Tại kỳ họp HĐND tỉnh lần thứ 8 diễn ra từ ngày 4 đến 6-12-2013, UBND tỉnh đã có Văn bản số 249/BC-UBND trả lời những vấn đề đã hứa, ý kiến kiến nghị của cử tri. Dưới đây, Binhphuoc Online xin giới thiệu cùng bạn đọc nội dung của văn bản này:
Về thực hiện các giải pháp của Bộ Tài chính giảm 10% chi thường xuyên trong 7 tháng cuối năm 2013, hạn chế tối đa chi phát sinh, cắt giảm các khoản chi không cần thiết, khi tồn quỹ ngân sách thấp thì chỉ ưu tiên chi lương và các khoản có tính chất lương để đảm bảo hoạt động của bộ máy.
Quốc lộ 13 được nhiều cử tri quan tâm.
Song song với việc khai thác tốt các nguồn thu, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành, địa phương thực hiện các giải pháp tiết kiệm chi, cụ thể như sau: Trên cơ sở dự toán được giao năm 2013, ngoài các khoản chi tiết kiệm theo quy định, tiếp tục thực hiện tiết kiệm chi thêm 10% dự toán chi thường xuyên của 7 tháng còn lại năm 2013; thực hiện tiết kiệm chi 10% từ nguồn thu phí để lại cho đơn vị chi theo quy định đối với các đơn vị có thu phí. Kết quả tiết kiệm chi thêm 10% đạt 43,203 tỷ đồng. Thực hiện thu hồi các dự án đầu tư xây dựng cơ bản và các khoản chi thường xuyên được bố trí trong kế hoạch năm 2013 nhưng đến hết ngày 30-6-2013 chưa mở tài khoản giao dịch tại Kho bạc nhà nước hoặc chưa triển khai thực hiện. Tập trung thực hiện các khoản chi theo dự toán được duyệt, đồng thời thực hiện tạm hoãn, giãn chi những khoản chi chưa thật sự cần thiết trong dự toán được giao, tập trung nguồn lực để chi lương, phụ cấp, bảo hiểm xã hội. Chỉ đạo Sở tài chính phối hợp với Kho bạc nhà nước tỉnh kiểm tra để giãn tiến độ giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản được bố trí từ nguồn thu tiền sử dụng đất phù hợp với số thu tiền sử dụng đất. Để đảm bảo khi tồn quỹ ngân sách thấp không ảnh hưởng đến hoạt động bộ máy của các cơ quan, đơn vị, UBND tỉnh ban hành văn bản xây dựng định mức tồn quỹ năm 2013, trong đó nêu rõ “Trường hợp tồn quỹ ngân sách xuống còn 10 tỷ đồng thì ưu tiên thực hiện thanh toán các khoản chi lương và có tính chất lương”.
Đề nghị với Bộ Giao thông - Vận tải và Chính phủ đầu tư từ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ đối với quốc lộ 14, đoạn cầu 38 - Cây Chanh, Đồng Xoài - Chơn Thành; đoạn Đồng Xoài - cầu 38 tiếp tục đầu tư bằng hình thức BOT. Sau khi được chấp thuận, trình Bộ Giao thông - Vận tải phương án đầu tư cụ thể đối với từng dự án.
Như đã hứa với cử tri, thời gian qua UBND tỉnh đã kiến nghị với Thủ tướng chính phủ, Bộ Giao thông - Vận tải và các bộ, ngành trung ương chấp thuận cho chuyển đổi hình thức đầu tư từ BOT sang sử dụng vốn trái phiếu chính phủ đối với 2 dự án trên. Ngày 9-9-2013, Thủ tướng chính phủ đã có Công văn số 1435/TTG-KTN đồng ý về nguyên tắc chuyển đổi. Trên cơ sở đó Bộ Giao thông - Vận tải cũng đã có Công văn số 9931/BGTVT-KHĐT ngày 19-9-2013 giao Ban QLDA đường Hồ Chí Minh phối hợp với các cơ quan ban ngành của tỉnh tiến hành rà soát, thực hiện thủ tục tiếp nhận các dự án theo quy định. Ngày 1-10-2013, UBND tỉnh có Công văn số 3156/UBND-KTN về dừng thi công, thanh lý hợp đồng các dự án trên và giao sở Giao thông - Vận tải phối hợp với Ban QLDA đường Hồ Chí Minh và các nhà đầu tư tiến hành bàn giao hồ sơ pháp lý, trách nhiệm quản lý 2 dự án này cho Ban QLDA đường Hồ Chí Minh tiếp tục thực hiện theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng chính phủ và Bộ Giao thông - Vận tải. Bên cạnh đó, sở Giao thông - Vận tải và Ban QLDA đường Hồ Chí Minh cũng đã thống nhất chọn 2 đơn vị tư vấn của bộ thực hiện kiểm đếm khối lượng đã thực hiện của các nhà đầu tư để làm cơ sở thanh lý hợp đồng với các nhà đầu tư, thực hiện điều chỉnh dự án theo quy mô của Bộ Giao thông - Vận tải nhằm có cơ sở sớm khởi công lại dự án vào cuối năm 2013 như ý kiến chỉ đạo của Bộ Giao thông - Vận tải. Trong giai đoạn chờ hoàn chỉnh thủ tục này Ban QLDA đường Hồ Chí Minh sẽ có trách nhiệm thực hiện đảm bảo giao thông trên các tuyến, đặc biệt đoạn Cây Chanh - cầu 38.
