VẬN ĐỘNG MỌI NGƯỜI BỎ TỤC DU CANH, DU CƯ
Ông Điểu Kem (1963) sinh ra và lớn lên trên đất Bù Ka 2. Gắn bó với cây lúa từ nhỏ, ông Kem thấy làm lúa tuy lo được cái ăn nhưng hiệu quả kinh tế không cao. Việc trồng lúa lại phụ thuộc nhiều vào thiên nhiên. Từ suy nghĩ đó, ông Kem nhận thấy chỉ có trồng cây lâu năm mới xóa được đói nghèo. Thế nhưng, tập quán của đồng bào Xêtiêng là du canh, du cư, nhiều lắm cũng chỉ vài ba năm rồi đi tìm đất rẫy mới nên cũng khó trong việc trồng cây dài ngày.
Để người dân gắn bó lâu dài với ruộng lúa, vườn cây, ông Kem vận động thành lập Ban thanh niên tập thể để khai hoang trồng cây lâu năm. Ông Kem và nhóm thanh niên trong sóc trồng được 3 ha điều. Khi có thành quả, những hộ dân ở lại sóc lập nghiệp, không du canh, du cư nữa. Nhờ vậy, nhiều hộ đồng bào Xêtiêng ở ấp Bù Ka 2 cũng học theo và đã có đất sản xuất với diện tích lớn vườn cây cao su, điều... cho thu nhập cao. Riêng gia đình ông Điểu Kem hiện sở hữu 25 ha đất rẫy.
Ông Phạm Tấn Cường, Bí thư Đảng ủy xã Long Hà cho biết, 3 ha đất trồng điều trước đây của ông Kem và Ban thanh niên tập thể nay xã sử dụng để xây dựng một điểm trường tiểu học, trường mầm non và nhà văn hóa thôn. Ông Điểu Kem cho hay: “Nhờ có diện tích đất này mà xã và thôn đã có nơi để người dân học tập, giao lưu, sinh hoạt”.
Ý CHÍ LÀM GIÀU
Ông Kem nhớ lại thời còn trẻ, xung quanh sóc Bù Ka 2 toàn rừng le, trảng cỏ mênh mông. Nhưng để làm giàu, ngoài có đất phải biết lựa chọn cây trồng, vật nuôi phù hợp nên đã học hỏi người Kinh.
Từ những rẫy lúa ban đầu để lo cái ăn, ông Kem dần mở rộng diện tích trồng xen cây điều. Lấy tro rơm rạ sau mỗi vụ thu hoạch ủ thành phân bón cho cây. Khi cây điều được thu hoạch, ông Kem trồng thêm cao su, cây ăn trái. Đến nay, gia đình ông Kem có 20 ha cao su, 4 ha điều, 100 cây sầu riêng trồng xen và 1 ha tiêu sắp cho thu hoạch. Theo ông Kem, hiện giá mủ xuống thấp nhưng với 20 ha cao su mỗi năm vẫn thu về 800 triệu đồng và 200 triệu đồng từ những cây khác.
Trong thôn, gia đình nào có khó khăn cần giúp đỡ, ông Kem luôn sẵn lòng. Vườn cây đa canh của ông Kem cũng là điểm đến cho Trung tâm khuyến nông thị xã Phước Long, Bù Gia Mập làm mô hình trình diễn và giới thiệu với các đoàn tham quan. Ông Phạm Tấn Cường cho biết, giá mủ cao su xuống thấp, nhưng ông Kem động viên người dân không nên thay thế cây trồng khác. Ông cho rằng, thị trường luôn biến động, nếu chạy theo giá mà phá bỏ cây cao su là rất nguy hiểm vì sẽ rơi vào vòng luẩn quẩn trồng - chặt - trồng. Người trồng cao su cố gắng bám trụ, cải tạo vườn cây, lấy công làm lãi thì cuộc sống vẫn ổn định.
Không chỉ làm kinh tế giỏi, ông Điểu Kem còn là đảng viên gương mẫu, trưởng thôn năng động và đại biểu HĐND huyện. Ông Điểu Kem được Đảng ủy, UBND xã và người dân Long Hà đánh giá cao trong các hoạt động từ thiện xã hội.
Hoàng Nga
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065