanh nghiệp giảm được ½ số lao động. Theo kết quả tạm tính của Hiệp hội Điều Việt Nam, nếu một cơ sở chế biến điều có đủ nguyên liệu sản xuất liên tục trong một năm thì một máy bóc vỏ lụa hạt điều sẽ mang lại cho chủ doanh nghiệp khoản giá trị gia tăng khoảng 2 tỷ đồng/năm so với việc sử dụng công nghệ cũ. Còn với một máy tách vỏ tự động sẽ mang lại giá trị gia tăng cho chủ doanh nghiệp trong một năm khoảng 3 tỷ đồng so với công nghệ cũ.
Đối với doanh nghiệp chế biến điều nếu ứng dụng công nghệ mới được sản xuất trong nước thì còn có lợi nữa là giảm được chi phí đầu tư. Cụ thể là với máy tách vỏ tự động của dự án chỉ là 400 triệu đồng/máy, còn máy nhập khẩu lên tới 800 ngàn USD/máy. Cò máy bóc vỏ lụa tự động sản xuất trong nước là 160 triệu đồng, so với máy cùng loại nhập từ nước ngoài là 30.000 USD. Nếu gần 200 cơ sở chế biến ở Bình Phước ứng dụng công nghệ mới sẽ tiết kiệm được khoản tiền đầu tư không nhỏ so với việc nhập khẩu thiết bị từ nước ngoài. Đồng thời, khoản thu từ giá trị gia tăng do áp dụng công nghệ mới đối với các cơ sở chế biến mỗi năm không phải là ít.
Từ những lợi thế trên, Hiệp hội Điều Việt Nam đã đề ra kế hoạch đến hết năm 2012, tất cả các doanh nghiệp thành viên của Hiệp hội sẽ trang bị xong hệ thống máy tự động. Mục đích của hiệp hội là phấn đấu giảm chi phí chế biến 1kg nhân hạt điều thành phẩm xuống còn 1.000 đồng, thay vì 3 đến 4.000 đồng/kg như hiện nay. Và như vậy, ngành chế biến điều xuất khẩu của Việt Nam sẽ tăng tính cạnh tranh trên thị trường thế giới. Đồng thời, một khi các máy móc thuộc dự án này được ứng dụng rộng rãi vào sản xuất sẽ tác động tích cực đến việc phát triển ngành cơ khí chế tạo thiết bị chuyên dùng và chiến lược phát triển của ngành điều. Qua đó sẽ tạo thêm hàng ngàn việc làm mới với thu nhập ổn định cho người dân trồng điều trong cả nước.
ĐT
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065