Kiến nghị Thủ tướng chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) cho chủ trương chuyển đổi một số diện tích đất rừng nghèo kiệt, tạo quỹ an sinh xã hội. Tiến hành bàn giao diện tích cao su thuộc quỹ an sinh xã hội đã có cho các hộ đủ điều kiện theo phương án sau khi được tỉnh ủy thuận chủ trương.
Nội dung này UBND tỉnh đã có Tờ trình số 15/TTr-UBND ngày 13-3-2013 kiến nghị Thủ tướng chính phủ xem xét, cho tiếp tục thực hiện các dự án chuyển đổi một số diện tích đất rừng nghèo kiệt, tạo quỹ an sinh xã hội. Đồng thời, trong báo cáo kết quả 2 năm thực hiện Chỉ thị 1685/CT-TTg ngày 27-9-2011 của Thủ tướng chính phủ, UBND tỉnh cũng đã đề xuất, kiến nghị Bộ NN&PTNT xem xét, cho tiếp tục triển khai thực hiện các dự án chuyển đổi rừng trên địa bàn tỉnh.
Tập trung giải quyết khiếu nại tố cáo, trọng tâm là bố trí đất sản xuất, giải quyết việc làm ổn định đời sống cho nhân dân.
Căn cứ tình hình và kết quả giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo đông người phức tạp trên địa bàn tỉnh, kết quả làm việc với thường trực huyện ủy và UBND các huyện Bù Đăng, Bù Đốp, Bù Gia Mập, Đồng Phú và Binh đoàn 16 để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong giải quyết khiếu nại trên địa bàn tỉnh, trong đó tập trung chỉ đạo tháo gỡ khó khăn về hỗ trợ đất sản xuất, hỗ trợ việc làm cho các hộ gặp khó khăn. UBND tỉnh báo cáo kết quả thực hiện cụ thể như sau:
Về chính sách hỗ trợ việc làm, nhìn chung các đơn vị địa phương đã tiến hành thông báo cho nhân dân biết để đăng ký nhu cầu; đồng thời các đơn vị cũng đã chủ động làm việc với các công ty, chủ dự án để thống nhất kế hoạch tuyển dụng lao động nhằm hỗ trợ cho những hộ khiếu nại khó khăn ổn định cuộc sống. Tuy nhiên, theo báo cáo của các đơn vị cho thấy, do các công ty cao su, các chủ dự án cơ bản đều đã ổn định lực lượng lao động nên chỉ tiêu tuyển dụng là không nhiều, mặt khác yêu cầu về trình độ, kỹ thuật tay nghề khá cao nên hầu hết các hộ không đáp ứng được. Hiện các địa phương đang tiến hành rà soát, đánh giá cụ thể lại để có hướng đề xuất tỉnh ủy, UBND tỉnh chỉ đạo cụ thể.
Về việc hỗ trợ đất: Việc thu hồi đất 134 bị lấn chiếm tại Tiểu khu 42-NLT Đắk Ơ, huyện Bù Gia Mập: Tổng diện tích thu hồi tại khoảnh 5, 6, 7 Tiểu khu 42, NLT Đắk Ơ là 220 ha, UBND huyện Bù Gia Mập đã kiểm tra, rà soát, cụ thể: Có 177 hộ lấn chiếm (có 126 hộ người kinh và 51 hộ đồng bào dân tộc Xêtiêng). Các hộ đã trồng cây điều, tiêu, cà phê, cao su, mì từ các năm 2001, 2007, 2008, 2009, 2010, 2011, 2012 với tổng diện tích 127,879 ha (cây cao su 1,07 ha; cây cao su xen mì 15,673 ha; cây điều xen mỳ 66,013ha; cây cà phê xen điều 7,895 ha; cây điều 4,954 ha; cây cà phê 0,569 ha; có 6.300 trụ tiêu tương ứng 1,28 ha; cây mì 30,425 ha; nhà gỗ lợp tôn: 9 cái, giếng 5 cái, 1 ao cá, diện tích 20 m2). Số diện tích còn lại khoảng 100 ha chưa xác minh được vì người dân không hợp tác. Hiện UBND tỉnh đã chỉ đạo thành lập Ban chỉ đạo thu hồi đất để tiếp tục giải quyết.
