KHÔNG NÊN QUAY LƯNG VỚI CÂY ĐIỀU
Hiện đã vào thời điểm thích hợp để nông dân chăm sóc vườn điều. Tuy nhiên, do giá điều nguyên liệu nhiều năm liên tiếp giảm, đồng thời ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhiều nông hộ trồng điều không có vốn để tái canh, chăm sóc vườn. Điều này đã kéo theo hiện tượng chuyển nhượng vườn điều với giá rẻ, thậm chí nhiều hộ lại chọn “trồng - chặt, chặt - trồng” - chuyển đổi cây trồng khác.
Lối mòn “trồng - chặt, chặt - trồng”: nông dân sẽ mất trắng
Niên vụ điều năm 2019-2020 vừa kết thúc, gia đình anh Nguyễn Văn Tuấn, thôn 12, xã Long Hà, huyện Phú Riềng đã rao bán rẫy điều 2,2 ha. Nhiều người đến hỏi, xem rẫy rồi ra về, giao dịch không thành công. Đến ngày 16-7-2020, tiếng chuông điện thoại reo, đầu dây bên kia là khách hàng muốn xem rẫy điều của gia đình anh đang rao bán với thiện chí: Nếu được sẽ chốt luôn. Kết thúc cuộc điện thoại, vợ chồng anh Tuấn vui mừng, vội vàng đi đến mức quên cả mang theo các giấy tờ để làm thủ tục. Sau 2 giờ thương lượng, việc chuyển nhượng rẫy điều của gia đình anh với khách hàng thiện chí cơ bản thành công. Nét mặt anh thoáng buồn khi “chia tay” với tài sản mình chắt góp để mua trước đó.
“Tôi phải chấp nhận sang nhượng lỗ vốn 200 triệu đồng so với mức giá 1,3 tỷ đồng đã đầu tư mua năm 2018, để thu hồi vốn, trả nợ ngân hàng. Vì nếu chuyển đổi cây trồng lại mất thêm một khoản đầu tư lớn nữa, còn giữ lại vườn điều không biết vụ tới liệu có khả thi hay không?! Vụ điều năm 2020, gia đình tôi thu khoảng 40 triệu đồng, vì điều vừa bị sâu bệnh vừa mất giá. Trong khi tiền đầu tư chăm sóc, phân bón, phun thuốc hơn 20 triệu đồng” - anh Tuấn chua xót chia sẻ.
Vụ điều năm 2020, năng suất trung bình toàn tỉnh ước đạt 1,5 tấn/ha, cao hơn so với niên vụ trước chỉ đạt 1,05 tấn/ha. Giá điều vụ 2020 dao động từ 23-28 ngàn đồng/kg, giảm từ 7-9 ngàn đồng/kg so với vụ trước. Cuối vụ còn 15-18 ngàn đồng/kg, cá biệt có điểm thu mua chỉ 12-14 ngàn đồng/kg. Xét trên tổng thể thì cây điều năm nay cũng có dấu hiệu khả quan hơn các cây trồng khác. Do đó, nông dân yên tâm sản xuất, không nên “trồng - chặt, chặt - trồng” như các năm trước. Bên cạnh đó, cần duy trì chăm sóc vườn điều theo quy trình hợp lý để vụ năm 2021 năng suất cao hơn. Đặc biệt, các hộ trồng điều phải vệ sinh vườn, tỉa cành tạo tán cho thông thoáng, chăm sóc, bón phân theo quy trình kỹ thuật, thăm vườn thường xuyên để nắm bắt tình hình sâu bệnh hại và có biện pháp phòng trừ kịp thời. Bà Lê Thị Ánh Tuyết, |
Vụ điều 2020 kết thúc, tình trạng sang nhượng vườn, rẫy điều diễn ra nhiều hơn so với các năm trước. Với giá từ 450 triệu đồng trở lên có thể sở hữu 1 ha điều đang cho thu hoạch. Mức giá này thấp hơn rất nhiều so với giá của đất nông nghiệp và đất có trồng cây nông sản 2-3 năm trước. Điều này cho thấy nông hộ đang có dấu hiệu quay lưng với cây điều, do không có khả năng chăm sóc.
Tuy nhiên, vẫn còn một số nông hộ vẫn chọn gắn bó với cây điều, hy vọng sẽ có một bức tranh tươi sáng hơn ở năm sau. Chọn lối đi mạo hiểm, tranh thủ lúc giá điều xuống thấp, nhiều nông hộ không còn khả năng “chung thủy” với loại cây này. Anh Nguyễn Thế Thông ở thôn 8, cùng xã Long Hà vay mượn cộng với số tiền tích cóp được mua 1,3 ha điều với giá 800 triệu đồng.
