Gần đây nhất, sau lễ khai giảng năm học mới 2016-2017 được 2 ngày, tài khoản facebook có tên Nguyễn Ngọc Thạch đã gửi Bộ GD-ĐT một lá đơn rất “kỳ lạ” xin phép cho con mình được trở thành học sinh dốt trong năm học này. Chỉ 4 giờ đăng tải đã có 13.000 lượt thích và 3.400 lượt chia sẻ.
Nhiều người thích và chia sẻ vì tác giả đã nói rất đúng tâm trạng của bậc làm cha làm mẹ. Theo trào lưu xã hội hiện nay, nhiều cha mẹ thường ép con cái học hành quá độ, lấy thành tích học tập của con làm cái danh khoác lên mình đến mức các em phải trầm uất, thậm chí không muốn sống nữa. Lá đơn có đoạn: “Cháu cố tự tử đêm qua... liên tục đập đầu vào tường rất mạnh, cả tôi và chồng đã giữ cháu lại, ôm cháu vào lòng, hỏi han cả đêm... Cháu mới thú nhận, dù học thêm rất nhiều, nhưng rồi điểm số của cháu cũng chỉ lẹt đẹt, vì tới tối, lúc lê tấm thân tới trung tâm, cháu chỉ còn đủ sức để gục đầu và ngủ mê mệt dưới bàn... Cháu không muốn sống nữa, vì sợ rằng bản thân không phải học sinh giỏi sẽ làm cha mẹ nhục nhã”.
Trên thực tế, đã có nhiều học sinh tự tử vì thành tích học tập. Cụ thể, tháng 12-2015, em Tr nữ sinh lớp 11 ở Bình Dương, đã nhảy xuống sông tự tử để lại lá thư tuyệt mệnh có đoạn: “Con luôn suy nghĩ rằng phải đậu trường công an hay y cho bố mẹ vui lòng, nhưng con thực sự rất mệt, con mệt lắm, con buông xuôi tất cả. Con không thể hoàn thành nó được. Con xin lỗi...”. Tháng10-2015, nam sinh T.H.H - học sinh lớp 11 ở Lạng Sơn cũng nhảy xuống dòng nước chảy xiết của sông Kỳ Cùng. Theo thông tin từ gia đình, nhà trường thì H vốn là học sinh ngoan, hiền. Nguyên nhân dẫn tới hành động của H là do bị điểm kém. Cũng vì điểm kém, T.T.L - nữ sinh lớp 8 (14 tuổi, ngụ tại Củ Chi, TP. Hồ Chí Minh) đã uống 20 viên panadol tự vẫn sau khi biết kết quả thi học kỳ I không được như mong đợi...
Có nhiều trường hợp, trong khi các em buồn tủi và tuyệt vọng vì điểm thấp thì cha mẹ lại mắng chửi, chì chiết, xem các em như một thứ bỏ đi. Các em khổ sở vì cha mẹ so sánh hết với người này đến người kia, kỳ vọng con mình sau này trở thành ông nọ bà kia. Từ đó biến sự học thành một nỗi ám ảnh, tra tấn tinh thần các em. Chính cha mẹ đang giết chết tuổi thơ của con cái ngay hôm nay.
Kịp nhận ra lỗi lầm, người mẹ đã làm đơn xin cho con được trở thành học sinh dốt trong năm học này. Có như thế mới cứu được con, mới trả lại tuổi thơ cho con.
Chuyện khác do chính một cậu bé ở tận nước Mỹ kể và được dịch lại. Một người cha khi nghe cô giáo phàn nàn về thành tích học tập của con đã gọi con lại và hỏi: “Con thích trở thành Michael Schumacher và không chịu học hành gì cả, đúng không”. Điều đó khiến một đứa trẻ 14 tuổi cảm thấy khó chịu. Nhìn vẻ mặt cười nguy hiểm của ba, cậu đáp: “Vâng. Anh ấy là thần tượng của con. Bằng tuổi con bây giờ, thành tích học tập cũng rất kém. Thi toàn được điểm 0. Vậy mà ba xem, anh ấy đang có một tương lai vô cùng rực rỡ”. Ba cậu nói: “Anh ta thi được điểm 0 nên bây giờ mới trở thành tay đua số một. Nhưng con xem, từ trước giờ con đâu có được điểm 0, toàn 3, 4 thôi”. Rồi người cha cùng con cá cược: “Nếu con được 0 điểm thì sau đó con có thể tùy ý quyết định việc của mình, học hay không tùy con. Ba không can thiệp. Nhưng từ giờ đến khi con được 0 điểm con phải chịu sự quản lý của ba. Được chứ”.
Người con vô cùng vui mừng vì nghĩ, trên đời có gì dễ hơn là thi được 0 điểm. Nhưng đến kỳ kiểm tra, vì không biết chính xác đáp án nên cậu bé khoanh bừa. Sau khi ra khỏi phòng thi, đột nhiên cậu cảm thấy lo lắng. Chọn bừa thì biết đâu lại là đáp án đúng (!?). Quả là khi nhận được kết quả, không có bài nào của cậu đạt điểm 0. Ba cậu khích: “Cố mà được điểm 0 nhé. Lúc đó con muốn làm gì thì làm”.
Để đạt điểm 0, cậu phải lao vào học để biết được đáp án đúng rồi khoanh vào đáp án sai. Cuối cùng cậu đã có điểm 0 đầu tiên. Cũng có nghĩa là cậu biết hết câu trả lời nào là đúng cho tất cả câu hỏi. Ba cậu rất vui mừng: “Chúc mừng con, cuối cùng con đã được như ý và chúc mừng vì con đã bị lừa. Con có cảm thấy chỉ khi con được điểm 10 thì con mới có thể đạt được điểm 0. Đó là bài học mà con phải nhớ mãi”.
Chính từ bài học này mà cậu bé sau này đã thi đậu Trường đại học Havard, học thạc sĩ rồi học lên tiến sĩ. Anh dịch sách, viết sách và bán rất chạy. Vui hơn khi nhờ có người cha hiểu biết mà cậu bé luôn được là chính mình.
Thiết nghĩ, với cách giáo dục “nhồi nhét”, tôi không tin sẽ tạo ra nhiều người tài... Đồng thời, cũng đừng vì lý do đổi mới giáo dục mà luôn biến học sinh thành chuột bạch để thử nghiệm. Đã đến lúc ngành giáo dục và mỗi gia đình nên lắng nghe tiếng lòng con trẻ trước khi đi đến quyết định cuối cùng. Bởi tất cả không ngoài mục đích tạo nên những con người trong xã hội có đầy đủ đức và tài.
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065