Về việc bố trí 22 ha hỗ trợ cho các hộ khiếu nại có khó khăn về đất tại Bù Đốp: Ngày 8-7-2013, UBND tỉnh ban hành Công văn số 2151/UBND-KTN về việc thuận quy hoạch 21,9 ha đất tại tiểu khu 65, thuộc Nông lâm trường Bù Đốp giao về cho địa phương. UBND huyện đã phân lô, cắm mốc và giao đất ngoài thực địa cho 18 hộ dân không có đất ở, thiếu đất sản xuất (đợt 01), mỗi hộ 1 ha. Trong đó: 17 hộ đồng ý nhận đất, 1 hộ không đồng ý nhận đất là hộ bà Cao Thị Thúy Nga, với lý do giao không đúng với diện tích đất trong đối thoại.
Về việc bố trí đất sản xuất hỗ trợ cho các hộ dân tại huyện Bù Đăng: Tỉnh ủy đã có chủ trương (Thông báo số 2025-TB/TU ngày 25-6-2013) giao cho UBND huyện Bù Đăng làm việc với công ty cổ phần - đầu tư xây dựng Phú Thịnh sử dụng 200 ha đất vườn cây cao su của quỹ an sinh xã hội và 100 ha đất tại tiểu khu 177 để giao cho các hộ dân đủ điều kiện cấp đất. UBND huyện Bù Đăng đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn đo, vẽ, phân lô và lập bản đồ đối với diện tích tại quỹ an sinh xã hội của huyện để chuẩn bị công tác giao đất cho các hộ dân. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện, các hộ dân thụ hưởng chính sách cấp đất sản xuất đều là các hộ dân nghèo, không có đất sản xuất và đa phần là đồng bào dân tộc thiểu số nên không có tiền để nộp 50% số tiền đã đầu tư cây trồng. Mặt khác, việc thu hồi 200 ha cao su của công ty Phú Thịnh để làm quỹ ASXH cần một khoản kinh phí rất lớn, khoảng 18 tỷ đồng. Ngân sách huyện không đảm bảo đủ để cân đối và cần có sự hỗ trợ của tỉnh, nên chưa thực hiện được.
Thực hiện có hiệu quả các chính sách an sinh xã hội, phối hợp chặt chẽ các ngành từ tỉnh tới huyện, xã trong việc rà soát, kịp thời hỗ trợ đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số và các hộ gia đình thực sự khó khăn do bị thu hồi đất và có nhu cầu cấp đất sản xuất, giải quyết bản chất cốt lõi của khiếu nại là “đất sản xuất”.
Việc tìm hiểu hoàn cảnh khó khăn của các hộ khiếu nại cho thấy bản chất của các vụ việc khiếu nại, tố cáo “là đất sản xuất”. Qua công tác rà soát, giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp, đông người theo Báo cáo Kết luận số 13/BC-TTCP và Kế hoạch 1130/KH-TTCP của Thanh tra chính phủ, các đoàn công tác đã phối hợp chặt chẽ với hội đồng giải quyết của các huyện để tiến hành thẩm tra, xác minh vụ việc và xem xét hoàn cảnh đời sống của từng hộ để tham mưu đề xuất giải quyết đúng vấn đề cốt lõi của các vụ việc là “đất sản xuất”. Qua đó đã xác định được có 62/204 hộ trong số 22 vụ việc theo Kế hoạch 1130/KH-TTCP có khó khăn cần được giải quyết hỗ trợ về đất sản xuất; 304/594 hộ trong số vụ việc giải quyết theo Báo cáo kết luận 13/BC-TTCP có khó khăn cần hỗ trợ đất sản xuất hoặc hỗ trợ việc làm.
Tuy nhiên, do quỹ đất của các địa phương không còn, một số diện tích rừng nghèo dự kiến quy hoạch để bố trí cho đến nay vẫn chưa được Chính phủ xem xét phê duyệt chuyển đổi nên đa số các hộ vẫn chưa được hỗ trợ đất để ổn định cuộc sống, chấm dứt khiếu nại.
Đề nghị UBND tỉnh phân tích rõ tình hình nợ ngân sách hiện nay như: nợ vay ngân sách Trung ương, Kho bạc nhà nước và của các đơn vị trong tỉnh. Biện pháp giải quyết vấn đề này?
