BP - Khi phong trào chơi tượng gỗ trở nên phổ biến thì người chơi đồ gỗ thứ thiệt thể hiện đẳng cấp bằng cách chọn những mặt hàng làm bằng gỗ nu, lũa. Những bức tượng được làm từ khối gỗ nu, lũa thường mang giá trị thẩm mỹ và nghệ thuật hơn nhiều so với những bức tượng gỗ thông thường. Bởi những bức tượng, linh vật hay bình nghệ thuật làm bằng gỗ nu, lũa thì yếu tố con người chỉ góp một phần nhỏ tạo nên hình dáng, đường nét, phần chủ yếu do thiên tạo. Với vẻ đẹp tự nhiên, sự khan hiếm của gỗ nu và lũa nên những tác phẩm nghệ thuật làm từ các loại gỗ này có giá trị cao và được người chơi lựa chọn.
GỖ NU, LŨA - SẢN PHẨM CAO CẤP
Theo những người am hiểu về gỗ thì gỗ nu là tên gọi chung của những cây gỗ tuổi thọ hàng trăm năm có bướu, mắt khác thường. Nu được hình thành từ những cây bị sâu mọt, chặt chém, sét đánh... tại các vết thương cây cung cấp chất dinh dưỡng nhiều và tích tụ một lượng lớn làm cho nó phát triển khác thường so với những nơi khác trên thân cây. Độ lớn của phần nu phụ thuộc vào cách hấp thụ chất dinh dưỡng, thời gian sinh trưởng và từng loại cây gỗ. Các loại nu có giá trị cao như nu cây sưa, trắc, cẩm, ngọc am, hương, gõ đỏ, nghiến... Trong đó giá trị nhất là nu gỗ sưa vì vân hoa đẹp và hương thơm. Ở khu vực Đông Nam bộ, gỗ nu có giá trị cao thường gặp là nu hương, cẩm, gõ đỏ.
Anh Đào Đình Năng tạo hình Bồ Đề Đạt Ma từ khối gỗ lũa cẩm
Gỗ lũa là phần lõi cứng còn sót lại của cây. Những cây gỗ quý sau khi chết bị mối mọt và các tác động của thời tiết, dòng chảy của nước bào mòn phần ngoài để lại lõi cứng. Mỗi khúc gỗ lũa thường có hình thù, đường nét không giống nhau. Gỗ lũa có 3 loại: lũa nằm sâu trong lòng đất, lũa chìm trong bùn nước và lũa được tạo thành từ mưa, gió. Lũa gió được khách yêu thích nhất vì hình dạng độc đáo.
Anh Đào Đình Năng, chủ cơ sở đồ gỗ mỹ nghệ tại phường Tân Bình, thị xã Đồng Xoài cho biết: “Ngày nay, người chơi đồ gỗ đẳng cấp thường tìm đến những sản phẩm độc đáo được làm bằng gỗ nu, lũa. Bởi gỗ này đang ngày một khan hiếm, đặc biệt là nu và lũa gỗ hương, cẩm, gõ đỏ. Một số loại nu gỗ trắc, huỳnh đàn hiện trên địa bàn tỉnh không bán. Nếu có bán thì giá cũng “trên trời”, đến người giàu cũng phải tính toán khi mua”.
Anh Năng cho rằng, trên thị trường hiện nay các loại nu, lũa gỗ hương, cẩm lai, gõ đỏ được bán theo ký. Tùy theo mức độ nu ít hay nhiều mà gỗ có giá khác nhau, có loại gỗ nu đến hơn 1 triệu đồng 1kg. Anh Năng cho biết: “Không phải cứ thân cây lớn là sẽ có nu. Trong hàng trăm cây gỗ lớn, thậm chí cả cánh rừng mới có một cây tạo được vài mảng nu. Gỗ nu có vân không cố định mà xoáy ngẫu nhiên tạo nên những hình thù bắt mắt. Và điều khiến giá gỗ nu được đẩy lên cao chót vót là do người dân cho rằng sở hữu gỗ nu không những thể hiện đẳng cấp và gia thế mà còn mang lại may mắn, tài lộc và thịnh vượng cho gia chủ. Vì thế mà ngày càng có nhiều đại gia bỏ tiền “săn” những sản phẩm bằng gỗ nu”.
NGHỆ THUẬT CỦA NGHỆ THUẬT
Với trí tuệ sáng tạo và bàn tay khéo léo của một nghệ nhân, những khối gỗ nu, lũa được anh Năng tạo nên nhiều tác phẩm nghệ thuật độc đáo. Anh Năng cho biết thêm: “Gỗ lũa có tính nghệ thuật tương đồng với điêu khắc, tạc tượng, song nó phong phú, đa dạng hơn cả. Dựa trên những hình dạng, đường nét của gỗ, gốc cây, nghệ nhân sẽ thổi hồn làm cho khối gỗ lũa trở thành một tác phẩm nghệ thuật”. Với gỗ nu, phần tác động của bàn tay con người để trở thành một tác phẩm nghệ thuật nhiều hơn. Gỗ nu gai thường được dùng nhiều nhất trong chế tác thành cóc phong thủy hay còn gọi là cóc Thiềm Thư, bình phong thủy, tượng phật, các loài linh vật hay xẻ thành tấm viết thư pháp...
Trong hàng chục bức tượng tại cơ sở điêu khắc của anh Năng thì khoảng 50% được làm bằng gỗ nu, lũa. Từ tượng Phật Di Lặc, Bồ Đề Đạt Ma đến các linh vật như cóc Thiềm Thư, long, phụng... được làm bằng nu gỗ hương, cẩm, gõ đỏ có hình thù độc đáo, ngắm nhìn không chán mắt. Vì đam mê nên anh Năng dày công sưu tầm gỗ nu, lũa nhiều năm nay. Anh Năng nói: “Cách đây khoảng 5 năm tôi đã có ý thức thu mua gỗ nu, lũa tích trữ. Tuy nhiên, do các loại gỗ này ngày một hiếm nên mỗi năm tôi chỉ đục 5-7 bức tượng làm bằng nu để bán”.
Để tạo một bức tượng từ gỗ nu, lũa, người đục phải nghiên cứu thế cây để làm ra những pho tượng đẹp, có hồn nhưng vẫn giữ được độ tự nhiên của gỗ. Đơn cử như bức tượng “Long chấn thổ thiền” được anh Năng làm từ gỗ nu cẩm, cao 1m, nặng khoảng 100kg là tác phẩm nghệ thuật kết hợp giữa thiên tạo và nhân tạo. Bức tượng này có hình một con rồng cuộn tròn làm bệ để Bồ Đề Đạt Ma ngồi thiền. Từ hình dáng của khối gỗ, anh Năng chỉ đẽo gọt, tạo ra mặt tượng Bồ Đề Đạt Ma và đầu rồng. Phần xiêm y, thế ngồi thiền của Bồ Đề Đạt Ma hoàn toàn tự nhiên. Bức tượng này do anh Năng và thợ phụ làm trong 15 ngày nhưng việc lên ý tưởng phải “thai nghén” từ nhiều năm.
Sở hữu một sản phẩm từ gỗ nu, lũa không chỉ là vật trang trí độc đáo, sang trọng mà còn là một món tài sản để càng lâu càng có giá trị.
Nhất Sơn
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065