Anh Thông đánh giá: “Hiện nay, nhiều nông dân ưa chuộng các loại cây ngắn ngày cho thu hoạch nhanh hơn so với các cây trồng lâu năm. Nếu lựa chọn cây trồng lâu năm, họ vẫn thích trồng cây cao su vì đến mùa cạo có thu nhập hằng ngày, dù giá mủ cao su có thấp vẫn cân bằng thu nhập. Trong khi cây điều mỗi năm chỉ thu hoạch một vụ và phụ thuộc nhiều vào thời tiết, giá thị trường. Nếu không may mắn nông dân rất dễ tay trắng. Thu hoạch của vụ điều năm 2020 chỉ đủ trả tiền lãi vay để mua rẫy, còn chi phí đầu tư chăm sóc vườn chưa thu hồi được. Tuy nhiên, với tôi gắn bó cây điều ngoài vì kinh tế gia đình, còn mong được đóng góp một phần nhỏ trong xây dựng ngành điều của Bình Phước”.
“Tiếp thêm năng lượng” cho cây điều
Cây điều có mặt ở Bình Phước từ những năm 80 của thế kỷ trước, với vai trò là cây xóa đói giảm nghèo. Nhiều hộ đã vươn lên thoát nghèo. Còn Bình Phước trở thành thủ phủ, là trung tâm chế biến hạt điều lớn nhất cả nước. Hiện nay, trên toàn tỉnh có khoảng 100 ngàn ha điều trên 18 năm tuổi được trồng từ các loại giống cũ, chiếm 56,45% diện tích cây điều toàn tỉnh. Để đáp ứng nguồn nguyên liệu thô đạt sản lượng và chất lượng cho ngành điều của tỉnh phát triển bền vững, thì số diện tích điều già cỗi, kém năng suất này cần được trồng tái canh trong giai đoạn tới.
Trước thực trạng cây điều đang giảm cả về năng suất, sản lượng và giá cả, đây là lúc nhà nông nên nhìn lại để chăm sóc, tái canh nhằm tiếp thêm năng lượng cho cây điều, trả ơn cây điều. Việc làm này cũng sẽ chung tay góp phần thúc đẩy ngành điều trên địa bàn tỉnh phát triển bền vững hơn.
“Sau khi vụ điều kết thúc, gia đình tôi để vườn cây nghỉ một thời gian ngắn. Sau đó tỉa cành, dọn vườn sạch sẽ, bón phân đúng định kỳ, chọn loại phù hợp với chất đất của vườn. Để cây cho năng suất tốt, gia đình tôi chăm sóc theo hướng hữu cơ, hạn chế sử dụng các loại phân bón hóa học. Chủ yếu làm cho đất tơi xốp, thoáng… nhằm hạn chế sâu đục thân, nấm, bọ trĩ. Dù không phải mùa thu hoạch nhưng tôi vẫn vào vườn thường xuyên để kiểm tra, phát hiện sớm sâu bệnh và xử lý kịp thời” - ông Đỗ Ngọc Quyền ở thôn Phước Thịnh, xã Bình Tân, huyện Phú Riềng nói.
KHOẢNG 64.104/176.000 HA ĐIỀU CHO NĂNG SUẤT ĐẠT CHUẨN CHẤT LƯỢNG VÀ SẢN PHẨM Theo số liệu của ngành nông nghiệp, diện tích điều của Bình Phước hiện nay hơn 176 ngàn ha, trong đó trên đất nông nghiệp hơn 137 ngàn ha, trên đất lâm phần 39 ngàn ha. Diện tích cho thu hoạch gần 170 ngàn ha, trong đó diện tích thu hoạch trên đất nông nghiệp 134 ngàn ha, trên đất lâm phần 36 ngàn ha. Số diện tích điều tập trung chủ yếu tại 4 huyện Bù Đăng, Bù Gia Mập, Phú Riềng và Đồng Phú, trong đó diện tích đạt chuẩn chất lượng và sản phẩm có khoảng 64.104 ha, chủ yếu trồng tại khu vực đất thích nghi và rất thích nghi. |
Để cải thiện năng suất, nhiều hộ chủ động tái canh vườn điều với các loại giống mới được cơ quan chức năng nghiên cứu khuyến khích trồng. Chị Phan Thị Thu ở thôn 9, xã Long Hà chia sẻ: “Với 1,5 ha, vườn điều của gia đình tôi qua 18 năm đến nay đã già cỗi. Do trước đây trồng giống cũ nên giờ cải thiện theo hình thức ghép cành không hiệu quả. Vì thế, tôi quyết định cưa vườn cây và thay thế giống điều mới”.
Là ngành kinh tế chủ lực của tỉnh, quý 1/2020, giá trị xuất khẩu của ngành điều đạt 185,49 triệu USD với sản lượng 66,22 ngàn tấn; điều thô nhập khẩu 46,45 ngàn tấn, đạt 107,82 triệu USD. Để ngành điều tiếp tục phát triển mạnh và đứng vững trong mùa dịch, cũng như duy trì nguồn nguyên liệu điều thô đáp ứng nhu cầu sản xuất, chế biến điều trên địa bàn tỉnh, rất cần những nông hộ “kiên nhẫn gắn bó, không quay lưng với cây điều” trong thời điểm này.
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065