Tổng số dư nợ đến ngày 30-11-2013 là: 372,450 tỷ đồng, trong đó: Vay Ngân hàng phát triển: 222,450 tỷ đồng. Trong năm 2013 đã chi trả 49,600 tỷ đồng nợ gốc cho Ngân hàng phát triển bằng 100% kế hoạch năm. Tạm ứng vốn nhàn rỗi KBNN: 150 tỷ đồng, để thực hiện các dự án sau: Giải tỏa đề bù trung tâm hành chính (TTHC) huyện Hớn Quản: 20 tỷ đồng. Hỗ trợ đầu tư TTHC huyện Hớn Quản: 65 tỷ đồng. Hỗ trợ đầu tư TTHC huyện Bù Gia Mập: 65 tỷ đồng. Số tạm ứng trên theo kế hoạch phải hoàn trả trong năm 2013. Tuy nhiên, Bộ Tài chính đã chấp thuận gia hạn hoàn trả trong năm 2014 (Công văn số 9743/BTC-KBNN ngày 26-7-2013 của Bộ Tài chính).
Hiện nay UBND tỉnh ban hành nhiều Đề án nhưng không đảm bảo kinh phí thực hiện vì vậy khó triển khai thực hiện được. Đề nghị UBND tỉnh khi xây dựng đề án cần chủ động cân đối nguồn kinh phí thực hiện (kinh phí ở đâu, bao nhiêu, thời điểm giải ngân), nếu không cân đối được kinh phí đề nghị không ban hành đề án (cụ thể Chương trình nông thôn mới kết quả chưa rõ rệt, chậm tiến độ do thiếu kinh phí).
Dự toán điều chỉnh HĐND tỉnh giao thu tiền sử dụng đất khối tỉnh là: 605 tỷ đồng, sau khi loại trừ ghi thu, ghi chi bố trí chi xây dựng cơ bản từ nguồn thu tiền sử dụng đất cho xây dựng nông thôn mới là 50 tỷ đồng.
Đến thời điểm ngày 29-11-2013, số thu tiền sử dụng đất khối tỉnh là 63,654 tỷ đồng. Sau khi loại trừ số 40% của các huyện, thị xã điều tiết về ngân sách tỉnh 48,7 tỷ đồng; như vậy thực tế phát sinh thu tiền sử dụng đất của ngân sách tỉnh chỉ là 14,954 tỷ đồng (63,654 tỷ đồng - 48,7 tỷ đồng). Do số thu từ tiền sử dụng đất khối tỉnh không đạt kế hoạch nên hiện tại không có nguồn để tiếp tục giải ngân cho chương trình nông thôn mới theo tiến độ.
Các vấn đề liên quan đến thu ngân sách: Thứ nhất là đối với việc hụt thu ngân sách cần làm rõ hụt thu ở khoản nào, bao nhiêu, đơn vị nào chịu trách nhiệm khoản thu không đạt. Thu ngân sách ước thực hiện 4.000 tỷ có thể đạt được không?
Tổng số ước cả năm là 4.000 tỷ đồng, đạt 86,69% dự toán điều chỉnh HĐND tỉnh. Số tuyệt đối ước giảm cân đối 640 tỷ đồng, cụ thể: Các khoản ước tăng thu cân đối: 24 tỷ đồng, bao gồm: Thuế sử dụng đất nông nghiệp: 2,5 tỷ đồng. Tiền thuê mặt đất, mặt nước: 3,5 tỷ đồng. Thu khác ngân sách: 18 tỷ đồng. Các khoản ước giảm thu cân đối: 664 tỷ đồng, bao gồm: Thu từ DNNN Trung ương và địa phương: - 212 tỷ đồng. Thu từ DN có vốn đầu tư nước ngoài: - 4 tỷ đồng. Thuế công thương nghiệp ngoài QD: - 200 tỷ đồng. Thu tiền sử dụng đất: - 160 tỷ đồng. Thuế thu nhập cá nhân: - 60 tỷ đồng. Các khoản thu cân đối khác: - 28 tỷ đồng. Chênh lệch giảm thu cân đối: (24 tỷ đồng – 664 tỷ đồng) = - 640 tỷ đồng.
Thứ hai: Về tình hình thực hiện ngân sách năm 2013 và dự toán năm 2014: Đề nghị đánh giá lại vì trong điều điều kiện thu ngân sách khó khăn hiện nay (dự kiến hụt thu khoảng 600 - 965 tỷ đồng), nhưng theo báo cáo của UBND tỉnh sau khi cân đối dự kiến ngân sách tồn quỹ 370 tỷ đồng (trong đó số chi tạm ứng các năm trước chuyển sang là 339 tỷ đồng) là không thuyết phục.
Tổng số ước chi ban đầu là 6.280 tỷ đồng, tuy nhiên, sau khi phấn đấu tăng thu thêm 265 tỷ đồng, trong đó số thu cân đối tăng là 250 tỷ đồng. Với số tăng thu như trên, UBND tỉnh đã điều chỉnh số ước chi năm 2013 từ 6.280 tỷ đồng lên 6.333 tỷ đồng (tăng chi đầu tư xây dựng cơ bản và chi thường xuyên 290 tỷ đồng và giảm chi chuyển nguồn tạm ứng sang năm sau 237 tỷ đồng), với số tăng, giảm chi như trên thì tồn quỹ ngân sách ước còn 10 tỷ đồng.
