Phiêu dạt xứ người!
Căn lều xập xệ nằm ven bờ hồ Suối Cam, phường Tân Phú (TX. Đồng Xoài) quá nhỏ bé với một gia đình 5 người chung sống. Đó là nơi tá túc của gia đình anh Kim Minh Tuấn (35 tuổi) - Hà Thị Oanh (36 tuổi), dân tộc Khơme. Vợ chồng chị Oanh rời quê Yên Hải, tỉnh Trà Vinh lên Bình Phước làm thợ hồ, mang theo đàn con nheo nhóc. Mùa tựu trường năm nay, ba đứa con của chị Oanh là Kim Thị Thảo (12 tuổi), Kim Thị Duyên (6 tuổi), Kim Văn Hiếu (3 tuổi) đều không được đến trường.
Tấn không biết đến tiếng trống trường vì phải gồng mình với cuộc mưu sinh
Chị Oanh kể: “Bé Thảo mới học hết lớp Một. Tụi tôi lên đây làm thợ hồ phải đưa Thảo đi theo trông em. Do chưa có hộ khẩu, không làm tạm trú nên Thảo không được đến trường”. Còn cháu Duyên năm nay cũng đến tuổi vào lớp Một nhưng chỉ quanh quẩn chơi trong xóm trọ. Thấy người lạ, bé chỉ im lặng. Tuy túp lều gia đình chị Oanh ở rất gần trường Tiểu học Tân Phú B nhưng chị Oanh không biết về ngôi trường này. Chị nói: “Cuộc sống quá khó khăn, làm đến đâu ăn hết đến đó, vợ chồng tôi không dám nghĩ đến việc cho con tới trường!”.
Trong xóm tạm cư này, em Kim Ngọc Yến (14 tuổi) cũng không có niềm vui tựu trường. Chị Chàu Thị Tuyết (22 tuổi, mẹ cháuYến) cho biết: Học hết lớp 5, gia đình không có điều kiện nên để Yến nghỉ học. “Tụi tôi đi kiếm sống, đưa Yến theo để Yến chăm em. Vợ chồng làm suốt ngày” - chị Tuyết giải thích.
Bình Phước có nhiều người từ tỉnh khác đến mưu sinh. Vì thế, không ít trẻ em trong độ tuổi đến trường theo cha mẹ kiếm sống phải thất học. Một chủ vựa điều ở thị xã Phước Long cho biết: Tại xưởng điều của nhiều doanh nghiệp có nhiều trẻ theo cha mẹ đến làm việc như công nhân thực thụ. Vì lý do tế nhị nên chúng tôi chỉ xem các cháu đến phụ giúp công việc cho cha mẹ mà thôi”.
Gánh nặng mưu sinh
Căn nhà nhỏ của gia đình em Trần Văn Tấn lọt thỏm trong thôn Thạch Màn, xã Tân Hưng (Đồng Phú) vắng lặng. Vì gánh nặng mưu sinh nên Tấn già dặn hơn rất nhiều so tuổi 13. Khi chúng tôi đến, Tấn đang vào rừng hái măng để bán. Chị Thị Hạnh (hàng xóm của Tấn) cho biết: “Tìm nó khó lắm. Nó lên rừng suốt ngày, tối mịt mới về. Hết đi cạo mủ, làm cỏ, xuống suối bắt cá lại vào rừng tìm măng”.
Đặt giỏ măng xuống nền bếp, Tấn lau mồ hôi, lễ phép chào khách. Cầm khăn lại phía giường lau mặt cho mẹ đang bị bệnh, Tấn kể: “Mẹ bị tai biến đã hơn một năm. Bây giờ em là trụ cột gia đình. Ai kêu việc gì em cũng làm. Không có việc, em xuống suối bắt cá, vào rừng hái măng”. Nói về ước mơ đi học, Tấn nghèn nghẹn: “Nhìn mấy bạn được đến trường, em cũng thích. Nhưng phải dành tiền để chữa bệnh cho mẹ”.
Cha và chị của Tấn là Trần Thị Loan bị tâm thần. Năm nay đã 19 tuổi nhưng Loan như đứa trẻ mới lớn. Loan từng bị kẻ xấu hãm hại khiến phải mang thai. Gánh nặng gia đình trên vai Tấn ngày càng nặng. Song Tấn hết mực thương cha mẹ và chị gái. “Em chỉ mong sao cha mẹ và chị gái có cơm ăn hàng ngày”, nói đoạn Tấn xin phép đi làm.
Sau tiếng chào, Tấn hòa lẫn vào vườn cao su để phụ thu gom mủ cho chủ vườn. Tôi thầm nghĩ, cậu bé 13 tuổi đã phải oằn mình vì cơm áo, gạo tiền cho cả gia đình thì giấc mơ đến trường quá xa vời. Mong sao cộng đồng, xã hội giúp đỡ để Tấn đủ sức “chèo chống” cho gia đình đặc biệt của mình.
Tường Linh
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065