Thứ ba: Đề nghị UBND tỉnh báo cáo rõ hơn về căn cứ của 5 biện pháp đề ra nhằm xử lý khoản hụt thu cân đối là 305 tỷ đồng, làm rõ thêm về cơ sở tính toán, với những con số cụ thể và tính khả thi của 5 biện pháp đã nêu?
Số tuyệt đối ước giảm cân đối năm 2013 là 640 tỷ đồng, nếu loại trừ 160 tỷ đồng thu tiền sử dụng đất thì số hụt thu trong cân đối là 480 tỷ đồng. Số hụt thu này, UBND tỉnh đã làm việc với Bộ Tài chính thống nhất xem xét bù hụt thu 50% nguồn chi lương năm 2013 là 220 tỷ đồng. Số 50% còn lại, UBND tỉnh sẽ chỉ đạo các sở, ban, ngành và các huyện, thị xã chủ động thực hiện các biện pháp để cân đối như đã báo cáo. Biện pháp đã nêu có tính khả thi, dựa trên cơ sở tính toán với những con số cụ thể như sau: Thực hiện thu hồi vốn các dự án đầu tư xây dựng cơ bản được bố trí trong kế hoạch 2013 nhưng đến hết 30-6-2013 các cơ quan, đơn vị chưa mở tài khoản giao dịch tại Kho bạc nhà nước là 36 tỷ đồng cụ thể các dự án: Đường vào khu căn cứ hậu cần kỹ thuật (Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh). Đường dây trung hạ thế vào khu căn cứ hậu cần kỹ thuật (Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh). Nhà khách, nhà ở công vụ (Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh). Đường Lộc Tấn - Bù Đốp từ đường N1 đến bến xe mới của huyện Bù Đốp (UBND huyện Bù Đốp). Trường quân sự địa phương (Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh). Trường mầm non xã An Phú huyện Hớn Quan (UBND huyện Hớn Quản). Xây dựng Trường THPT Phước Bình thị xã Phước Long (Sở GD-ĐT). Xây dựng nhà tập đa năng THPT Bình Long (Sở GD-ĐT).
Rà soát để giảm chi các khoản kinh phí đã bố trí trong dự toán để thực hiện mua sắm, sửa chữa nhưng chưa thực sự cấp bách hoặc đến hết qúy III/2013 chưa phê duyệt dự toán hoặc chưa triển khai thực hiện là 30 tỷ 400 triệu đồng, trong đó: Khối tỉnh: 57 đơn vị với số tiền là 11 tỷ 300 triệu đồng; Khối huyện, thị: 19 tỷ 100 triệu đồng.
Rà soát các dự án đầu tư đã được bố trí kế hoạch vốn năm 2013 (kể cả dự án chuyển tiếp và khởi công mới) nhưng đến ngày 30-6-2013 chưa triển khai hoặc chưa nghiệm thu khối lượng hoàn thành thì thu hồi vốn để bổ sung vào dự phòng ngân sách địa phương là 24 tỷ đồng chủ yếu là khối huyện, thị.
Thực hiện nghiêm các giải pháp của Chính phủ tại Chỉ thị số 09/CT-TTg ngày 24-5-2013 của Chính phủ về việc tăng cường chỉ đạo điều hành thực hiện nhiệm vụ tài chính ngân sách năm 2013, cụ thể: Thực hiện tiết kiệm thêm 10% dự toán chi thường xuyên còn lại của những tháng cuối năm. Tập trung điều hành sử dụng trong phạm vi 50% nguồn dự phòng ngân sách đã bố trí trong dự toán của từng cấp để xử lý các nhiệm vụ cấp bách phát sinh như: phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh, quốc phòng, an ninh...; nguồn dự phòng ngân sách còn lại để chủ động xử lý khi nguồn thu ngân sách nhà nước giảm lớn: (khoảng 50 tỷ đổng).
Thứ tư: Thu ngân sách không đạt ảnh hưởng trợ cấp ngân sách cho các huyện thị, đề nghị UBND tỉnh quan tâm có giải pháp trợ cấp cho các huyện thị theo Nghị quyết HĐND tỉnh giao.
UBND tỉnh đã làm việc với Bộ Tài chính, đã được Bộ Tài chính thống nhất số giảm thu cân đối của địa phương năm 2013 và sẽ tạm cấp phần ngân sách Trung ương bổ sung cho ngân sách địa phương khoảng 50%, tỉnh sẽ dành khoản này để đảm bảo chi lương, phụ cấp, BHXH đến cuối năm 2013.
Số thu phát sinh mới trong quý IV năm 2013 để chi cho các nhiệm vụ còn lại của những tháng cuối năm, trong đó ưu tiên để hoàn chi cho chương trình mục tiêu, kiên cố hóa kênh mương… và giải quyết bổ sung cân đối cho các huyện, thị.
Thứ năm: Chỉ tiêu thu ngân sách trong các chỉ tiêu nhiệm vụ 2014 phải có kế hoạch chi tiết cho từng khoản thu để đề ra giải pháp đúng, đảm bảo kế hoạch thu ngân sách.
Khi xây dựng kế hoạch thu năm 2014, căn cứ vào Chỉ thị của Thủ tướng chính phủ, hướng dẫn của Bộ Tài chính, tình hình thực tế tại địa phương ngành thuế đã xây dụng dự toán thu năm 2014 cho từng chỉ tiêu cụ thể và phân bổ cho các huyện, thị, đơn vị đảm bảo thu đạt kế hoạch.
Một số chỉ tiêu nhiệm vụ năm 2013 không đạt, nguyên nhân khi xây dựng các chỉ tiêu UBND tỉnh đã không đánh giá đúng tình hình, thiếu tính thực tế; khi thực hiện không đạt thì chưa phân tích làm rõ nguyên nhân và có giải pháp cụ thể. Đề nghị UBND tỉnh giải trình làm rõ, đánh giá đúng nguyên nhân chủ quan, khách quan trong việc thực hiện không đạt các chỉ tiêu đề ra.
Trong 22 chỉ tiêu, nhiệm vụ năm 2013 được HĐND tỉnh giao, dự kiến có 4 chỉ tiêu không đạt gồm: (1) Tốc độ tăng trưởng kinh tế, (2) Thu ngân sách, (3) Chi ngân sách, (4) Số bác sĩ/vạn dân. UBND tỉnh xin giải trình, làm rõ nguyên nhân cụ thể như sau:
Về chỉ tiêu tốc độ tăng trưởng kinh tế: Năm 2013 tình hình kinh tế của tỉnh cực kỳ khó khăn do bị ảnh hưởng bởi diễn biến phức tạp, khó lường của kinh tế toàn cầu và khu vực. Bên cạnh đó, trong nước tình hình thiên tai, dịch bệnh liên tiếp xảy ra cùng với việc kiềm chế lạm phát, thực hiện chính sách thắt chặt tài khóa và tiền tệ, đồng thời nợ xấu tăng cao làm tắc nghẽn nguồn vốn tín dụng làm cho doanh nghiệp khó khăn về vốn.
Sản xuất kinh doanh gặp khó khăn về thị trường và vốn, toàn tỉnh có trên 3.000 doanh nghiệp đăng ký hoạt động thì trong năm 2013 có 998 doanh nghiệp ngừng, nghỉ, giải thể, phá sản, 654 doanh nghiệp không phát sinh doanh thu, chỉ có 874 doanh nghiệp báo cáo ước có lãi để nộp thuế thu nhập doanh nghiệp.
Công nghiệp - xây dựng nói chung vẫn tăng trưởng và có xu hướng phục hồi nhưng tốc độ tăng thấp (10,9% so chi tiêu tính toán 19%) một số nhà máy lớn như nhà máy sản xuất ethanol và các nhà máy vệ tinh do thị trường tiêu thụ chưa phát triển nên không đưa vào sản xuất như dự kiến, lĩnh vực xây dựng tăng trưởng thấp do vốn đầu tư trong dân, doanh nghiệp và nhà nước giảm.
Thời tiết không thuận lợi, ảnh hưởng khá lớn đến sản lượng, năng suất cây điều dẫn đến nguồn nguyên liệu giảm; giá cả các mặt hàng nông sản của tỉnh xuống thấp; đặc biệt mặt hàng chủ lực của tỉnh là giá mủ cao su giá cả xuống thấp nhất trong các năm gần đây (năm 2011 giá bình quân 90 triệu đồng/tấn, năm 2012 giá bình quân trên 60 triệu đồng/tấn thì đến năm 2012 giá bình quân chỉ còn trên 40 triệu đồng/tấn). Thị trường tiêu thụ hàng hóa nội địa, sức mua trong dân giảm sút do thu nhập giảm.
Từ những khó khăn cơ bản, chủ yếu như trên, hệ quả là tăng trưởng kinh tế không đạt như mong muốn, thu ngân sách đạt thấp. Tuy nhiên ước tốc độ tăng trưởng của năm 2013 tăng 9,59% (theo giá cố định 1994) là hợp lý.
Về chỉ tiêu thu ngân sách, chi ngân sách đạt thấp: UBND tỉnh đã giải trình cụ thể ở phần trên. Về chỉ tiêu số bác sĩ/vạn dân không đạt như kế hoạch do những nguyên nhân sau: Số bác sĩ được cử đi đào tạo liên thông có kết quả trúng tuyển đầu vào chưa cao, số bác sĩ tốt nghiệp ra trường hàng năm chưa đáp ứng nhu cầu. Chính sách thu hút cán bộ có trình độ đại học trở lên trong đó có bác sĩ chưa đạt hiệu quả như mong muốn do điều kiện kinh tế - xã hội của tỉnh còn thấp, chế độ đãi ngộ chưa cao so với các tỉnh thành trong khu vực Đông Nam bộ.
Về đề nghị điều chỉnh một số số liệu như: tỷ lệ phổ cập giáo dục mầm non 5 tuổi ước cả năm là 51,35% (so với báo cáo là 51% ) và tỷ lệ phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi ước cả năm là 80,18% (so với báo cáo là 81%), UBND tỉnh xin tiếp thu để chỉnh lý.
Báo cáo của UBND tỉnh bỏ sót nhiều các nội dung cần đánh giá về công tác Dân tộc, tôn giáo, Chương trình xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư. Đề nghị UBND tỉnh bổ sung kết quả thực hiện công tác này.
Báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội năm 2013 và phương hướng nhiệm vụ năm 2014 của UBND tỉnh là báo cáo đánh có tính tổng hợp chung, do đó một số lĩnh vực chỉ được đánh giá ngắn gọn. Đối với các đánh giá về công tác dân tộc, tôn giáo, Chương trình xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư như kiến nghị của đại biểu được trình bày chi tiết trong các báo cáo, đề án chuyên đề hàng năm theo nhiệm vụ được Thường trực Tỉnh ủy, UBND tỉnh chỉ đạo thực hiện. Nếu đại biểu quan tâm nghiên cứu xin liên hệ với Văn phòng UBND tỉnh để được cung cấp.
Đối với các chỉ tiêu nhiệm vụ 2014 như: Xem xét, rà soát lại hệ thống chỉ tiêu kinh tế - xã hội khó đánh giá thực hiện như: tỷ lệ che phủ rừng... để đưa vào Nghị quyết HĐND cho phù hợp với địa phương; bổ sung một số chỉ tiêu về an ninh - quốc phòng như: các giải pháp kiềm chế, giảm tai nạn giao thông trên địa bàn tỉnh,…
Hầu hết các chỉ tiêu đưa vào Nghị quyết HĐND tỉnh là những chỉ tiêu chủ yếu trên 3 lĩnh vực kinh tế - xã hội – môi trường. Đối với chỉ tiêu tỷ lệ che phủ rừng chung là chỉ tiêu quan trọng của lĩnh vực môi trường gắn với phát triển bền vững nên luôn được Trung ương yêu cầu đề ra chỉ tiêu và đánh giá thực hiện cụ thể. Riêng đối với chỉ tiêu về an ninh - quốc phòng như: kiềm chế, giảm tai nạn giao thông trên địa bàn tỉnh... thì hiện nay chưa có quy định nên chưa đưa vào chỉ tiêu trong Nghị quyết HĐND .
Về phương hướng phát triển dịch vụ (trang 15 Báo cáo số 236/BC-UBND) đề ra mục tiêu khá rộng có phù hợp trong khi khu bảo tồn văn hóa Sóc Bom Bo chưa hoàn thiện và đã xuống cấp. Với ngân sách còn đang khó khăn như hiện nay, việc đầu tư như vậy có đúng mục đích không?
Việc đầu tư Khu bảo tồn văn hóa dân tộc Xêtiêng - sóc BomBo nằm trong định hướng quy hoạch phát triển du lịch và là một trong những khu du lịch trọng điểm của tỉnh được Trung ương hỗ trợ đầu tư và địa phương đối ứng vốn. Do đó, việc đầu tư hiện nay là cần thiết và đúng mục đích. Tuy nhiên, do nguồn vốn ngân sách nhà nước còn gặp nhiều khó khăn nên dự án sẽ tiếp tục được đầu tư từng bước theo khả năng bố trí vốn của ngân sách Trung ương và vốn đối ứng của ngân sách tỉnh.
Tình trạng xuống cấp, tiến độ thi công chậm, không đảm bảo của quốc lộ 13, 14, đường Sao Bọng - Đăng Hà dẫn đến tình trạng tai nạn giao thông thường xuyên xảy ra. Đề nghị UBND tỉnh nêu rõ nguyên nhân, giải pháp khắc phục cụ thể.
Đối với các dự án BOT trên QL 14 (đoạn Cây Chanh - cầu 38 và đoạn Đồng Xoài - Chơn Thành) đã chuyển sang dùng vốn Trái phiếu chính phủ theo chỉ đạo của Thủ tướng chính phủ như đã trình bày ở phần trên.
Đối với dự án BOT QL14 đoạn Cầu 38 - Đồng Xoài: Nhà đầu tư đã cam kết với Bộ Giao thông - Vận tải và UBND tỉnh hoàn thành chậm nhất cuối quý I/2014. Tuy nhiên, qua đôn đốc, kiểm tra thực tế từ lúc bàn giao trạm về cho Nhà đầu tư quản lý đến nay thì khả năng hoàn thành dự án vào cuối quý I/2014 là rất khó khăn. Để có cơ sở tham mưu cho UBND tỉnh và Bộ Giao thông vận tải xử lý nhà đầu tư này, Sở Giao thông - Vvận tải sẽ phối hợp với Ban QLDA đường Hồ Chí Minh (đơn vị thay mặt Bộ GTVT quản lý toàn bộ dự án trên QL14) kiểm tra, chấn chỉnh và yêu cầu nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ. Nếu trong tháng 12-2013 mà vẫn chưa có chuyển biến tích cực thì sẽ kiến nghị xử lý theo quy định, hoặc tạm ngưng thu phí cho đến khi nhà đầu tư xây dựng hoàn thành dự án mới cho thu phí lại.
Đối với QL13 đoạn An Lộc - Hoa Lư: UBND tỉnh đã giao cho Sở Giao thông - Vận tải tiếp tục tăng cường công tác quản lý chất lượng các công trình, đôn đốc Nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ, đảm bảo an toàn giao thông trên đường đang khai thác và phấn đấu hoàn thành công trình giai đoạn I trước quý I/2014. Đồng thời để các cổ đông yên tâm tiếp tục thực hiện dự án theo như chủ trương mà tỉnh đã thống nhất trước đây nhằm hỗ trợ cho dự án khả thi, UBND tỉnh sẽ giao Sở Tài chính sớm tham mưu xử lý các vấn đề liên quan đến tài chính của dự án theo kiến nghị của Nhà đầu tư, để Nhà đầu tư tiếp tục thực hiện phấn đấu hoàn thành trước ít nhất 7-9m mặt đường nhựa trước tết Nguyên đán Giáp Ngọ năm 2014.
Đối với Dự án đường từ Trung tâm xã Thống Nhất đến ngã 3 Sao Bộng thuộc tuyến ĐT.755B (đường Sao Bọng - Đăng Hà cũ): Dự án được giao cho sở NN&PTNT làm chủ đầu tư, hiện nay đã có 3 gói thầu triển khai thi công, trong đó gói thầu 1 và 2 đi qua địa bàn xã Đăng Hà đã cơ bản hoàn thành, gói thầu 6 từ ngã ba Sao Bọng Km0+000 (giao với QL14) đến Km5+000 mới triển khai thi công và dự án đang được Sở Nông nghiệp và PTNT điều chỉnh thiết kế để tăng kết cấu đường nhằm tăng khả năng chịu tải của tuyến đường. Tuy nhiên trong thời gian chờ sở NN& PTNT triển khai thực hiện toàn bộ các gói thầu còn lại thuộc dự án, sở Giao thông - Vận tải đã chỉ đạo cho Khu quản lý bảo trì đường bộ tỉnh triển khai thực hiện đảm bảo giao thông những đoạn mà sở NN& PTNT chưa thi công nhằm đảm bảo ATGT cho người và các phương tiện tham gia trên tuyến được thuận lợi hơn.
Đại biểu Phan Minh Hoàng, thị xã Phước Long kiến nghị: Hiện nay trên địa bàn huyện Lộc Ninh có 11 hộ dân nằm trong khu quy hoạch của nhà máy xi măng Tà Thiết II. Việc quy hoạch đã kéo dài 3 năm nay nhưng chưa triển khai thực hiện, ảnh hưởng đến đời sống người dân. UBND huyện và nhà máy đã nhiều lần đề xuất phương án đền bù nhưng chưa được UBND tỉnh cho ý kiến. Đề nghị UBND tỉnh có biện pháp giải quyết.
Việc phê duyệt chi phí bồi thường và hỗ trợ tái định cư các dự án thuộc dự án Nhà máy xi măng Bình Phước, UBND tỉnh đã có Công văn số 2348/UBND-KTN ngày 23-7-2013 ủy quyền cho UBND các huyện, thị xã: Lộc Ninh, Hớn Quản, Bình Long phê duyệt và giao sở Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn UBND các huyện, thị xã và Nhà máy xi măng Bình Phước thực hiện. UBND tỉnh xin ghi nhận ý kiến của cử tri và tiếp tục chỉ đạo UBND huyện Lộc Ninh và các đơn vị có liên quan đẩy nhanh tiến độ thực hiện.
Chủ tịch UBND tỉnh: Nguyễn Văn Trăm (đã ký)
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065